PGS. TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, theo cam kết Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC), các nước chỉ mở cửa cho LĐ kỹ thuật tự do đi lại trong 8 ngành nghề. Trong đó, nghề giúp việc không thuộc diện mở cửa, và Việt Nam cũng không cấp phép cho những LĐ nước ngoài trong lĩnh vực này. “Những LĐ chuyển dịch tới Việt Nam làm việc không theo các cam kết quốc tế, cơ quan chức năng phải có biện pháp hạn chế, để không ảnh hưởng tới việc làm trong nước. Giúp việc thì người Việt còn chưa sử dụng hết, đâu cần thuê lao động nước khác. Tuy nhiên, để ngăn chặn phải có biện pháp mềm dẻo, linh hoạt, vì nay LĐ đi lại giữa các nước trong khu vực đã thuận lợi hơn trước rất nhiều”, ông Thọ nói. Theo ông Thọ, hiện Viện ông đang nghiên cứu về chuyển dịch LĐ có tay nghề giữa các nước ASEAN.
TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động - Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, pháp luật Việt Nam quy định chỉ tiếp nhận LĐ chuyên môn kỹ thuật, nghệ nhân từ nước khác vào Việt Nam làm việc. Nhưng thế nào là chuyên môn kỹ thuật rất khó định lượng, nghệ nhân lại càng khó hơn. Chỉ dựa vào bằng cấp để đánh giá, nên có nhiều kẽ hở để lách, như ở quê họ học chứng chỉ nghề gì đó, rồi sang Việt Nam làm giúp việc vẫn không sai; hoặc đi theo diện visa du lịch 3 tháng, theo dự án, chuyển dịch nội bộ công ty…
Tuy vậy, theo ông Vũ Quang Thọ, LĐ giúp việc người Philippines có lợi thế hơn về tay nghề, độ chuyên nghiệp, tiếng Anh tốt… Những điều đó thị trường cần, người Việt lại không có, nên dù không cấp phép, nhiều gia đình sẽ vẫn tìm cách để thuê được người theo ý mình. Điều đó thị trường sẽ điều chỉnh. Do đó, ông Thọ cho rằng, LĐ Việt cũng phải thích nghi với cạnh tranh thị trường, phải tự nâng cao tay nghề, kỹ năng, độ chuyên nghiệp, nếu không sẽ tự thua trên sân nhà. “Chúng ta cũng nên có các lớp huấn luyện, đào tạo về nghề giúp việc gia đình, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, còn có thể đi làm ở nước ngoài. Tới giúp việc còn không cạnh tranh được trên sân nhà thì không ngành gì cạnh tranh được, và cũng không cạnh tranh tại các nước khác được”, ông Thọ nhìn nhận.
Người đứng đầu Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, chúng ta cứ nói tỷ lệ LĐ qua đào tạo cao, được đào tạo trình độ cao… nhưng thực tế so với các nước còn thấp và yếu. Đặc biệt, LĐ chúng ta rất thấp về kỹ năng ứng xử, giao tiếp, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp, hiện đại. Vì thế NLĐ hay tùy tiện, không theo được yêu cầu của chủ sử dụng, kể cả những việc phục vụ trong gia đình, chứ chưa nói đến các loại nghề ở trình độ cao như kỹ sư, kiến trúc sư.
Chiều 20/11, trả lời PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Vỹ, Phó Trưởng phòng Việc làm - An toàn LĐ (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết: Theo quy định hiện hành, LĐ giúp việc nước ngoài không thuộc diện được cấp phép làm việc tại Việt Nam. Đồng thời, LĐ giúp việc cũng không thuộc diện được phép luân chuyển trong nội bộ các công ty. Hiện Việt Nam chỉ cấp phép với LĐ có chuyên môn kỹ thuật, nhà quản lý, chuyên gia. “Cũng chưa thể khẳng định LĐ giúp việc người Philippines làm việc tại Việt Nam là lao động chui, vì họ có nhiều cách để đi, như theo visa du lịch, đi theo gia đình chủ, đi theo các công ty. Chỉ có thể khẳng định, họ là người LĐ ngoài phạm vi được cấp phép. Do đó, tới nay chưa người LĐ giúp việc người Philippines nào được cấp phép tại Hà Nội. Chúng tôi sẽ cho rà soát, kiểm tra lại”, ông Vỹ nói.