“Các đồng chí phải hết sức chủ động kiểm soát chặt chẽ, không để lặp lại tình trạng “bong bóng” bất động sản mà mấy năm trước đây chúng ta đã phải rất gian nan để xử lý”, Thủ tướng lưu ý.
Minh bạch để dân biết và giám sát
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành triển khai đồng bộ các biện pháp khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy và tạo sự đột phá trong lĩnh vực du lịch, nhất là thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Đồng thời làm tốt công tác thông tin, truyền thông, theo đó các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động cung cấp thông tin, giải trình, giải thích về tất cả những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý, nhất là những chính sách có tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
“Chúng ta lo phát triển, lo cho dân nhưng phải công khai, minh bạch để người dân biết, giám sát và đồng thuận” - Thủ tướng nhắc nhở đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tăng cường quản lý về lĩnh vực này
Đặc biệt, Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các giải pháp bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. “Các đồng chí phải hết sức chủ động kiểm soát chặt chẽ, không để lặp lại tình trạng “bong bóng” bất động sản mà mấy năm trước đây chúng ta đã phải rất gian nan để xử lý” - Thủ tướng lưu ý trước những cảnh báo có thể xảy ra khi thị trường bất động sản đang “ấm” lên và nguồn vốn tín dụng vào bất động sản đã tăng đáng kể.
Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, trả lời báo chí về tình trạng nông sản “được mùa, mất giá”, không bán được hàng (dưa hấu, hành tím, muối,...), tại cuộc họp báo Thường kỳ (chiều 25/4), Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho rằng, tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trước hết do được mùa, sản lượng các loại sản phẩm này tăng cao, trong khi đó nhu cầu trong nước tăng chậm hơn, xuất khẩu gặp khó khăn. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch chưa tốt, chưa sát với thực tiễn; tổ chức sản xuất nhưng thiếu thông tin về thị trường; liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa hiệu quả; còn nhiều bất cập trong khâu bảo quản, vận chuyển, thông quan xuất khẩu hàng hóa.
Để giải quyết thực trạng trên, ông Nên cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương phối hợp với nước láng giềng tăng cường năng lực thông quan, vận chuyển, kho bãi, bốc xếp tại khu vực cửa khẩu để đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu. Đồng thời giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Bộ, cơ quan liên quan xác định cơ chế, giải pháp cần thiết để đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Truy thu và xử phạt Honda 182 tỷ đồng
Về thông tin trong dư luận cho rằng, Công ty Honda Việt Nam cũng có vi phạm về thuế, vậy việc xử lý vấn đề này sẽ như thế nào? Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Công ty Honda Việt Nam có vi phạm pháp luật. Hiện Bộ Tài chính đã quyết định truy thu và xử phạt Công ty Honda Việt Nam 182 tỷ đồng. “Hiện nay còn một khoản lớn nữa nhưng Công ty này chưa chấp hành, có khiếu nại nên chúng tôi đang xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, ông Tuấn cho biết.
Liên quan đến công tác quản lý, sử dụng hơn 1.000 cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước tại Hà Nội được phản ánh là thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng “liên doanh, liên kết”, cho thuê để trục lợi, Chủ nhiệm VPCN Nguyễn Văn Nên cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Bộ Tài chính đã kiểm tra, đôn đốc tổ chức thực hiện việc sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và xử lý nghiêm các sai phạm, trong đó có việc quản lý, sử dụng, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định.
Cũng theo ông Nên, báo cáo chưa đầy đủ của các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty, trên địa bàn thành phố Hà Nội đến nay còn khoảng 200 cơ sở nhà, đất sử dụng chưa đúng mục đích được giao. Những trường hợp này Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công. Ngoài ra ông Nên cho biết, hiện Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm tra, rà soát lại việc quản lý, sử dụng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước ở thành phố Hồ Chí Minh và trong quý II/2015 sẽ thực hiện trên địa bàn TP Hà Nội. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan yêu cầu tiếp tục hoàn thiện và thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trả lời câu hỏi của báo chí về tình trạng trạm thu phí trên nhiều tuyến đường “mọc lên như nấm” do các dự án đường bộ được xây dựng theo hình thức BOT ngày càng nhiều nên cần điều chỉnh lại việc thu phí bảo trì đường bộ cho phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp? Ông Nên khẳng định: Việc thu phí để tạo nguồn vốn bảo trì hệ thống đường bộ là rất cần thiết. Nguồn thu này không sử dụng để bảo trì các dự án giao thông đường bộ BOT. Các dự án đường cao tốc có mức thu phí riêng theo phương án hoàn vốn của từng dự án BOT. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các trạm thu phí dự án BOT trên các tuyến quốc lộ, bảo đảm thực hiện đúng các quy định hiện hành và khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ trên phạm vi toàn quốc, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.