Kết quả nghiên cứu cho thấy 95% dân số Tây Ban Nha vẫn có thể nhiễm SARS-CoV-2 (dòng coronavirus mới gây dịch bệnh COVID-19). Miễn dịch cộng đồng đạt được khi một tỷ lệ nhất định dân số nhiễm virus hay vi khuẩn, hoặc được tiêm chủng, để chấm dứt sự lưu hành của loại virus hoặc vi khuẩn đó, CNN đưa tin ngày 6/7.
Trung tâm Phòng chống dịch bệnh châu Âu nói với CNN rằng, nghiên cứu của Tây Ban Nha (lấy mẫu từ hơn 61.000 người đại diện cho mọi khu vực của nước này) là nghiên cứu lớn nhất trong số hơn chục nghiên cứu huyết thanh về coronavirus mà các quốc gia châu Âu đã thực hiện từ trước tới nay. Nghiên cứu này củng cố kết quả của một nghiên cứu kháng thể với sự tham gia của 2.766 người ở thành phố Geneva của Thụy Sĩ (được công bố trên Lancet hôm 11/6).
Mỹ và Trung Quốc cũng đã thực hiện các nghiên cứu tương tự và kết quả các nghiên cứu này đều chỉ ra rằng, hầu hết dân số vẫn có thể mắc COVID-19, “thậm chí ở các khu vực mà virus lưu hành rộng rãi”, Lancet đăng bình luận cùng với kết quả nghiên cứu của Tây Ban Nha. “Các kết quả nghiên cứu này cho thấy, bất kỳ đề xuất giải pháp nào nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng thông qua lây nhiễm tự nhiên đều không chỉ rất phi đạo đức mà còn không thể đạt được”, hai tác giả của bài bình luận của Lancet viết. Hai tác giả bao gồm Isabella Eckerle - giám đốc Trung tâm Geneva về bệnh do virus mới nổi và Benjamin Meyer - nhà virus học công tác tại Đại học Geneva. Các bác sĩ vẫn chưa chắc chắn rằng, việc có kháng thể đối với coronavirus có nghĩa sẽ không bị tái nhiễm virus. Vẫn chưa rõ kháng thể bảo vệ con người khỏi coronavirus trong bao lâu và với mức độ bảo vệ nào.
Nghiên cứu được đánh giá ngang hàng của Tây Ban Nha bắt đầu hồi tháng 4, khi nước này vẫn trong tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt, và được các cơ quan dịch tễ và nghiên cứu hàng đầu của chính phủ Tây Ban Nha thực hiện.
Các chuyên gia quốc tế cảnh báo rằng, coronavirus có thể bay lơ lửng và có thể truyền qua các giọt bắn trong không khí, CNN đưa tin ngày 6/7. Tính đến tối 6/7, thế giới có hơn 11,47 triệu ca mắc COVID-19, bao gồm 534.800 người tử vong, theo Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Mỹ có số ca mắc lớn nhất với xấp xỉ 2,89 triệu người, gồm gần 130.000 trường hợp tử vong. Tây Ban Nha có số ca mắc nhiều thứ 9 thế giới - hơn 250.500 người, gồm gần 28.400 trường hợp tử vong.