> Chợ thành Trung tâm Thương mại: Tiểu thương ngao ngán
> Chuyển đổi bất thành chợ truyền thống thành trung tâm thương mại
Chợ có lãi... phải bàn giao
Cty TNHH MTV Xây dựng Thanh Thảo đầu tư hơn 8 tỷ đồng xây chợ xã Mỹ Chánh (Ba Tri, Bến Tre), nửa chừng phải ngưng trệ. Chủ trương xây chợ được Phó chủ tịch UBND huyện Ngô Thị Sáu phê duyệt, sau đó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Hồng ký quyết định thanh tra (tháng 3/2012) cho rằng, phê duyệt sai.
Đánh giá của UBND xã Mỹ Chánh, chợ xây dựng giai đoạn một hoạt động hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, góp phần để xã được công nhận là văn hóa vào cuối năm 2011.
Ông Nguyễn Văn Thiết, GĐ Cty TNHH MTV Xây dựng Thanh Thảo, bức xúc: “Nếu phê duyệt sai thì lỗi của huyện, sao lại bắt doanh nghiệp chịu? Chợ xây xong, UBND huyện không cho phép sang nhượng ki-ốt và căn hộ thuộc khu vực chợ, ngưng luôn việc triển khai giai đoạn 2, đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ phá sản”.
UBND huyện cho rằng thẩm quyền phê duyệt chợ thuộc cấp tỉnh và yêu cầu ông Thiết làm các thủ tục để UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, tháng 1/2013, UBND tỉnh ban hành quy trình đầu tư chợ, khẳng định thẩm quyền phê duyệt dự án thuộc về huyện.
Vấn đề sở hữu chợ cũng khiến ông Thiết bức xúc. Bộ Công Thương đã có công văn cho biết, không có quy định doanh nghiệp đầu tư xây chợ trên đất của doanh nghiệp thì phải bàn giao lại cho chính quyền địa phương sau một thời gian khai thác.
Thế nhưng, Huyện ủy Ba Tri lại yêu cầu UBND huyện buộc doanh nghiệp xây chợ Mỹ Chánh, sau thời gian khai thác có lãi thì phải bàn giao chợ cho địa phương. Ông Thiết than thở: “Đất chúng tôi mua của dân, chợ bỏ tiền ra xây, lại yêu cầu chỉ được khai thác đến khi có lãi phải giao chợ cho chính quyền, thật tình không hiểu được”.
Còn chợ mới xã Long Hòa (Bình Đại, Bến Tre), hoàn thành gần 2 năm nhưng bỏ hoang vì kế hoạch dời trung tâm hành chính xã vào khu vực gần chợ không thực hiện. Chủ đầu tư chợ là ông Nguyễn Văn Dũng nói, tin vào kế hoạch và lời kêu gọi đầu tư của xã, nay “sa lầy” với ngôi chợ hơn 5 tỷ đồng.
Chợ Quới Sơn ở xã Quới Sơn (Châu Thành, Bến Tre) được Cty Cổ phần Thương mại - Tư vấn thiết kế và Thi công xây dựng Đông Đô đưa vào hoạt động hơn năm trước cũng đang hoang vắng. Chợ Quới Sơn được đầu tư 18 tỷ đồng hướng tới phục vụ hơn 15.000 công nhân khu công nghiệp Giao Long, nhưng kế hoạch của chính quyền địa phương thực hiện nửa vời nên chợ không hoạt động được.
Chợ Quới Sơn hoang vắng từ ngày khánh thành. ẢNH: CHÂU THÀNH. |
Khởi kiện chủ tịch huyện
Bà Lê Thị Thủy, chủ DNTN Lê Dung, ở xã Ngọc Đông (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) vừa khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên vì ban hành quyết định gây thiệt hại cho doanh nghiệp của bà khi đầu tư bến phà. Bến phà Dù Tho-Hòa Hinh đưa khách qua sông Cổ Cò nối xã Tham Đôn và xã Ngọc Đồng (cùng huyện Mỹ Xuyên), do gia đình bà Thủy mở ra và khai thác từ năm 1959.
Hồi trước, bến phà chật hẹp và kém an toàn. Theo lời kêu gọi của chính quyền địa phương nâng cấp bến phà đáp ứng nhu cầu người dân và hiện đại hoá nông thôn, từ năm 2001, bà Thủy đầu tư hàng chục tỷ đồng mở bến, làm đường dẫn, xây nhà chờ, mua hai chiếc phà loại 25 tấn và 60 tấn.
Bến phà hoạt động đông đúc thì đầu năm 2009, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên tổ chức đấu thầu bến phà nhưng không cho doanh nghiệp của bà Thuỷ tham gia. Tiếp đó, Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định cho rằng đất bến phà là của nhà nước quản lý và ngày 12/3/2013, có quyết định nói rõ, đất bến phà do nhà nước quản lý hơn 919 m2.
Sau thời gian khiếu nại không có kết quả, bà Thủy kiện các quyết định của Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên mà bà cho rằng “trái luật”, yêu cầu toà án huỷ bỏ. TAND huyện Mỹ Xuyên đã thụ lý giải quyết.
Chợ Quới Sơn được đầu tư 18 tỉ đồng hướng tới phục vụ hơn 15.000 công nhân khu công nghiệp Giao Long, nhưng kế hoạch của chính quyền địa phương thực hiện nửa vời nên chợ không hoạt động được. |