Không chấm điểm học sinh lớp 1: Khích lệ thay vì so sánh

Không chấm điểm học sinh lớp 1: Khích lệ thay vì so sánh
TP - Năm nay, lứa “heo vàng” sinh năm 2007 đã xúng xính bước chân vào lớp 1. Thế nhưng, phụ huynh học sinh lứa “heo vàng” người mừng rỡ, người tỏ vẻ không hài lòng khi Sở GD&ĐT TPHCM vừa có văn bản hướng dẫn về việc không chấm điểm với học sinh lớp 1.

> Không biến trông giữ học sinh tiểu học ngoài giờ thành dạy, học thêm
> Đừng đặt gánh nặng lên vai trẻ

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, năm nay có trên 110.000 “heo vàng” vào lớp 1, tăng thêm 40.804 học sinh so với năm trước.

Phụ huynh thấp thỏm

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Á Châu
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Á Châu.
 

Các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú, Hóc Môn…có nhiều trường phải đội sĩ số lên 50 em/lớp trong khi quy định chuẩn chỉ được phép 35 em/lớp. Ở Q.9, nơi có lượng lớn người dân nhập cư và công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp có trên 5.000 “heo vàng” bước vào lớp 1, tăng gần 2.000 học sinh so với năm trước.

 “Việc dạy và học như thế sẽ giúp học sinh bước đầu hình thành chính kiến, tạo tư duy phản biện, bắt đầu từ lứa “heo vàng” này”. 

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Anh Nguyễn Thanh Toàn, hiện ở tại đường Bình Quới, phường 26, Q. Bình Thạnh, có con vừa vào lớp 1 Trường tiểu học Thanh Đa. Mùa hè vừa rồi, anh đưa cháu đi học thêm Toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, chưa kể đến các môn năng khiếu như hát, vẽ, võ thuật…

Theo anh Toàn, anh cảm thấy khá hụt hẫng khi nghe thông tin giáo viên sẽ không cho điểm học sinh lớp 1. Thay vào đó sẽ sử dụng các biện pháp đánh giá kết quả học tập bằng việc khích lệ, động viên. “Không cho điểm thì phụ huynh sao biết kết quả học tập của cháu cụ thể thế nào để còn rèn tiếp”, anh Toàn nói.

Nhiều giáo viên, phụ huynh cũng cho rằng, việc không cho điểm học sinh có thể tạo tâm lý lười biếng cho các em. Chị Trần Thị Mai Sen ở đường Cách Mạng Tháng Tám, có con theo học lớp 1 tại một trường tiểu học ở Q.3 cho rằng, các cháu sẽ có tâm lý ỷ lại, nhất là những cháu lười học.

“Phụ huynh cũng khó nắm bắt được kết quả học tập của con. Đặc biệt những phụ huynh bận rộn, trước kia xem qua điểm còn biết con đứng thứ mấy trong lớp, học kém môn nào, bây giờ sẽ không biết được cụ thể kết quả trong quá trình học”, chị Sen nói.

Để học sinh thích học thay vì phải học

Theo Phó GĐ Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Hoài Chương, mục đích của việc đánh giá giúp thầy cô giáo điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục, kịp thời phát hiện những cố gắng để động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ, giúp đỡ học sinh cảm thấy tự tin và thích học, thích đi học.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, việc không chấm điểm học sinh lớp 1 sẽ giảm áp lực cho các em, tránh tạo tâm lý tự ti, so sánh giữa các em mà thay vào đó tạo ra một nền chung. “Ở lứa tuổi các em, nếu được động viên, khích lệ sẽ tốt hơn những con điểm “xấu”, những lời so sánh thua kém bạn bè”, ông Vinh nói.

Ông Vinh cũng cho biết thêm, những lời nhận xét sẽ tương đương với điểm số. Ví dụ, nếu học sinh hoàn thành tốt chương trình học thì giáo viên sẽ đánh giá: “Bài làm tốt, đáng khen”; “Thầy/cô rất hài lòng về bài làm của em. Tiếp tục như thế em nhé”.

Còn nếu học sinh chưa hoàn thành tốt thì có thể nhận xét: “Em cần nỗ lực nhiều hơn, về… và…, thầy/cô tin chắc em sẽ có kết quả tốt hơn”; “Em đã cố gắng thực hiện bài làm. Nếu lưu ý những điểm như…, em sẽ có kết quả cao hơn”...

Trong giai đoạn học sinh chưa đọc được lời nhận xét trong vở, giáo viên dùng những hình thức động viên kèm theo lời trực tiếp. Hằng tháng, giáo viên nhận xét vào sổ liên lạc những điều cần đặc biệt lưu ý.

“Bài kiểm tra vào cuối năm học được đánh giá bằng điểm số (theo thang điểm 10, không cho điểm 0) kết hợp với nhận xét. Các bài kiểm tra định kỳ giữa kỳ, cuối kỳ được đánh giá bằng nhận xét”, ông Vinh cho biết.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh, giáo viên lớp 1 của một trường tiểu học ở Q.Bình Thạnh cho rằng: “Các cháu mới chuyển từ mầm non lên, chỉ nên bước đầu rèn thói quen tập trung trong học tập. Việc khích lệ, động viên thay vì so sánh, cho điểm khiến các cháu thích được đi học. Trong những năm tiếp theo, khi các cháu đã có ý thức trong học tập, lúc đó bắt đầu cho điểm để các cháu nỗ lực, rèn luyện”.

Theo cô Hạnh, trong quá trình dạy và học, giáo viên sẽ áp dụng phương pháp các em học sinh cùng nhận xét cho nhau. “Việc dạy và học như thế sẽ giúp học sinh bước đầu hình thành chính kiến, tạo tư duy phản biện, bắt đầu từ lứa “heo vàng” này”, cô Hạnh nói.

Văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT TPHCM quy định cách thức đánh giá học sinh thay vì cho điểm như sau: “Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên, khuyến khích dựa trên thái độ, hành vi, kết quả về kiến thức, kĩ năng và nhiệm vụ của học sinh. Đánh giá sự tiến bộ của mỗi học sinh, không so sánh với học sinh khác, không chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ động cơ nào, không tạo áp lực cho học sinh và cha mẹ học sinh. Ngoài bài kiểm tra cuối năm học, giáo viên tuyệt đối không cho điểm trong suốt quá trình tổ chức dạy học, kể cả bài kiểm tra thường xuyên”.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.