Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, lâu nay, các DN FDI giống như một “ốc đảo”, vì chưa kết nối “bám rễ” được với khối DN tư nhân trong nước. Cũng vì thiếu bệ đỡ, yểm trợ, kết nối mà DN tư nhân vẫn còn “cô đơn” khi tìm kiếm cơ hội phát triển.
Theo ông Lộc, Việt Nam có chính sách ưu đãi với nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ là công ăn việc làm, xuất khẩu, mà còn là nơi để khoa học công nghệ vào nước ta. “Trong khi khu vực kinh tế tư nhân èo uột, DN FDI không bám rễ, cộng sinh được với nền kinh tế Việt Nam nên hiệu quả chưa cao”- ông Lộc nói.
Chủ tịch VCCI cho biết, diễn đàn VBF lần này có đưa ra sáng kiến kết nối “kiềng 3 chân”, trong đó Nhà nước đóng vai trò yểm trợ, các DN FDI có vai trò trung tâm, DN nhỏ và vừa trong nước là vệ tinh. Ông nói: “Kết nối ở đây chính là vấn đề quản trị và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là khâu yếu, vì đào tạo ở ta nặng lý thuyết, thực hành còn hạn chế”.
Ông Colin Blackwell, thành viên VBF cho rằng, trong mô hình này, những DN FDI hàng đầu đã theo sát một công thức thành công mà họ đã áp dụng hiệu quả tại Việt Nam. “Khi công thức thành công này được chia sẻ, đó sẽ là một điều có lợi cho cả khối DN FDI và DN trong nước. DN FDI sẽ hưởng lợi từ một môi trường kinh doanh hiệu quả, thuận lợi hơn với hội nhập của chuỗi cung ứng địa phương. DN trong nước có thể cải thiện hiệu suất và cạnh tranh hiệu quả hơn trong thị trường quốc tế’- ông Colin nói.
FDI là mắt xích không thể tách rời kinh tế Việt Nam
Tại diễn đàn, Thủ tướng khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của kinh tế, góp phần xây dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện cả nước có gần 600 nghìn DN đăng ký, hoạt động. Trong đó có nhiều DN cổ phần tư nhân lớn mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế như: FPT, Vinamilk, TH True Milk, Vietjet, Saigontourist…
Theo Thủ tướng, 2016 là năm Việt Nam có hơn 100 nghìn DN đăng ký thành lập. Như vậy, bình quân cứ 1 giờ có 12 DN ra đời.
Việt Nam có 21 nghìn DN FDI, kinh doanh đầu tư gần 300 tỷ USD, trong đó có nhiều tập đoàn quốc tế danh tiếng. Năm 2016, tuy nhiều khó khăn, nhưng tổng mức đầu tư FDI vào Việt Nam đạt 17 tỷ USD, đó là một thành công của Việt Nam.
“Tôi đã trao đổi với các bộ trưởng, thứ trưởng, rằng, chúng ta nghe, phản hồi nhưng phải có biện pháp giải quyết đúng mức, kịp thời. Không phải nghe để biết, để đó. Cái chính là nhà nước được gì, doanh nghiệp được gì, nhân dân và người lao động được gì? Ba câu hỏi này đang đặt ra để làm chính sách tốt hơn, và trước hết là cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Khẳng định khu vực FDI là mắt xích không thể tách rời trong kinh tế Việt Nam, Thủ tướng kêu gọi: “Các bạn đến với Việt Nam bằng khối óc, tức công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim, tức đề cao chuẩn mực, đạo đức kinh doanh, văn hóa DN”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn DN FDI với thế mạnh về công nghệ, thị trường, năng lực quản trị… sẽ có cam kết, hành động cụ thể, thực chất, tăng cường hỗ trợ, liên kết, thúc đẩy các DN trong nước, trên cơ sở hài hòa lợi ích.
Theo Thủ tướng, Chính phủ mong DN FDI kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào công cuộc cải cách ở Việt Nam, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, có trách nhiệm với xã hội, chung tay bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tính bền vững của môi trường.
“Việt Nam sẽ không đón chào những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, là nơi để trốn trách nhiệm môi trường, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản, và giá trị cốt lõi mà DN đã cam kết. Điều đó không chỉ gây phương lại đến lợi ích, phát triển bền vững của Việt Nam, mà còn làm tổn hại đến uy tín, sự mẫu mực trong kinh doanh của nhiều nhà đầu tư khác đang có mặt ở Việt Nam, làm giảm tính hấp dẫn trong thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, danh tiếng của thế giới đến với Việt Nam trong tương lai”- Thủ tướng nói.