Không bên nào nhận trách nhiệm 'hố tử thần khổng lồ'

Hiện trường khu sụt lún sáng 20-8. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Hiện trường khu sụt lún sáng 20-8. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TPO – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, chưa thể kết luận lỗi do Tập đoàn Nam Cường hay Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long gây sụt lún nghiêm trọng trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội).

> Chưa thể khẳng định do thi công chung cư gây sụt lún

Cận cảnh 'hố tử thần' khổng lồ 'nuốt chửng' đường

Cuộc họp tại Sở GTVT sáng 20-8. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Cuộc họp tại Sở GTVT sáng 20-8. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Tranh cãi

Tại cuộc họp bàn giải pháp khắc phục hố sụt lún trên đường Lê Văn Lương kéo dài (Hà Nội) sáng nay (20-8), ông Trần Oanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường khẳng định, tuyến đường trục phía bắc Hà Đông (đường Lê Văn Lương kéo dài) đảm bảo an toàn chịu lực và chất lượng công trình theo đúng quy định.

“Công trình khởi công ngày 20-1-2008, thông xe kỹ thuật, bàn giao đưa vào sử dụng ngày 20-1-2009, chính thức bàn giao sử dụng trước thời điểm 10-10-2010. Quy trình triển khai thực hiện đều tuân thủ theo các quy định của nhà nước” – ông Oanh cho biết.

Cũng theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Cường, để vận hành, đưa vào sử dụng, phía Nam Cường đã tiến hành tất cả các thủ tục kiểm tra, đánh giá chất lượng của công trình.

“Ngày 18-2-2011, Sở GTVT có quyết định số 121 tạm thời tiếp nhận đưa vào sử dụng tuyến đường trục phía bắc Hà Đông. Ngày 11-12-2011, chúng tôi cũng đã có giấy chứng nhận giám định chất lượng đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và phù hợp với chất lượng của công trình, đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan” – ông Oanh cho biết thêm.

Toàn bộ tuyến đường trục phía bắc Hà Đông có tổng chiều dài 8,1km, đưa vào sử dụng gần ba năm nay, chưa xảy ra vấn đề gì.

“Tuy nhiên, sự cố sụt lún vừa rồi, có thể thấy nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của mưa bão. Thứ hai, liên quan đến việc thi công ba tầng hầm của công trình của tổ hợp chung cư U Silk City, biện pháp kè chắn, bục nước phần có, phần không. Để xác định nguyên nhân rõ ràng, cần phải chờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng” – ông Oanh phát biểu.

Về phía chủ đầu tư, ông Oanh cho rằng, phía Nam Cường đã thực hiện đúng các quy định.

“Đường Lê Văn Lương kéo dài chạy qua rất nhiều đoạn có các hồ, ao. Chẳng hạn, để thi công qua đoạn hồ Phùng Khoang, chúng tôi phải đào sâu 6m đáy hồ. Hiện hai bên hồ nước vẫn đầy nhưng không có hiện tượng sụt lún. Nếu không có sự tác động bên ngoài, chắc chắn tuyến đường của chúng tôi không bị sụt lún” – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường khẳng định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long (chủ đầu tư khu tổ hợp chung cư U Silk City) cho rằng, phải đợi kết quả điều tra của các cơ quan chức năng mới có thể kết luận chính xác đúng - sai.

“Tại cuộc họp khẩn cấp chiều qua, chúng tôi nhận sẽ khắc phục tạm thời sự cố. Điều đó không có nghĩa chúng tôi thừa nhận sự cố xảy ra do lỗi của chúng tôi” - ông Nguyễn Trí Dũng nói.

Ông Dũng đồng ý với ông Oanh rằng, một phần sự cố do thiên tai gây ra. Theo ông Dũng, về mặt hiện tượng, có bằng chứng cụ thể cho thấy nước phụt lên giữa mặt đường khi xe buýt đi qua, người dân làng Vạn Phúc nhìn thấy.

“Hàng cừ, tường bao vẫn còn nguyên. Công trình chung cư được thiết kế, thi công theo đúng quy chuẩn, trình tự pháp luật, các văn bản pháp lý, trên cơ sở đã được Bộ Xây dựng phê duyệt” – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long cho biết.

Hiện trường khu sụt lún sáng 20-8. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Hiện trường khu sụt lún sáng 20-8. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật, Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long, cũng nhận định, lỗi do hệ thống.

Hồ điều hoà chưa điều tiết tốt lượng nước, chưa có khe phai che chắn. Do vậy, nước từ các nơi chảy về tới khu vực hố ga trước công trình thi công để đổ vào hai đường ống chảy ra hồ điều hoà.

Mấy ngày vừa qua, mưa lớn khiến lượng nước từ hồ điều hoà đổ ngược trở lại, khiến những mối nối ở đường ống tại khu vực này bị đẩy ra, nước phụt lên đường, rồi rạn nứt và sụt lún, đẩy nước tràn vào các hố móng của công trình.

“Nếu đổ lỗi chúng tôi đang thi công móng thì không chính xác. Bởi, chúng tôi đã hoàn thiện hệ thống móng từ năm 2008, đã trải qua hai mùa mưa, đặc biệt là đợt lũ lịch sử năm 2008, nhưng vẫn không xảy ra sự cố. Thời điểm vừa qua, chúng tôi không động gì đến khu vực móng” – ông Tuấn khẳng định.

Hai ngày nữa phải có giải pháp khắc phục

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc quan trọng nhất bây giờ là nhanh chóng khắc phục sự cố, đảm bảo việc đi lại của người dân. Đồng thời, xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan xảy ra hiện tượng sụt lún, từ đó đưa ra kết luận, giải pháp xử lý thích hợp nhất.

“Chậm nhất, ngày 22-8 phải đưa ra các phương án khắc phục sự cố” – ông Hùng chỉ đạo.

Sở Xây dựng Hà Nội sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan như Sở GTVT, UBND quận Hà Đông, Tập đoàn Nam Cường, Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long cùng vào cuộc để nhanh chóng giải quyết sự cố.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó phòng Kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội, cho rằng, các cơ quan liên quan cần mời một đơn vị tư vấn đủ năng lực kiểm định, đánh giá toàn bộ hiện trạng, theo hồ sơ thi công tại vị trí đó. Kết luận nguyên nhân phải dựa trên kiểm định công trình, những ảnh hưởng gây ra sự cố.

"Sau đó, Sở Xây dựng sẽ mời các chuyên gia của Bộ Xây dựng, Bộ GTVT thẩm định, xác định nguyên nhân sụt lún và có giải pháp khắc phục. Toàn bộ chi phí đơn vị nào gây ra thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm” – ông Huy nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng chỉ đạo, phải rà soát tất cả các công trình xây dựng xung quanh để đảm bảo an toàn cho đời sống dân sinh.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.