Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Bình Định, núi Mò O không thuộc diện quy hoạch và cũng chưa được cấp phép khai thác cho một doanh nghiệp nào cả.
Người dân không chặn nổi!
Theo người dân phản ánh, tình trạng trên đã diễn ra 3 tháng nay. Tại núi Mò O hiện có đến 5 doanh nghiệp tự ý đào núi để lấy đất trái phép.Việc này diễn ra liên tục trước sự chứng kiến lực lượng chức năng và người dân địa phương. Tuy nhiên, không hiểu vì sao chính quyền địa phương “thúc thủ” trước sự việc.
“Việc doanh nghiệp đào núi để lấy đất làm ảnh hưởng đến môi trường, đe dọa diện tích đất ruộng sản xuất và san lấp mồ mả tổ tiên.Chúng tôi làm đơn tập thể gửi lên chính quyền xã yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc này”, ông Phạm Ngọc Bình (thôn Chánh Lý, xã Cát Tường), bức xúc.
Ông Phạm Tụng (71 tuổi)- Đảng viên chi bộ thôn Chánh Lý (xã Cát Tường) cho biết, chính quyền xã cũng cử đoàn gồm: địa chính, tư pháp và công an xã xuống để mời bà con nhân dân lên chứng kiến và lập biên bản Cty thực hiện đào núi để lấy đất.Tuy nhiên, doanh nghiệp không dừng các hoạt động đào núi.
Sau khi nhận trình báo của người dân, ngày 22/4 lực lượng chức năng đã xuống “nhờ” dân chặt cây rào chặn đường vào núi và tiếp tục lập biên bản. Thế nhưng, tới sáng hôm sau doanh nghiệp lại cho tháo dỡ hàng rào.
Bà Huỳnh Thị Bảy (65 tuổi) cho biết “Gia đình bà có một mảnh ruộng diện tích hơn 2 sào nằm sát chân núi Mò O. Giờ doanh nghiệp đưa xe vào đào núi để lấy đất, sợ việc này sẽ bồi lấp diện tích ruộng không còn sản xuất được nữa. Bà Bảy đã lên đây chặt cây, lấy gai tre để chặn xe không cho vào lấy đất nữa.
“Chỗ đó gia đình tôi có 2 ngôi mộ, bây giờ máy nó xúc mất rồi.Tôi cũng mong chính quyền sớm có biện pháp để giải quyết chứ tôi giờ già rồi không thể lên đây giữ mãi được”, bà Bảy kêu cứu.
Thỏa thuận “ngầm” đào núi lấy đất?
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Hoàng - Chủ tịch UBND xã Cát Tường cho biết, núi Mò O nằm sát đường trục Khu kinh tế tỉnh. “Khi dự án được triển khai tại địa phương, làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh và Ban quản lý giao thông tỉnh, được biết mỏ để khai thác đất phục vụ dự án nằm ở Cát Nhơn.
Tuy nhiên, lúc ra thực địa thấy mỏ này không có đủ đất để phục vụ cho dự án. Theo đó, các doanh nghiệp này đã thỏa thuận ngầm với người dân có đất tại núi Mò O bán cho doanh nghiệp phục vụ dự án”, ông Hoàng cho biết.
Ông Lê Văn Tùng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định, cho biết: “Núi Mò O không thuộc diện quy hoạch và hiện chưa cấp phép cho một doanh nghiệp nào để khai thác cả. Sau khi có quyết định xử phạt hành chính, bắt buộc các doanh nghiệp này phải khắc phục trả lại hiện trường cho núi Mò O”.
Dự án đường trục Khu kinh tế nối dài khi triển khai tại xã Cát Tường (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), một số doanh nghiệp đã tự ý đưa xe vào núi Mò O để đào đất san lấp dự án. Đến thời điểm hiện tại, chính quyền địa phương đã lập 9 biên bản hiện trường, thế nhưng các doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên phá tan hoang núi để lấy đất.