Khôi phục đèn Trung thu chuẩn Việt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều năm nay, chúng ta thường mặc định đèn trung thu là đèn ông sao, gần đây có thêm một vài hình con giống nhưng đều được sản xuất hàng loạt với nguyên liệu giấy bóng kính. Trong khi hình ảnh tư liệu cũ cho thấy đèn Trung thu đầu thế kỷ 20 ở Hà Nội cực kỳ phong phú về kiểu dáng, kích thước. Với sự tâm huyết của nhà nghiên cứu Trịnh Bách, những chiếc đèn như thế đang có cơ trở lại…

Nhiều năm trước nhà nghiên cứu- họa sĩ Trịnh Bách đã phục dựng thêm một số mẫu đèn thỏ, cá… hay làm mới mẫu lợn Đông Hồ. Nhưng phải đến gần đây, anh mới tìm ra được chất liệu lạ lùng mà người xưa từng sử dụng để làm các loại đèn quý, có tính trang trí chứ không chỉ để trẻ con rước vào Trung thu.

Mới đây có thêm những kiểu đèn con cua (chia làm 2 loại “cua sống” và “cua luộc”), cá hóa long… được phục dựng lại được nhờ mẫu của một số bảo tàng ở Pháp. Đây là những mẫu trưng bày đã bị hư hại mà lâu nay họ không tìm được chuyên gia để gửi gắm việc sửa sang.

Khôi phục đèn Trung thu chuẩn Việt ảnh 1

Trịnh Bách và nghệ nhân Trọng Bình cùng mẫu đèn cá hoa long 2019Ảnh: NVCC

Khôi phục đèn Trung thu chuẩn Việt ảnh 2

Sau khi đi tiên phong trong việc phục dựng trang phục hoàng cung, nay Trịnh Bách đang là chuyên gia số một về đèn Trung thu, đèn lồng Việt Nam. Anh đang bận bịu với các đơn đặt hàng của UBND Thừa Thiên - Huế cho triển lãm Hội Trung thu 3/9 tới. Một lễ hội của người Việt ở Úc cũng đang chờ 1.000 chiếc đèn từ Trịnh Bách. Chưa kể những đơn hàng từ bảo tàng trong, ngoài nước… Việc đèn Trung thu thuần Việt chuẩn truyền thống được bán rộng rãi trên thị trường chỉ còn là vấn đề thời gian… Tất nhiên giá không thể như hàng chợ. Vì để hoàn tất các công đoạn từ làm khung, căng giấy tới trang trí hoa văn cho một chiếc phải mất chục ngày là ít. Cũng do hiện mới chỉ có hai người làm.

Thực ra Trịnh Bách được các bảo tàng nhờ làm đèn mấy năm trước. Anh từng “rủ” nghệ nhân ở Hà Nội làm đèn lối cổ nhưng không ra. Theo anh, việc một số mẫu mã bị thất truyền do một thời thú chơi đèn kỳ công bị đánh đồng với lối sống tư sản, sau đó lại đến giai đoạn đèn Trung Quốc ồ ạt xâm chiếm thị trường. Đến khi đèn nội giành lại được thị phần thì nhiều mẫu thiết kế phức tạp cùng những đồ nghề để làm ra chúng đều đã tứ tán cả.

Trịnh Bách nhớ lại những ngày thơ bé, được bố chở ra xóm Phú Bình (quận Tân Phú, Sài Gòn) để lấy những chiếc đèn ông thửa riêng cho cậu con trai. Sau 1954, một phần dân Báo Đáp- làng chuyên nghề làm đèn Trung thu ở Nam Trực, Nam Định di cư vào Nam lập nên xóm Phú Bình này. Từ 2007, Trịnh Bách trở lại Phú Bình, tìm những thợ làm đèn để bày cho họ cách làm những mẫu cũ, trước hết là đèn con thỏ, nhưng ai cũng ngại. Họ chỉ muốn làm hàng chợ, vừa dễ vừa nhanh.

Mãi tới cuối 2016, anh mới gặp được lão nghệ nhân Nguyễn Trọng Văn (bà mới mất tháng trước, thọ 83 tuổi) và con trai Nguyễn Trọng Bình. Hoàn toàn tình cờ, anh đi qua nhà họ thấy bày những chiếc đèn nhìn thần thái hơn hẳn những nhà xung quanh. “Chỉ một, hai ngày sau khi gặp gỡ, cái đèn con thỏ thân thương hồi bé của tôi đã hiện ra trước mặt như chưa hề vắng bóng. Cụ Văn cứ ôm cái đèn mà thì thầm: "Đây mới là đèn con thỏ". Thật cảm động”, anh kể.

Bình rất khéo tay. Đầu bài gì Trịnh Bách đưa ra, anh cũng giải được. “Bình có những kỹ thuật và mẹo để uốn khung tre thành những hình dạng phức tạp một cách thật giản dị và tự nhiên đến buồn cười. Có lẽ đây là những gì còn sót lại từ quê tổ cũ. Các phác họa khung lồng đèn tôi đưa ra khó đến đâu Bình cũng giải quyết dễ dàng, nhuần nhuyễn như đã quen thuộc”, Trịnh Bách nhận định.

