Giám đốc Công an TP Hà Nội:
“Không có chuyện trấn áp người biểu tình”
Biểu tình bày tỏ thái độ yêu nước
Mở đầu cuộc họp, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh cho biết, đến nay đã có 8 cuộc biểu tình tự phát diễn ra tại Hà Nội. Thời gian đầu có số lượng người tham gia tương đối đông, lên đến 300 người. Địa điểm tập trung chủ yếu là trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc (phố Hoàng Diệu), và đều diễn ra vào sáng Chủ nhật hằng tuần. Thành phần tham gia chủ yếu là sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân... “Công an TP với trách nhiệm của mình, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Có thể nói, đây là các cuộc biểu tình bày tỏ thái độ yêu nước, phản đối Trung Quốc gây hấn Biển Đông với đủ các tầng lớp nhân dân tham gia” - Tướng Nhanh khẳng định. Tuy nhiên, theo ông Nhanh, dù phía Trung Quốc có hành động gì chăng nữa thì cơ quan sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam vẫn là mục tiêu phải được bảo vệ an toàn.
Không có chuyện bắt bớ, đàn áp
Theo Giám đốc CATP Hà Nội, khi số người này tập trung ở trước cửa Sứ quán Trung Quốc, các lực lượng Công an TP tìm cách giải thích và vận động họ giải tán. Đây là chủ trương nhất quán, chứ không ai có chủ trương “đàn áp”, “trấn áp” hoặc như báo chí nước ngoài nói là “đàn áp dã man”, “bắt người vô tội”. Ông Nhanh cho biết, trong quá trình tuần hành, đại bộ phận người dân chấp hành luật pháp, tự nhắc nhở nhau. Tuy nhiên, cũng có những người tràn xuống lòng đường, gây cản trở giao thông. Đáng chú ý là 2 cuộc vào ngày 10 và 17-7, số người tham gia khá đông. Các lực lượng Công an TP buộc phải cưỡng chế đưa họ về Mỹ Đình, với mục đích để giải tán cuộc biểu tình đó. “Cưỡng chế ở đây là cưỡng chế hành chính chứ không phải bắt giữ người biểu tình. Công an TP Hà Nội chưa bắt ai trong các vụ này” - Ông Nhanh nói.
Người biểu tình không bị đánh
Tại cuộc họp, thượng tá Đào Thanh Hải, Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã đọc bản thông báo kết luận của cơ quan chức năng về nghi vấn “công an đạp vào mặt người biểu tình” xảy ra ngày 17-7, với 2 nội dung chính.
Thứ nhất, thông báo khẳng định Công an Hà Nội không có chủ tương “ trấn áp”, “đàn áp thô bạo”, “ bắt giữ” người trong cuộc biểu tình tự phát ngày 17-7. Để đảm bảo ANTT, lực lượng làm nhiệm vụ đã kiên trì tuyên truyền, giải thích, thuyết phục, vận động và chỉ cưỡng chế những người cố tình tập trung đông người gây cản trở giao thông, gây mất ANTT.
Liên quan bức ảnh và đoạn video clip về lực lượng làm nhiệm vụ khiêng một công dân trong cuộc biểu tình ngày 17-7, thông báo cho biết Cơ quan điều tra đã phối hợp với Viện KSND điều tra, làm rõ: Công dân bị khiêng lên xe là anh Nguyễn Chí Đức (SN 1976, ở Khâm Thiên, Đống Đa), nhân viên Trung tâm Dịch vụ khách hàng- Viễn thông Hà Nội. Sáng 17-7, anh Đức tham gia đoàn biểu tình tự phát chống Trung Quốc, tại khu vực Điện Biên Phủ- Trần Phú. Lực lượng làm nhiệm vụ đã tuyên truyền, vận động, yêu cầu đoàn biểu tình giải tán không tập trung đông người, mất trật tự an ninh thành phố. Thông báo kết luận điều tra cho biết, anh Đức chống đối bằng cách ngồi bệt xuống đất; do đó lực lượng làm nhiệm vụ buộc phải khiêng lên xe buýt, đưa về Đồn Công an số 1 Mỹ Đình, Từ Liêm để tuyên truyền, giải thích.
Cũng theo bản Thông báo, nhằm làm rõ việc anh Đức có bị đánh hay không, cơ quan chức năng đã gặp và đề nghị anh Đức trình bày rõ sự việc. Trong bản tường trình anh Đức đã khẳng định không bị ai đánh, chỉ có sự xô đẩy khi đưa anh Đức lên xe buýt. Theo thông báo, anh Đức cũng tự nhận, do không bị thương tích nên từ chối đi khám thương và không có đề nghị gì. Mặc dù vậy, Cơ quan CSĐT vẫn yêu cầu cơ quan chủ quản đưa anh Đức đi khám thương. Theo cơ quan điều tra, tại bệnh viện E- Hà Nội, bác sĩ kết luận: Không phát hiện thương tích hay tổn thương trên người anh Nguyễn Chí Đức.
Tôi đã nói ở nhiều hội nghị nội bộ Công an TP, nếu người ta đã nằm lăn ra thì thôi, việc gì phải khênh lên xe buýt, hay khi người ta đã đi rồi thì cần gì phải đưa lên xe buýt nữa. Đây là hành vi tích cực nhưng anh em tích cực quá” - Trung tướng nguyễn Đức nhanh. |
Nhóm PVTS