Không chấp thuận đề xuất nghỉ lễ 5 ngày dịp Quốc khánh 2/9

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, cá nhân ông và Bộ LĐTB&XH không đồng tình với đề xuất nghỉ lễ 5 ngày dịp Quốc khánh 2/9
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, cá nhân ông và Bộ LĐTB&XH không đồng tình với đề xuất nghỉ lễ 5 ngày dịp Quốc khánh 2/9
TPO - Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp sáng 10/6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) Đào Ngọc Dung khẳng định, cá nhân ông và Bộ không đồng tình với đề xuất nghỉ lễ 5 ngày dịp Quốc khánh 2/9. Thủ tướng Chính phủ cũng đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Dung về việc này.

Sáng 10/5, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao đổi với báo chí xung quanh đề xuất nghỉ lễ 5 ngày dịp Quốc Khánh để kích cầu du lịch sau COVID-19.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Tôi rất lắng nghe đề xuất của Tổng Cục Du lịch và hoan nghênh các sáng kiến, đề xuất này. Tuy nhiên, việc bố trí nghỉ 5 ngày trong dịp Quốc khánh 2/9 thì phải cân nhắc rất kỹ và phải tính toán nhiều chiều, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện".

Phân tích kỹ hơn, Bộ trưởng Dung bày tỏ: "Tôi thấy có mấy vấn đề chúng ta phải bàn. Trước hết ngày 2/9 rơi vào giữa tuần, khoảng cách giữa tuần đó với các ngày nghỉ quá xa. Do đó việc thực hiện hoán đổi hay nghỉ bù rất bất hợp lý.

Thứ 2, thời gian vừa qua, chúng ta thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội rất dài, người lao động, cũng như học sinh đã phải nghỉ rất dài. Thời điểm này, chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ kép là vừa phòng, chống dịch vừa phải tập trung rất cao để khôi phục sản xuất, khôi phục thị trường lao động, phát triển để tăng trưởng kinh tế, rút ngắn khoảng cách mà chúng ta đã phải thực hiện các hạn chế do giãn cách xã hội.

Thứ 3, chúng ta có khoảng 55 triệu lao động. Theo luật Lao động hiện hành và các quy định của pháp luật, việc nghỉ bù hay giãn cách hoặc hoán đổi ở khu vực doanh nghiệp là do doanh nghiệp, hay nói cách khác là do người sử dụng lao động xem xét quyết định.

Còn khu vực công chức, viên chức và người lao động, Chính phủ với tư cách là người sử dụng lao động,  sẽ xem xét quyết định. Như vậy nếu Chính phủ có quyết định, thì số lượng cũng khoảng 2 triệu người thôi. 2 triệu người so với 55 triệu người thì rất nhỏ, chỉ khoảng 4-5%. Như vậy ảnh hưởng tác động cũng không quá lớn cho việc phát triển kinh tế, phát triển du lịch.

Thứ 4, dịp 2/9 là dịp có "ngày trẻ đến trường", "ngày khai trường". Nếu nghỉ suốt từ mùng 2 cho đến hết ngày mùng 5, học sinh cũng khó tham gia (du lich-PV) vì các em vẫn phải dự khai trường, khai giảng. Vì vậy khó có thể có chuyện ông bố, bà mẹ đi du lịch mà để con ở nhà.

Vì vậy tôi cho rằng dịp này để cho bố, mẹ chăm lo cho con cái, chuẩn bị sách vở cùng với con cái và tạo điều kiện đưa con đến trường, tạo ra ngày hội học sinh đến trường.

Tôi cho rằng với những lý do rất căn bản như vậy, quan điểm của Bộ có lẽ không tán thành và quan điểm của tôi cũng không tán thành đề xuất này. Tôi đã báo cáo vấn đề này với các đồng chí lãnh đạo và Thủ tướng cũng đồng tình với đề xuất của tôi", ông Dung cho hay.

Trước đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, ngày 2/9 rơi vào thứ Tư, nhiều địa phương thấy có thể kéo dài kỳ nghỉ lễ đến hết tuần nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh và hưởng ứng phong trào kích cầu du lịch nội địa. Đây cũng là đề xuất của hơn 30 doanh nghiệp du lịch trong cuộc làm việc ngày 3/6 với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.