Đó là những chia sẻ của anh Giàng A La - Giám đốc hợp tác xã dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia, tại Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Trong khuôn khổ đại hội, các đại biểu chia tổ thảo luận tạo 3 diễn đàn: Công tác xây dựng tổ chức Đoàn, tham gia xây dựng Đảng và mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên; Nâng cao chất lượng công tác giáo dục của Đoàn; Đồng hành hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, chuyển đổi số trong thanh niên.
Các đại biểu đã chia sẻ các mô hình, hiến kế và kiến nghị nhiều nội dung nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.
“Cần làm gì”, “Làm như thế nào” để khởi nghiệp?
Anh Hà Công Đạt - Bí thư Huyện Đoàn Mai Châu, cho rằng, thời gian qua, mặc dù có những tín hiệu mừng từ phong trào thanh niên làm kinh tế, khởi nghiệp, lập nghiệp làm giàu trên mảnh đất quê hương nhưng chưa xứng tầm với lợi thế, tiềm năng của các địa phương. Nhiều thanh niên chưa quan tâm, chưa tiếp cận được các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn. Nhiều bạn trẻ còn có biểu hiện sống thụ động, dễ chấp nhận hoàn cảnh, không chịu khó trong lao động; chưa mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, chưa làm đã sợ thất thu, cho nên chọn con đường xa quê đi làm thuê.
Anh Hà Công Đạt, Bí thư Huyện Đoàn Mai Châu. Ảnh: Như Ý |
Bên cạnh đó vẫn còn một số cán bộ Đoàn các cấp chưa quan tâm, bám sát, kịp thời, hỗ trợ, bạn trẻ lập nghiệp, phát triển mô hình kinh tế.
Theo anh Đạt, muốn thúc đẩy tinh thần thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế, lập nghiệp tại quê hương trong điều kiện hiện nay, chúng ta cần giải đáp các vấn đề “Cần làm gì?”, “Làm như thế nào?”. Qua đó, giúp đông đảo thanh niên tiếp cận các chủ trương, chính sách hỗ trợ vốn của các cấp, các ngành trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động trẻ. “Các hoạt động đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp cần phải sát thực tiễn, trên cơ sở điều kiện, năng lực của mỗi đoàn viên thanh niên, mỗi gia đình, địa phương để có phương pháp hướng dẫn, hỗ trợ hiệu quả nhất”, anh Đạt nói.
Theo anh Đạt, vốn khởi nghiệp vẫn là vấn đề khó khăn nhất. Bởi vì thanh niên chủ yếu phụ thuộc kinh tế vào gia đình, phần lớn chưa phải là chủ sở hữu quyền sử dụng đất hay các tài sản có thể thế chấp để vay vốn; trong khi nguồn vốn vay mượn từ người thân và các kênh khác hạn chế. Điều này đặt ra yêu cầu về vai trò tham mưu, quan tâm của các cấp bộ Đoàn để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thanh niên trong việc huy động vốn, liên kết các kênh vay vốn cho thanh niên phát triển kinh tế.
Song song với việc đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế, anh Đạt kiến nghị, tổ chức Đoàn cần phải có các hình thức thúc đẩy thương mại hóa, chuyển đổi số trong nông nghiệp để đưa các sản phẩm của thanh niên lên các sàn giao dịch điện tử. Qua đó, kết nối mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm của mô hình kinh tế thanh niên.
Tinh thần khởi nghiệp là yếu tố quyết định thành công
Thành công từ mô hình phát triển du lịch gắn kết với nông nghiệp nông thôn, chàng trai dân tộc Mông, Giàng A La - Giám đốc hợp tác xã dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia cho rằng, tinh thần khởi nghiệp, không bỏ cuộc trước khó khăn là yếu tố tiên quyết thành công.
Anh Giàng A La chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình. Ảnh: Như Ý |
Anh chia sẻ, tháng 6/2020, Hợp tác xã Dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia được thành lập với 11 thành viên, do anh làm giám đốc. Các thành viên Hợp tác xã tận dụng những gian nhà truyền thống của người Mông, cải tạo, chỉnh trang khuôn viên nhà ở của gia đình làm homestay.
Các sản phẩm nông sản đặc trưng của Hòa Bình được trưng bày tại đại hội Đoàn. Ảnh: Như Ý |
Đặc biệt, với diện tích đất hơn 20ha, anh đã định hướng hợp tác xã phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm kết hợp bán nông sản cho bà con. Hợp tác xã của anh trồng các loại cây ăn quả như: đào, mận, cam... để khách du lịch được trải nghiệm hái quả ngay trong vườn nhà và tham gia những hoạt động văn hóa đặc sắc như: vẽ sáp ong, nhuộm chàm, làm giấy dó... Mô hình độc đáo của Giàng A La không chỉ góp phần làm giàu cho bản thân và quê hương, thu hút khách thập phương mà còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều bạn trẻ, tiêu thụ nông sản cho bà con.
Giàng A La chia sẻ, có được thành công ngày hôm nay, anh trải qua rất nhiều khó khăn, thất bại trên hành trình khởi nghiệp. Những ngày đầu khởi nghiệp anh mang dự án đi thi, từng phải sửa đi sửa lại tới 30 lần trước đêm chung kết 3 ngày. Kết quả, anh đã chinh phục được ban giám khảo đạt giải thưởng cao nhất.
Từ câu chuyện khởi nghiệp của mình, Giàng A La mong muốn tổ chức Đoàn sẽ mở các lớp đào tạo tư vấn chuyên sâu về khởi nghiệp, lập nghiệp tại các xã, bản làng để thanh niên được định hướng và hơn hết là truyền tinh thần khởi nghiệp. Bên cạnh đó, tạo thêm nhiều sân chơi, diễn đàn để các bạn trẻ tương tác, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức khởi nghiệp, lập nghiệp.
“Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải có tinh thần khởi nghiệp cháy sáng trong lòng mới giúp mình có động lực không bỏ cuộc trước khó khăn thách thức để khởi nghiệp thành công”, anh Giàng A La nói. Anh khuyên các bạn trẻ, dù khó khăn thế nào đừng bỏ cuộc mà hãy tìm những người bạn cùng chí hướng và những người đồng hành hỗ trợ, đồng hành trên con đường khởi nghiệp đầy chông gai.
Lắng nghe ý kiến của các đại biểu, đại diện Tỉnh Đoàn Hòa Bình cho biết, nhiệm kỳ tới sẽ tiếp tục tham mưu cơ chế, chính sách để nhiều thanh niên thụ hưởng chính sách về khởi nghiệp lập nghiệp. Đồng thời, sẽ có thêm các cuộc thi về khởi nghiệp có môi trường giao lưu học hỏi, phát triển. Đặc biệt là kết nối, đưa sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên phát triển ra thị trường rộng lớn.