Không ai vừa sinh ra đã biết nói

Không ai vừa sinh ra đã biết nói
TP - Vừa giữ vai trò thủ lĩnh thanh niên cấp cơ sở, vừa là gương sáng làm kinh tế, nhiều cán bộ Đoàn ở Thái Bình đang tạo việc làm cho nhiều lao động và phát triển làng nghề tại địa phương.

> Cán bộ Đoàn mở xưởng chế tạo máy
> Phát minh máy cày đa năng, lão nông bỗng thành tỉ phú

Làm giàu với nghề truyền thống

Anh Nguyễn Đăng Ruyện (SN 1978), Bí thư Đoàn xã Đông Hải, Quỳnh Phụ làm giàu ngay trên quê hương bằng chính nghề truyền thống làm bánh đa gạo có từ những năm 60 của thế
kỷ trước.

Năm 2000, hết nghĩa vụ quân sự, anh Ruyện trở về làng lập nghiệp bằng nghề sản xuất bánh đa gạo (vẫn làm thủ công, năng suất thấp, thu nhập không ổn định; thị trường tiêu thụ bó hẹp trong tỉnh, chàng thanh niên tuổi đôi mươi Nguyễn Đăng Ruyện đã đầu tư 850 triệu đồng xây dựng dây chuyền sản xuất bánh đa gạo. Các công đoạn từ xay bột, tráng bánh, thái bánh đều được thực hiện bằng máy.

Đến nay, bình quân mỗi ngày, cơ sở của anh xuất hơn 700kg bánh. Ngoài ra, cơ sở của anh còn nhận tráng bánh thuê cho nhiều hộ sản xuất khác. Sản phẩm của xưởng anh Ruyện với bao bì đóng gói mang nhãn hiệu “Nguyễn Đăng” có mặt ở Thái Bình, Hà Nội, Thái Nguyên, Nam Định. Quảng Ninh.

Trừ chi phí mỗi năm, cơ sở “Nguyễn Đăng” thu lãi gần 200 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, với thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng.

Làm kinh tế giỏi, anh Ruyện còn là cán bộ Đoàn nhiệt huyết tổ chức nhiều hoạt động gắn kết các cơ sở, hộ sản xuất để chia sẻ kinh nghiệm, thông tin thị trường đưa làng nghề phát triển; Giao lưu với các làng nghề khác của địa phương; Tổ chức hiệu quả các hoạt động lao động công ích như dồn điền đổi thửa,… thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Năm 2012, anh được T.Ư Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của.

Khăn mặt từ làng đi Hàn, đi Mỹ

Tô Văn Sơn (SN 1981), Bí thư Đoàn xã Cộng Hòa (Hưng Hà) vừa làm giàu cho bản thân vừa đem ngành nghề mới, tạo thêm thu nhập và đào tạo nghề miễn phí cho bà con địa phương với nghề sản xuất khăn.

Trang trại hơn 7ha của anh Tống Sĩ Hạnh
Trang trại hơn 7ha của anh Tống Sĩ Hạnh.

Chia sẻ về quá trình phát triển kinh tế, anh Sơn cho hay: “Tốt nghiệp THPT, mình ở lại địa phương xây dựng kinh tế. Sau thời gian học hỏi nghề may khăn tại địa phương khác, năm 2004 mình mở cơ sở may khăn mặt diện tích 200m2 với số vốn là 10 triệu đồng”.

Để cơ sở đi vào hoạt động, anh Sơn gặp không ít khó khăn, từ nhân công, nguồn hàng đến việc tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường… “Để có nhân công, mình kiên trì hơn nửa năm đi đến các hộ động viên những người có tay nghề đến làm, hướng dẫn và hỗ trợ người lao động mua máy vừa học vừa làm”, anh kể.

Từ chỗ chỉ có 20 lao động với thu nhập bình quân 1 triệu đồng/người/tháng, đến năm 2007, cơ sở của anh phát triển với số vốn trên 200 triệu đồng, sử dụng hơn 80 lao động, trong đó có 20 lao động tại chỗ và 60 lao động vệ tinh.

