Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo, Cục đã phối hợp với WHO và các quốc gia cập nhật thông tin để đánh giá nguy cơ, từ đó đề xuất các đáp ứng phù hợp.
Số liệu mới nhất của Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Bộ Y tế) cho thấy, số ca sốt rét của Việt Nam xấp xỉ 18% so với cùng kì năm 2023 nhưng vẫn cao so với mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, số ca sốt rét ngoại lai có xu hướng tăng. Từ tháng 1 đến tháng 10/2024, có tới 101 ca sốt rét ngoại lai, trong khi các năm từ 2021-2023 lần lượt là 2-47 và 86 ca.
Các trường hợp sốt rét ngoại lai không chỉ ở các tỉnh đã loại trừ sốt rét mà xuất hiện ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ - nơi có kí sinh trùng sốt rét kháng thuốc. Ông Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho hay, trong các địa phương xuất hiện bệnh nhân sốt rét, có tới 13/23 tỉnh đã được công nhận loại trừ sốt rét nhưng có bệnh nhân ngoại lai xâm nhập. Đây là nguy cơ tiềm ẩn sốt rét quay trở lại.
Thống kê của ngành Y tế cho thấy, cả nước có khoảng 7 triệu người sống trong vùng bệnh sốt rét lưu hành tại hơn 1.000 xã, chủ yếu là người nghèo, dân tộc thiểu số sống ở rừng núi, vùng sâu, vùng xa, Tây Nguyên, biên giới.
Đáng lo ngại khi xuất hiện tình trạng kí sinh trùng sốt rét kháng thuốc gây khó khăn cho điều trị. Hiện vẫn còn nhiều tỉnh có tình hình sốt rét dai dẳng, phức tạp như Lai Châu, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông…
Bác sĩ khám cho bệnh nhân B.V.Đ mắc sốt rét |
Mới đây, khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân B. V. Đ 37 tuổi, dân tộc Mông, đến từ tỉnh Hòa Bình được chẩn đoán sốt rét ác tính - thiếu máu nặng. Đây là căn bệnh mà anh Đ đã mắc phải từ hơn 20 năm trước.
Trước khi nhập viện, bệnh nhân bị sốt cao kéo dài từ 39 đến 40 độ trong 5 ngày liên tiếp cùng các triệu chứng như sốt rét run thành cơn, đau đầu, mệt mỏi, ăn uống kém, bụng trướng, gan to, vàng da và vàng mắt ngày càng rõ rệt, cùng với tình trạng nước tiểu ít và sẫm màu.
Bệnh nhân nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng suy hô hấp, suy gan, và tan máu nặng nề. Mặc dù trước đó không có tiền sử bệnh lí về gan, nhưng bệnh sốt rét ác tính đã gây suy giảm chức năng gan nghiêm trọng.
Qua khai thác tiền sử, được biết bệnh nhân làm nghề khoan giếng, thường xuyên di chuyển và làm việc tại nhiều địa phương. Trong quá trình đó, anh Đ gặp những cơn sốt không rõ nguyên nhân. Vào các năm 2002 tại Tây Nguyên và 2003 tại Hòa Bình, anh Đ mắc sốt rét.
Bác sĩ Trương Tư Thế Bảo, Khoa Cấp Cứu, cho biết: “Trường hợp của bệnh nhân Đ là lời cảnh báo quan trọng về nguy cơ tái phát của bệnh sốt rét sau nhiều năm. Kí sinh trùng sốt rét vẫn còn tồn tại trong cơ thể anh suốt hai thập kỉ, và nay đã tái phát khi gặp điều kiện thích hợp. Đây là trường hợp điển hình cho thấy sự nguy hiểm của kí sinh trùng sốt rét có khả năng “ngủ” trong gan và tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi.
Vì vậy, những người từng mắc sốt rét, đặc biệt là khi sống hoặc làm việc trong các khu vực có nguy cơ cao, cần chú ý đến sức khỏe của mình và không nên chủ quan vì bệnh có thể tái phát…”.
Đối với người dân đi từ các nước có sốt rét lưu hành, đặc biệt từ châu Phi, người dân từ các tỉnh không còn sốt rét đến vùng có sốt rét lưu hành, khi trở về địa phương, cần đến ngay cơ sở y tế khai báo, làm xét nghiệm sàng lọc, phát hiện kịp thời.
Cần phát hiện, điều trị kịp thời
Ông Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết, sốt rét lây truyền từ người sang người qua kí chủ trung gian là muỗi. Bệnh đã có thuốc điều trị hiệu quả và rất dễ phòng ngừa.
Theo các chuyên gia dịch tễ Việt Nam, dịch bệnh đang xảy ra ở các vùng biên giới hẻo lánh của Congo, nơi điều kiện y tế còn yếu kém khiến công tác phát hiện và kiểm soát bị chậm trễ. Dịch bệnh không dễ bùng phát tại Việt Nam, tuy nhiên không nên chủ quan trong bối cảnh giao lưu giữa các nước ngày càng phát triển.
“Điều kiện khí hậu nhiệt đới và 3/4 địa hình là rừng núi với hệ thống sông, suối, ao hồ là môi trường thuận lợi cho muỗi sốt rét phát triển. Bên cạnh đó là nhu cầu đi lại làm việc, lao động, học tập, du lịch và giao lưu của người dân tăng cao, đặc biệt người dân qua lại các vùng biên giới khi không được kiểm soát chặt chẽ về bệnh sốt rét, dẫn tới tình trạng người nhiễm sốt rét từ bên ngoài (khác địa phương, khác quốc gia) và mang mầm bệnh về địa phương.
Ở những vùng không có sốt rét lưu hành, y tế cơ sở cần tuyên truyền cho người dân duy trì thói quen ngủ màn. Đối với người dân đi làm ở vùng rừng núi, cần mang theo màn, đặc biệt là màn tẩm hóa chất.
Trước khi đi, nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng, khi trở về phải đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, phát hiện, điều trị kịp thời”, TS. Cảnh nói.
Trường hợp mắc bệnh sốt rét không được điều trị hoặc điều trị không đúng sẽ dẫn tới sốt rét ác tính và tử vong. Người chưa khỏi bệnh sẽ lây lan cho nhiều người khác do muỗi Anophen đốt khi hút máu từ người bệnh truyền sang người lành.
Với hầu hết các ca bệnh nặng, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 20%, do đó khi nghi ngờ mắc sốt rét thì phải đến ngay cơ sở y tế để khám, lấy mẫu làm xét nghiệm tìm kí sinh trùng và nhận điều trị bằng thuốc đặc hiệu.