Không bảo hiểm ngoại tệ, vàng

Không bảo hiểm ngoại tệ, vàng
TP - Ngoại tệ, vàng không thuộc diện được bảo hiểm. Đó là vấn đề đã được chốt lại tại Phiên họp thứ 6 UBTVQH khi bàn về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) ngày (21-3).

Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi:

Không bảo hiểm ngoại tệ, vàng

Ảnh minh họa. Nguồn ketoan.org
Ảnh minh họa. Nguồn ketoan.org.

Dự án Luật BHTG trình UBTVQH quy định: “Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi…” (Điều 18). Như vậy, ngoại tệ, các kim loại quý như vàng không thuộc đối tượng được bảo hiểm, dù có hai luồng ý kiến tại kỳ họp QH vừa qua. Nhóm ý kiến thứ nhất đồng ý với dự thảo luật là “chỉ bảo hiểm tiền gửi bằng VNĐ”. Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị xem xét việc bảo hiểm đối với tiền gửi bằng ngoại tệ, kim loại quý. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, vàng, ngoại tệ cũng là tài sản có giá trị lớn, cần phải được quy định trong luật.

Tuy nhiên, từ góc độ thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, chính sách quản lý ngoại hối của nước ta là ngoài việc cấm sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam, không khuyến khích người dân tích trữ ngoại tệ mà nên bán lại cho ngân hàng. Quyết định giữ tài sản dưới dạng ngoại tệ, kim loại quý là một hình thức tự phòng ngừa rủi ro, do lo ngại sự mất giá của đồng nội tệ. “Việc bảo hiểm tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý sẽ tạo tâm lý thiếu tin tưởng vào sự ổn định của giá trị đồng tiền, có thể gây xáo trộn thị trường tiền tệ, khó kiểm soát hiệu quả quá trình điều hành chính sách tiền tệ. Ủy ban Kinh tế nhất trí chỉ bảo hiểm đối với tiền gửi Việt Nam đồng, như dự thảo trình”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, về nguyên tắc, có ngoại tệ phải bán lại cho ngân hàng; khi dân có nhu cầu thì ngân hàng phải bán ngoại tệ. Hiện nay, người dân gửi ngoại tệ vẫn được hưởng lãi suất, nhưng không được bảo hiểm, bởi chúng ta không khuyến khích tích trữ ngoại tệ.

Lựa chọn mô hình cơ quan phòng chống rửa tiền

Thảo luận về dự án Luật Phòng chống rửa tiền (PCRT) cùng ngày, một số đại biểu cho rằng, việc đặt cơ quan thông tin PCRT thuộc Ngân hàng Nhà nước như đề xuất của Ban soạn thảo và Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra) là không hợp lý.

Tuy nhiên, theo một số đại biểu khác, nên đặt cơ quan thông tin PCRT tại Bộ Công an để thống nhất quản lý. Theo ông Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, để đảm bảo hiệu quả đấu tranh PCRT, nên giao Bộ Công an làm đầu mối. Tội phạm xuyên quốc gia liên quan rửa tiền rất phức tạp, ảnh hưởng an ninh quốc gia, cần phối hợp với các nước trong khu vực, thông qua nhiều biện pháp nghiệp vụ, kể cả tình báo. Nên nếu giao cho Ngân hàng Nhà nước, sẽ khó đạt hiệu quả.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bình Dương xử phạt nhiều nhất lỗi nồng độ cồn trong 5 ngày nghỉ lễ
Bình Dương xử phạt nhiều nhất lỗi nồng độ cồn trong 5 ngày nghỉ lễ
TPO - Trong số hơn 1.300 trường hợp bị tước giấy phép lái xe có đến 745 người vi phạm nồng độ cồn với mức xử phạt hành chính ước tính 6,575 tỷ đồng. Trong đợt ra quân bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông dịp lễ, Bình Dương tăng số tổ công tác và lượt cán bộ, đạt kết quả cao trong tốp 4 toàn quốc.