Mỗi tháng cơ sở sản xuất bình quân từ 600.000 đến 900.000 sản phẩm. Thu nhập bình quân của lao động từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu năm 2012 đạt trên 1 tỷ đồng. Hiện nay, nguồn hàng của anh được mở rộng đảm bảo khi tiếp tục ký hợp đồng với xí nghiệp làm khăn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ.

Hằng năm, cơ sở may của anh Sơn còn đào tạo nghề miễn phí cho 35 - 40 lao động có hoàn cảnh khó khăn trong địa phương. Thời gian đào tạo kéo dài 3 tháng. Không ít lao động sau khi đào tạo đã vào làm việc cho cơ sở, hoặc nhận sản phẩm về làm.

Quyết định lập nghiệp trên quê hương, anh Trần Tiến Dũng (SN 1985), Phó Bí thư Đoàn xã Canh Tân, Hưng Hà làm giàu từ mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây cảnh. Hiện nay, tổng doanh thu của trại chủ 8X này đạt từ 1 - 1,5 tỷ đồng/năm.

Năm 2009, anh Dũng đấu thầu 20ha diện tích đầm bến của xã để xây dựng, phát triển mô hình kinh tế trang trại. Từ nguồn vốn vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp cộng vốn tự có của bản thân và gia đình, anh đầu tư thả 5.000 con cá vược giống, 1,5 tấn cá trắm đen giống, 3 tấn cá trắm cỏ và cá trôi giống, 1.000 con vịt lấy thịt. Năm 2010, anh đầu tư thêm nuôi lợn thịt, có thời điểm lên tới 200 con.

Bên cạnh đó, còn kết hợp trồng cây cảnh giá trị kinh tế cao, trồng 1.000 cây bạch đàn trên diện tích bờ thửa, đến nay, đường kính gốc đã lên tới 10 - 15 cm, dự kiến 3 - 4 năm nữa sẽ cho thu hoạch. Làm việc thường xuyên tại trang trại có hơn chục người với thu nhập bình quân 2- 3 triệu đồng/người/tháng. Vào mùa vụ thu hoạch cao điểm lên tới gần 50 người.

 Cán bộ Đoàn làm kinh tế hiệu quả sẽ tạo được uy tín và sự tin tưởng của đoàn viên thanh niên địa phương. Anh em nhìn vào sẽ có động lực để tham gia các phong trào của Đoàn, Hội cũng như làm kinh tế .

Phó bí thư Đoàn xã Canh Tân Trần Tiến Dũng

Với suy nghĩ “không ai đẻ ra đã biết nói”, anh Dũng chăm chỉ làm việc để xây dựng, phát triển trang trại. Anh kể, sau khi trúng thầu diện tích đầm bến, phải mất hơn một năm để cải tạo lòng hồ, xây dựng chuồng trại, đắp bờ thửa.

Để có thêm vốn đầu tư, anh trồng cây ngắn ngày, cỏ voi để lấy thức ăn cho chăn nuôi, đi mua trâu, bò về nuôi rồi bán cho thương lái… “Để làm ăn có hiệu quả, các mối hàng lâu dài, phải kết hợp hài hòa giữa yếu tố tình cảm và kinh tế thị trường”, anh Dũng nói.

Làm giàu từ mô hình trang trại còn có Bí thư xã Đoàn Vũ Hội, Vũ Thư, Tống Sĩ Hạnh (1979). Trên diện tích 7ha, anh Hạnh phát triển chăn nuôi lợn, vịt, cá. Những ngày đầu, gặp không ít thất bại như trong chăn nuôi gà do gặp dịch bệnh… không làm chủ trang trại này nản chí.

Vừa rút kinh nghiệm từ thất bại, anh còn đi thực thế học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình trang trại, trại giống ở Hải Dương, Bắc Ninh. Đến nay, trang trại của anh đã đạt được những thành công. Trung bình mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng. Đây trở thành những nguồn vốn để tiếp tục mở rộng sản xuất.

Trại còn tạo việc làm thường xuyên cho 5- 6 nhân công, với mức lương 2,2 triệu đồng/người/tháng... Bên cạnh đó, anh còn tổ chức tổ hợp sản xuất, liên kết 16 hộ để hỗ trợ nhau kinh nghiệm và vốn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.