Khơi thông 'điểm nghẽn' giao thông miền Tây

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với việc hàng loạt dự án quy mô lớn đang được triển khai như cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…, nút thắt về giao thông, “điểm nghẽn” lớn đang được dần tháo gỡ để vùng đất Chín Rồng cất cánh.

Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế”.

Thông tuyến cao tốc TPHCM - miền Tây

Khơi thông 'điểm nghẽn' giao thông miền Tây ảnh 1

Cầu Mỹ Thuận 2 đang dần thành hình

Trên trục cao tốc từ TPHCM xuống miền Tây, tiếp nối tuyến TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận (đã khai thác), dự án cầu Mỹ Thuận 2 (vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng) đang được thi công ngày đêm để cuối năm nay hoàn thành. Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long.

Theo Ban QLDA 7 (Bộ GTVT), có 4/5 gói thầu xây lắp đã hoàn thành. Riêng gói thầu quan trọng nhất là gói thầu XL.03B (thi công thân trụ từ T14 đến trụ T17 và kết cấu phần trên nhịp chính dây văng; kè gia cố bờ sông; hệ thống ATGT đường bộ; hệ thống điện chiếu sáng…) mà Công ty Trung Nam E&C là một trong những nhà thầu tham gia thi công gói thầu này với các hạng mục chính như: Trụ tháp, hệ dầm dây văng. Công ty Trung Nam E&C đang gấp rút tổ chức triển khai thi công hoàn thành gói thầu đáp ứng tiến độ đề ra.

Khơi thông 'điểm nghẽn' giao thông miền Tây ảnh 2

Cầu Rạch Miễu 2 vượt sông Tiền, nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đang được thi công

Đại diện Trung Nam E&C cho biết, gói thầu đã thi công xong 2 trụ neo (đạt 100%), kè gia cố bờ sông đã thi công được 40%; hoàn thành thi công thân trụ tháp T15, T16. Cáp dây văng đã nhập đủ 100% khối lượng, ống dẫn hướng, ống HDPE đã chuyển đủ về công trường… Tổng giá trị xây lắp của dự án cầu Mỹ Thuận 2 hiện đã đạt gần 90%, dự kiến hợp long nhịp chính vào tháng 10 và hoàn thành công trình cuối năm 2023.

Có điểm đầu kết nối với cầu Mỹ Thuận 2, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng đang đi đến những công đoạn sau cùng để hoàn thành cuối năm 2023. Dự án dài gần 23km (qua tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp), tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Ban QLDA Mỹ Thuận, Bộ GTVT cho biết, công trường đang tập trung huy động đủ máy móc, dựng trạm sản xuất bê tông nhựa đủ công suất để thảm; làm đêm các hạng mục dỡ tải, lu lèn...

Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Trung Nam E&C) được thành lập năm 2008, là đơn vị có thương hiệu lớn, đã và đang trực tiếp tham gia thi công nhiều dự án trọng điểm trên cả nước. Tại miền Tây, Trung Nam E&C đã và đang tham gia thực hiện các dự án quy mô lớn như: cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, cầu Vàm Cỏ Tây, cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, nhà máy điện mặt trời Trà Vinh 165MWp, Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 (được thi công ngoài biển)… “Trung Nam E&C đã và đang không ngừng mở rộng mạng lưới khách hàng, đối tác trên toàn quốc, đáp ứng mọi nhu cầu về các lĩnh vực thi công xây lắp. Các công trình do Trung Nam E&C thực hiện luôn đảm bảo chất lượng, kỹ - mỹ thuật và vượt tiến độ đề ra” - lãnh đạo Công ty Trung Nam E&C chia sẻ.

“Tất cả các nhà thầu trên tuyến nỗ lực triển khai các mũi thi công. Mặc dù hiện nay ở miền Tây đang vào mùa mưa, việc hoàn thành công tác thi công vào 31/12/2023 là một thách thức lớn đối với các lực lượng tham gia dự án. Tuy nhiên, chủ đầu tư và toàn bộ lực lượng nhà thầu, tư vấn rất quyết tâm khắc phục khó khăn, tranh thủ thời tiết để phấn đấu nỗ lực hoàn thành đúng hẹn để thông tuyến cao tốc từ TPHCM đến Cần Thơ” - lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận cho hay.