Đèn hàng chợ làm bằng giấy hay giấy bóng kính thường không giữ được quá Trung thu. Loại đèn để trưng quanh năm (thường là quanh bàn thờ) căng bằng vải và bằng một loại giấy mà các cụ xưa gọi đơn giản là giấy Tàu. Loại giấy này có đặc điểm tha hồ vẽ màu nước nhiều lần vẫn không mủn. “Có những cái đèn cao cấp dán bằng vải lụa mỏng. Nhưng phần nhiều được dán giấy nhưng không phải là giấy bóng kính, vì cách vẽ theo lối bôi nước nhiều lần (tương tự như thủy mặc) trên các đèn này thì các loại giấy thường đều không chịu nổi”, Trịnh Bách cho biết.

Lúc mới gặp Trịnh Bách, bà Văn đã ngồi xe lăn từ nhiều năm do di chứng tai biến. Bình thường bà không chú ý đến xung quanh nhưng riêng việc phục dựng đèn xưa, bà rất quan tâm, thường xuyên trao đổi với Bách và Bình. “Một hôm khi Bình và tôi đang bàn về loại vật liệu dán đèn khó hiểu đó, thì cụ Văn bật ra như thét: ‘Giấy nhiễu! Giấy nhiễu mới chịu được nước chứ’”. Rồi cụ bảo con trai ra chợ Kim Biên hỏi “A Dí” (tức “bà dì” trong tiếng Quảng Đông) xem còn giấy nhiễu không.

“Người Báo Đáp xưa kia phần lớn dán đèn Trung thu bằng giấy nhiễu, hoặc có khi bằng vải. Giấy nhiễu là loại giấy bên trong có trộn vụn tơ hay sợi vải để chịu nước. Sau khi vẽ xong, đèn sẽ được quết một lớp dầu trẩu để chống thấm nước, và một lớp dầu bạch tùng để trở thành trong”.

Trịnh Bách

Khi nhắc tới giấy nhiễu, A Dí- một người có thâm niên về buôn bán giấy- cũng “té ngửa” vì mấy chục năm rồi chả ai hỏi mua nữa. Bà cũng không chắc lắm về nguồn hàng và hẹn qua Tết (lúc ấy giáp Tết) quay lại… Và sau bao năm tháng chờ đợi, cuối cùng Trịnh Bách đã cầm trong tay tờ giấy nhiễu. Loại giấy có thành phần vụn tơ tằm tạo độ dai và sắc bóng mượt đài các. Giấy sắc phong (nghe đâu cũng đã thất truyền ở Việt Nam) cũng có thành phần tương tự.

Đèn Trung thu chuẩn xịn ngày xưa còn có gắn “kim kính” (mảnh gương tròn) trên giá đỡ bằng đồng gọi là “mặt mài” ở một số chỗ để trang trí. Trịnh Bách đang tìm đến làng Đồng Xâm (Thái Bình) đặt mặt mài để gắn kim kính cho những loại đèn cao cấp như rồng hay cá hóa long… Những phụ kiện này ngay những chiếc đèn hiện vật trong bảo tàng nước ngoài cũng không có. Vì chúng vốn chỉ là hàng chợ. “Tức là họ vẫn vẽ chỗ làm mặt mài, kim kính nhưng không gắn vào”, anh mô tả.

“Việt Nam vẫn luôn là nước độc nhất trên thế giới lấy ngày Rằm tháng Tám Âm lịch mỗi năm làm Ngày Thiếu nhi, tức Tết Nhi đồng hay Tết Trung thu. Các nước đồng văn sử dụng Âm lịch khác là Trung Hoa, Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ xem dịp rằm tháng Tám là lễ hội đoàn viên hoặc lễ hội lúa mới. Và Việt Nam cũng là nơi duy nhất có phong tục làm lồng đèn hình các con thú cho trẻ em trong dịp Tết Trung thu”.

Trịnh Bách

Gần đây lễ hội đèn lồng Trung thu khổng lồ tại Tuyên Quang đang hút du khách. Nhưng Trịnh Bách không “khoái” lắm, khi biết những chiếc đèn được rước trên ô tô đó có khung kim loại. Với anh phải làm bằng tre giang đúng kiểu các cụ mới gọi là giỏi. Và anh khẳng định hiện cũng chỉ người Việt, cụ thể là những hậu duệ của làng Báo Đáp, mới nắm vững được mẹo bẻ tre nắn giang để làm được những kiểu đèn có hình thù phức tạp. Hiện anh Bình vẫn được các tỉnh như An Giang, Tiền Giang đặt làm những chiếc đèn truyền thống (khung bằng giang) có chu vi lên tới 3-4m để rước vào dịp Trung thu.

MỚI - NÓNG