Không để 'trốn' thực hiện nghĩa vụ quân sự

Thanh niên Hà Nội lên đường nhập ngũ trong đợt thực hiện nghĩa vụ quân sự đợt hai năm 2014 của Hà Nội.
Thanh niên Hà Nội lên đường nhập ngũ trong đợt thực hiện nghĩa vụ quân sự đợt hai năm 2014 của Hà Nội.
TP - Thảo luận về dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) sửa đổi ngày 12/11, nhiều đại biểu cho rằng, thực hiện nghĩa vụ quân sự là thiêng liêng, không thể thay thế.

Do đó, cần phải bổ sung các quy định để buộc cán bộ, công chức, viên chức trong độ tuổi phải nhập ngũ và ngăn chặn tình trạng chạy chọt, trốn tránh trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

Nghĩa vụ thiêng liêng không thể thay thế

Theo ĐB Hồ Trọng Ngũ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh, hiện nay mỗi năm trung bình cả nước chỉ tuyển chọn khoảng 100.000 người nhập ngũ, chiếm 6% số lượng người trong độ tuổi phải nhập ngũ. Do đó, vấn đề quan trọng nhất là làm sao bảo đảm được sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng cao quý này.

ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) cho rằng, với tỷ lệ ít như trên thì dù có quy định hình thức nào đi nữa thì không thể gọi hết, không thể bảo đảm được công bằng là “công dân phải thực hiện NVQS” như Hiến pháp quy định. “Tôi nghĩ chúng ta nên hiểu NVQS có nghĩa là tham gia quốc phòng toàn dân thì sẽ rộng và tốt hơn. Và chúng ta ngầm hiểu rằng có nghĩa vụ thay thế để rồi có giải pháp để bảo đảm công bằng hơn”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi khẳng định: “Không thể đặt vấn đề có nghĩa vụ thay thế NVQS”. Bởi thực tế, khó có thể yêu cầu những người không tham gia NVQS phải đóng tiền vì có rất nhiều đối tượng bản thân nhà nước chưa gọi nên không thể yêu cầu họ nộp tiền. Hơn nữa, nếu yêu cầu họ nộp tiền trước để được miễn NVQS thì càng không thể chấp nhận bởi đây là nhiệm vụ thiêng liêng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng khẳng định, Hiến pháp đã quy định rõ nên mọi công dân đều phải thực hiện. “Mỹ là nước chiến tranh không xảy ra trên lãnh thổ của họ mà họ vẫn coi NVQS là bắt buộc, rất ít trường hợp được miễn. Ngay cả công chức, doanh nhân cũng đều trưởng thành từ quân đội. Ta cũng phải quy định để cứ thanh niên đến độ tuổi về nguyên tắc phải đi NVQS”, ông Cường nhấn mạnh.

Ngăn chạy chọt, trốn tránh

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), trong việc thực hiện NVQS hiện nay vẫn tồn tại tình trạng bất công, chạy chọt để không nhập ngũ. Vì thế, dự thảo luật cần phải bổ sung một số điều như “cấm chạy chọt trong thực hiện”.

Thực tế theo các đại biểu, những năm qua, đối tượng thuộc diện gọi nhập ngũ chủ yếu là con em nông dân, còn cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp ra trường … nhập ngũ rất ít. “Lần này sửa luật chúng ta phải bổ sung quy định để buộc chặt các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức trong độ tuổi vào diện phải nhập ngũ, chứ như hiện nay là rất bất công”, ĐB Nguyễn Văn Hưng (TPHCM) nêu ý kiến.

Ủng hộ với đề xuất trên, ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) cho hay, có rất nhiều cán bộ, công chức trẻ ở thành phố rất mong muốn và hăng hái lên đường nhập ngũ. Nếu thực hiện được điều này sẽ góp phần làm cho chất lượng, hiệu quả quân ngũ tốt hơn. Thời gian đi là nghỉ không lương, trở về làm lại công việc cũ hoặc bố trí nơi làm việc khác phù hợp.

Đối với các trường hợp đi học ở nước ngoài, ĐB Ngô Ngọc Bình (TPHCM) cho rằng, cần có những quy định ràng buộc để các em sau khi học về thì thực hiện NVQS. “Ở các nước khác những người đến tuổi thực hiện NVQS nếu đi nước ngoài học tập thì phải đóng tiền. Khi nào thực hiện xong NVQS thì được trả tiền lại”, ông Bình nói.

Ngoài ra, để tăng số lượng nhập ngũ nhiều hơn, ĐB Hồ Trọng Ngũ cho rằng, cần nghiên cứu quy định thời gian nhập ngũ đại trà là 18 tháng, chỉ đối với những người mà giữ lại làm bộ khung thì mới quy định 24 tháng. “Có quy định như thế thì chúng ta mới gọi được nhiều người nhập ngũ hơn, bảo đảm sự bình đẳng và cũng là cơ hội để họ thực hiện quyền cao quý của mình. Chứ như hiện nay thì khó bảo đảm được sự công bằng trong việc thực hiện NVQS”, ông Ngũ góp ý.

MỚI - NÓNG