Khởi động lại dự án đường sắt cao tốc

Khởi động lại dự án đường sắt cao tốc
Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-TP.HCM đã được trình tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XII nhưng không được quốc hội thông qua do lo ngại về tính hiệu quả cũng như làm tăng gánh nặng nợ nần cho quốc gia…

Tuy nhiên, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã khởi động lại dự án trên.

Tàu cao tốc Shinkansen tại Tokyo (Nhật) - Ảnh: Railway-technology.com
Tàu cao tốc Shinkansen tại Tokyo (Nhật) - Ảnh: Railway-technology.com.

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, sau khi Quốc hội không thông qua nghị quyết dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam với nguyên nhân chính là báo cáo đầu tư thiếu thông tin, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Chính phủ xin phép được nghiên cứu, lập báo cáo khả thi dự án để nhằm có thêm thông tin, cơ sở dữ liệu chính xác. Cụ thể, sẽ không tiến hành lập báo cáo toàn tuyến Hà Nội - TP.HCM mà trước mắt chỉ tập trung vào hai đoạn tuyến là Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang.

Nghiên cứu hai đoạn tuyến trước

Sau khi nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, đại diện Bộ Giao thông vận tải cùng các cơ quan chức năng đã bàn bạc và đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam lập báo cáo khả thi dự án đường sắt cao tốc hai đoạn tuyến Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang.

Đồng thời, thừa ủy quyền Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã có công hàm gửi chính phủ Nhật Bản đề nghị hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật để lập báo cáo khả thi.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xác nhận phái đoàn của Nhật Bản đang làm việc với Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Về cơ bản phía Nhật cũng đã đồng ý tài trợ cho Việt Nam trong việc lập báo cáo dự án trên. Dự kiến biên bản ký kết thỏa thuận dự án trên sẽ được ký kết trong ngày 31-8 tới. Sau đó các cơ quan chức năng sẽ tiến hành nghiên cứu, lập dự án với thời gian khoảng hai năm.

“Tôi rất lạc quan vào khả năng Nhật Bản sẽ hỗ trợ không hoàn lại để Việt Nam lập báo cáo khả thi dự án này. Cùng với đó, nhiều khả năng đơn vị cũng sẽ tham gia vào việc nghiên cứu lập dự án vì đã từng có kinh nghiệm trong quá trình lập báo cáo trình ra Quốc hội” - ông Đỗ Văn Hạt, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn, Đầu tư và Xây dựng Giao thông vận tải (thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam), đơn vị đã từng tham gia nghiên cứu lập báo cáo dự án đường sắt cao tốcBắc-Nam trình Quốc hội, nói.

Chưa phải lúc khởi động lại

Biết thông tin về dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam không được Quốc hội thông qua nhưng nay được khởi động lại, nhiều đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia cho biết rất bất ngờ.

“Đây là lần đầu tiên tôi nghe được thông tin dự án tái khởi động. Điều này khiến tôi rất bất ngờ. Tôi có cảm tưởng những người lập dự án chưa rút ra được bài học gì qua việc Quốc hội không thông qua chủ trương xây dựng tuyến đường sắt trên” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết phát biểu.

Theo ông Thuyết, khi xem xét dự án trên, phần đông đại biểu Quốc hội cho rằng đất nước còn bao nhiêu việc phải làm trong khi đây là một dự án tốn tiền, không đem lại lợi ích, hiệu quả và đặt nền kinh tế đất nước trước rủi ro rất lớn.

Đông đảo người dân cũng không tán thành xúc tiến dự án này nên việc Quốc hội không thông qua dự án là hoàn toàn hợp với lòng dân.

“Thời điểm này chưa phải là lúc tái khởi động việc lập dự án đường sắt cao tốc. Chúng ta nên cất dự án đó đi. Tiền đi vay cũng là tiền của dân. Hãy tôn trọng ý nguyện của người phải chi tiền. Chỉ khi nào ta làm chủ được công nghệ, đời sống người dân khá giả hơn và khẳng định được hiệu quả kinh tế thì khi ấy hãy tính đến việc này”- ông Thuyết nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm với đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, Tiến sĩ Trần Đình Bá (Hội Kinh tế vận tải đường sắt) cho rằng thay vì tập trung vào việc khởi động lại dự án đường sắt cao tốc, chúng ta nên dành thời gian nghiên cứu việc hiện đại hóa mở rộng khổ đường sắt 1.435 mm, điện khí hóa, phục vụ cả tàu khách lẫn tàu hàng.

“Đó mới là những cái thiết thực và cần thiết. Còn bây giờ chúng ta chưa đủ tiền, chưa phát triển, lượng hành khách đi lại còn thấp thì hãy cứ để đường sắt cao tốc đấy đã” - ông Bá nói.

Không thông qua chứ không phải bác (?!)

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam khi đưa ra Quốc hội đã có nhiều ý kiến khác nhau. Việc Quốc hội không thông qua một phần cũng vì dự án thiếu thông tin. Tuy nhiên, đó chỉ là không thông qua, chứ không phải bác dự án.

Nếu không có gì thay đổi, việc nghiên cứu lập báo cáo khả thi dự án trên sẽ diễn ra thuận lợi. Cùng với đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đang phối hợp với Nhật Bản để nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt từ Ngọc Hồi đi sân bay Nội Bài (dài khoảng 25 km). Hiện cũng có hướng đề xuất là xây dựng đường sắt đô thị; hoặc thành đường sắt cao tốc để thí điểm cho dự án đường sắt cao tốc về sau.

Ông ĐỖ VĂN HẠT, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn, Đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải (thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam)

Quốc hội bày tỏ chính kiến

Chiều 19-6, tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã biểu quyết các nội dung của dự thảo nghị quyết về dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Theo đó, chỉ có 185 đại biểu (chiếm tỉ lệ 37,53%) bấm nút tán thành, còn 208 đại biểu (chiếm 42,19%) bấm nút không tán thành chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc.

Riêng phần biểu quyết Điều 2 của dự thảo với nội dung: “Sau khi thông qua chủ trương, Quốc hội giao Chính phủ lập quy hoạch chi tiết; tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ và toàn diện hơn các điều kiện bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM. Trên cơ sở đó nghiên cứu lập dự án đầu tư một trong hai đoạn tuyến Hà Nội-Vinh hoặc TP.HCM-Nha Trang, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một đoạn tuyến được chọn và thực hiện đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020 bằng nhiều nguồn vốn, đa dạng phương thức đầu tư”, kết quả cũng chỉ có 157 đại biểu ủng hộ, trong khi số không ủng hộ lại chiếm đến 170 đại biểu, còn 80 đại biểu không biểu quyết.

Theo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh

MỚI - NÓNG