Khởi tố vụ 'bảo kê' chợ Long Biên để điều tra tội 'Cưỡng đoạt tài sản'

Khởi tố vụ 'bảo kê' chợ Long Biên để điều tra tội 'Cưỡng đoạt tài sản'
TPO - Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội vừa khởi tố vụ án "Cưỡng đoạt tài sản", theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra vấn nạn "bảo kê" tại chợ Long Biên.

Theo nguồn tin của Tiền Phong, Cơ quan CSĐT công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án "Cưỡng đoạt tài sản", theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra làm rõ vấn nạn "bảo kê" tại chợ Long Biên như báo chí phản ánh trước đó.

Nguồn tin này cũng cho biết, cơ quan điều tra đang thu thập chứng cứ, tài liệu để làm rõ vai trò tổ chức, hoạt động "bảo kê" của một số cá nhân theo thông tin phản ánh của các cơ quan báo chí.

Khởi tố vụ 'bảo kê' chợ Long Biên để điều tra tội 'Cưỡng đoạt tài sản' ảnh 1 Hình ảnh "bảo kê" hành hung tiểu thương. Ảnh: Cắt từ clip VTV

Cũng trong sáng nay (1/10), UBND quận Ba Đình đã quyết định tạm đình chỉ vông việc đối với ông Nguyễn Văn Long - Phó Ban Quản lý chợ Long Biên để ông Loan giải trình những vấn đề liên quan thông tin "bảo kê" tại chợ Long Biên. Ông Loan là người trực tiếp điều hành hai tổ bốc dỡ hàng hóa của tiểu thương vào chợ Long Biên.

Quận Ba Đình cũng chỉ đạo Ban Quản lý chợ Long Biên đình chỉ hoạt động của hai tổ bốc dỡ hàng hóa trong chợ để sắp xếp lại.

Ban Quản lý chợ Long Biên đã tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Thanh Hải - người xuất hiện trong clip phản ánh hoạt động "bảo kê" trong chợ với nhiều lời nói mang tính đe dọa, dằn mặt tiểu thương.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã mới đây, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu quận Ba Đình chỉ đạo công an quận làm rõ, xử lý nghiêm sự việc.

Ông Chung yêu cầu quận Ba Đình cần bố trí ngay lực lượng công an, cảnh sát trật tự tới chợ Long Biên giám sát việc các xe vào chợ, sắp xếp ổn định để bà con tiểu thương buôn bán.

Tội "Cưỡng đoạt tài sản", tại Điều 170 - Bộ luật hình sự 2015:

1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 - 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.