Khôi phục nguồn lợi cá đồng ở vùng rừng U Minh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nguồn lợi cá đồng ở vùng đất rừng U Minh hạ (Cà Mau) đang bị suy giảm nghiêm trọng. Chính quyền và người dân ở đây đang phải khai thác đi kèm với các giải pháp tái tạo, bảo vệ nguồn lợi này.

Vùng đất rừng U Minh hạ từng có nguồn lợi cá đồng rất phong phú. Ông Trần Văn Nhì, hộ gia đình đã nhiều đời sống ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh nhớ lại: “Mùa hạn, cứ ra đìa (ao) nghe cá quậy dữ lắm. Leo lên cây tràm nhìn xuống, cá lóc con nào con đó cỡ bắp chân người lớn. Mỗi lần chụp đìa thì cá lóc cả tấn; cá thác lác, trê, rô cũng hơn tấn; cá dầy hơn 100 ký; còn cá sặc cho người vài bao”.

Khôi phục nguồn lợi cá đồng ở vùng rừng U Minh ảnh 1

Cá đồng đã từng là một nguồn lợi lớn của người dân vùng đất rừng U Minh hạ

Sự trù phú ấy giờ chỉ còn là quá khứ. Theo người dân địa phương, trước đây nguồn lợi cá đồng 10 thì nay chỉ còn 1 - 2 phần. Một trong những nguyên nhân làm cho nguồn lợi cá đồng giảm là sự tác động của môi trường. Ông Trần Minh Đức, ở xã Nguyễn Phích cho rằng, việc trồng keo lai với tràm thâm canh, làm đọng phèn. Một số vùng, lá keo lai rụng xuống ao, kênh rạch, nước trong veo như mắt mèo, nuôi cá không được.

Bên cạnh vấn đề môi trường, việc khai thác thủy sản quá mức, khai thác tận diệt của người dân cũng làm nguồn lợi cá đồng giảm mạnh. Theo ông Lê Văn An, người dân xã Khánh Lâm, huyện U Minh, việc dùng điện đánh bắt trong những năm qua diễn ra nhiều. Dùng kích điện, dễ bắt cá nhưng con nào còn sót lại cũng không thể phát triển bình thường, cá con cũng chết hết.

Để khôi phục nguồn lợi cá đồng, gần đây cơ quan chức năng huyện U Minh đã tăng cường công tác quản lý các hoạt động khai thác có tính hủy diệt, tận diệt trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, đã phát hiện, xử lý vi phạm 19 trường hợp dùng kích điện đánh bắt cá, thu giữ toàn bộ phương tiện vi phạm. Đáng mừng hơn, qua công tác tuyên truyền, người dân đã hiểu được tác hại của việc dùng kích điện và đã tự nguyện giao nộp lại 281 bộ.

Cùng việc ngăn chặn khai thác, đánh bắt cá đồng thiếu bền vững, việc phát triển các mô hình kinh tế gắn với tái tạo nguồn lợi cá đồng cũng được cơ quan chức năng vùng đất U Minh quan tâm. Trong đó, có những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững như trồng màu, chuối, lúa kết hợp nuôi cá đồng... Đặc biệt, mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng mang lại hiệu quả cao, với lợi nhuận đạt khoảng 150 triệu đồng/năm.

Vào đầu năm 2024, UBND huyện U Minh đã ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Cà Mau về việc khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá đồng giai đoạn 2024 -2025. Chương trình hướng đến tái tạo, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ nguồn gen các loại cá đồng, nâng tầm cá đồng thành sản phẩm thế mạnh của huyện U Minh.

MỚI - NÓNG