Nối liền đến cực Nam Tổ quốc

Khơi thông 'điểm nghẽn' giao thông miền Tây ảnh 3

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hoàn thành sẽ kết nối lưu thông toàn tuyến từ TPHCM đến Cà Mau

Cùng với nhiều đoạn thuộc dự án cao tốc Bắc Nam trải dọc cả nước, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được khởi công xây dựng đầu năm 2023 đáp ứng mong mỏi của hàng triệu người dân miền Tây. Dự án có tổng chiều dài hơn 110km, đi qua 5 tỉnh thành (Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau), tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026. Dự án sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh; giảm thiểu ùn tắc, kết nối và phát huy hiệu quả các đoạn đường bộ đã và đang đầu tư, khơi thông phát triển cho cả vùng ĐBSCL.

Ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (địa phương có dự án đi qua đến 63km) cho biết: Nhận thức được đây chính là thời cơ, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của cả nước nói chung và khu vực vùng ĐBSCL nói riêng, trong đó có Hậu Giang, tỉnh đã tập trung thực hiện các công việc để bàn giao mặt bằng vượt tiến độ và sớm hơn so với chỉ đạo của Chính phủ để triển khai thi công dự án.

Để có được điều này, bên cạnh chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ GTVT, chủ đầu tư với địa phương là sự ủng hộ và đồng thuận rất cao của nhân dân nơi dự án đi qua. Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp, tạo điều kiện để các nhà thầu tổ chức thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình…

Cao tốc trục ngang kết nối Đông - Tây

Ngày 17/6/2023, lễ khởi công dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được tổ chức tại 4 điểm cầu An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng (4 địa phương dự án đi qua). Sự kiện hết sức có ý nghĩa và được người dân ĐBSCL đặc biệt mong đợi. Với tổng chiều dài hơn 188km, tổng mức đầu tư hơn 44.690 tỷ đồng, đây là dự án cao tốc dài nhất miền Tây hiện nay, được chia làm 4 dự án thành phần do UBND 4 tỉnh, thành phố làm cơ quan chủ quản.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Việc thực hiện dự án phù hợp với phương hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 21-NQ/TW “Xây dựng vùng ĐBSCL trở thành một vùng kinh tế trọng điểm phát triển của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả, bền vững”; tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, nhất là về giao thông để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc.

Trong thời gian rất ngắn, 4 địa phương cùng các bộ, ngành, đơn vị liên quan đã nỗ lực để khởi công đồng loạt 4 dự án thành phần. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi dự án đi qua trung tâm vùng ĐBSCL với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo sức lan tỏa, động lực và dư địa để phát triển kinh tế - xã hội khu vực; từng bước hình thành trục kết nối, giao thương và phát triển kinh tế - xã hội giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mekong.

Thủ tướng yêu cầu 4 địa phương tập trung quyết liệt chỉ đạo, ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất; huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công. Bảo đảm chất lượng, tiến độ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, dự án hoàn thành sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu và cảng nước sâu Trần Đề, là đòn bẩy đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng và ĐBSCL. Sóc Trăng xác định việc đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình này là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt…

Thêm cây cầu nghìn tỷ qua sông Tiền

Dự án cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre (tổng mức đầu tư 5.175 tỷ đồng) thi công đến nay đạt 30% sản lượng toàn dự án, dự kiến hoàn thành đầu năm 2026. Nhà thầu Trung Nam E&C (thi công gói thầu xây dựng cầu chính dây văng) cho biết, gói thầu đã hoàn thành toàn bộ cọc khoan nhồi của các trụ tháp và trụ neo, đã thi công bê tông 2/3 đợt của hai bệ trụ tháp và đã hoàn thành bệ 2 trụ tháp vào ngày 25/8/2023. Công trường đang triển khai đồng loạt các mũi thi công, tập trung tối đa nhân lực, thiết bị, vật tư để thực hiện.

Cầu Rạch Miễu 2 có vai trò hết sức quan trọng, góp phần giảm tải cho cầu Rạch Miễu hiện nay, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông và đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trên tuyến QL60. Đặc biệt, cùng với cầu Đại Ngãi được xây dựng trong thời gian tới, sẽ nối thông toàn tuyến QL60, rút ngắn được khoảng cách 80km từ Cà Mau lên TPHCM so với QL1A…

MỚI - NÓNG