Không buông lơi hồ sơ tạm hoãn giải thưởng Hồ Chí Minh

Ông Phùng Huy Cẩn đọc lá thư của gia đình nhà thơ Xuân Quỳnh và xác nhận của Hội Nhà văn Việt Nam, trong buổi trả lời chất vấn báo chí xung quanh xét tặng giải thưởng. Ảnh: Toan Toan.
Ông Phùng Huy Cẩn đọc lá thư của gia đình nhà thơ Xuân Quỳnh và xác nhận của Hội Nhà văn Việt Nam, trong buổi trả lời chất vấn báo chí xung quanh xét tặng giải thưởng. Ảnh: Toan Toan.
TP - Ngoài hai hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Xuân Quỳnh và Thu Bồn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL khẳng định tiếp tục đề nghị với Thủ tướng và Chủ tịch nước về các trường hợp còn lại.

Danh sách xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật do Chủ tịch nước ký vắng 39 tác giả, đồng tác giả và cố tác giả. Điều này khiến không ít tác giả và người thân chạnh lòng, vì trước đó danh sách do Bộ VHTTDL đăng tải công khai và trình lên trên đều có tên các tác giả này. Trong văn bản Văn phòng Chính phủ gửi Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương ngày 21/11/2016 nêu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình “chưa xét tặng” 39 trường hợp trong đó có Xuân Quỳnh và Thu Bồn, tuy nhiên chưa nêu lí do cụ thể.

Mới đây, Bộ VHTTDL tiếp tục có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Xuân Quỳnh và Thu Bồn. Trước thắc mắc Bộ “thiên vị”, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua-Khen thưởng, Bộ VHTTDL lí giải: “Bộ VHTTDL là cơ quan thường trực của Hội đồng nhà nước, Bộ chỉ giúp việc cấp nhà nước và không có quyền thêm bớt ai. Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ VHTTDL làm tờ trình để Thủ tướng Chính phủ xem xét hai trường hợp Xuân Quỳnh và Thu Bồn”. Về hồ sơ, ông Cẩn cho biết ngày 23/2/2017 nhà thơ Xuân Quỳnh có đầy đủ điều kiện, bởi Hội Nhà văn có xác nhận giải thưởng đối với tập thơ Bầu trời trong quả trứng của Xuân Quỳnh. Điều này cũng được khẳng định trong bức thư gửi Thủ tướng do bà Lưu Khánh Thơ, em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ viết ngày 23/2. Riêng nhà thơ Thu Bồn đến nay vẫn không có giải thưởng.

Thực tế từ năm 2016 Hội Nhà văn có xác nhận về giải thưởng của Xuân Quỳnh, tuy nhiên ông Cẩn cho biết Bộ chỉ chấp nhận văn bản pháp luật có đầy đủ con dấu. Ông cũng thẳng thắn phê bình Hội Nhà văn “công tác chuẩn bị hồ sơ hành chính rất kém”. Hội đồng chuyên ngành lĩnh vực văn học được ưu ái hai ngày họp trong khi các ngành khác chỉ một. Tuy thế, tại ngày họp đầu tiên Thứ trưởng Lê Khánh Hải cho phép tạm ngừng cuộc họp để Hội Nhà văn bổ sung, chỉnh lý hồ sơ. 

“Hội đồng cấp Bộ chấp nhận lùi một ngày họp cho nên sau này nếu hồ sơ không hoàn thiện lỗi đó thuộc về hội đồng cơ sở”, ông Cẩn nói. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói thêm, hội đồng chuyên ngành Nhà nước thảo luận công khai, minh bạch. Mỗi hồ sơ đều được trình bày, chủ tịch hội chuyên ngành có quyền bảo vệ tác giả trước khi đưa ra thảo luận và bỏ phiếu kín. Trên lá phiếu này có chữ ký và họ tên thành viên đảm bảo trách nhiệm của họ.

Lần xét tặng giải thưởng nào cũng lùm xùm, còn những ý kiến tranh luận, sau lễ trao tặng vào 11/3, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu Vụ Thi đua-Khen thưởng chuẩn bị hồ sơ và báo cáo tổng thể đánh giá ba năm thực hiện các nghị định Nghị định 62 về xét tặng danh hiệu nghệ nhân, Nghị định 89 về phong tặng danh hiệu nghệ sỹ và Nghị định 90 về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước.

 “Trên cơ sở đó nếu thấy cần xem xét sửa đổi Bộ sẽ báo cáo Chính phủ sửa đổi một số điều của ba nghị định nói trên, theo tinh thần cố gắng tiệm cận những gì pháp luật cho phép và có lợi nhất cho nghệ sỹ”, Vụ trưởng Vụ Thi đua-Khen thưởng nói. Với các hồ sơ chưa được xét tặng đợt này, đại diện Bộ VHTTDL khẳng định “không buông lơi” và tiếp tục báo cáo trình Chính phủ sau lễ trao giải thưởng.

MỚI - NÓNG