Qua điều tra cho thấy, Hề Hiểu Minh đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị và quy tắc chính trị; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật tổ chức; không thật thà, che giấu vấn đề của cá nhân; lợi dụng chức quyền để mưu lợi cho người thân kinh doanh; vi phạm nghiêm trọng tinh thần "8 điều quy định" của Trung ương, dùng tiền công tiếp đãi trái quy định; vi phạm kỷ luật bảo mật, tiết lộ bí mật công tác xét xử; lợi dụng chức vụ mưu lợi cho người khác trong việc xét xử để nhận hối lộ. Trong đó, lợi dụng chức vụ mưu lợi cho người khác, nhận hối lộ đã có dấu hiệu phạm tội.
Vì vậy, Ủy ban Trung ương Đảng đã phê chuẩn đề nghị của Ban thường vụ UBKTKLTW khai trừ đảng đối với Hề Hiểu Minh; cách chức theo quy định của Tòa án NDTC; buộc trả lại mọi khoản tiền đã nhận trái phép và chuyển cơ quan tư pháp xử lý theo pháp luật".
Chiều cùng ngày, Viện Kiểm sát NDTC đã quyết định bắt giam và lập hồ sơ điều tra Hề Hiểu Minh vì có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ.
Trước đó, ngày 15/7/2015, Hề Hiểu Minh đã bị UBKTKLTW áp dụng biện pháp "song quy" (tạm giữ để điều tra). Cùng lúc, một thuộc hạ của Hề Hiểu Minh, nguyên là Chánh án tòa dân sự đã bị bắt tại sân bay khi đang tìm cách chạy ra nước ngoài; bà vợ là Ngô Kiến Vĩ và con trai là Hề Chúng cũng đều bị bắt. Khi khám xét nhà riêng của Hề Chúng, các nhân viên của UBKTKLTW đã thu được 300 triệu nhân dân tệ tiền mặt.
Hề Hiểu Minh sinh năm 1954, quê Giang Tô, từng công tác trong ngành Công an 6 năm; sau khi tốt nghiệp khoa Luật Đại học Cát Lâm về công tác tại Tòa án Nhân dân tối cao từ 1982; từng là Thư ký Phòng nghiên cứu, Thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án kinh tế, Chánh án Tòa án dân sự số 2, Phó bí thư Ủy ban Chính trị pháp luật thành ủy Thượng Hải, Ủy viên Hội đồng thẩm phán, Phó chánh án Tòa án tối cao.
Theo hãng tin The Paper của Trung Quốc, việc Hề Hiểu Minh bị điều tra có liên quan đến việc xét xử vụ án tranh chấp về nhượng quyền cổ phiếu liên quan đến Trương Tân Minh - một phần tử xã hội đen, người giàu nhất tỉnh Sơn Tây.
Tháng 3/2004, Tập đoàn Kim Nghiệp của Trương Tân Minh bỏ ra 18 triệu nhân dân tệ để có được 60% cổ phần của mỏ than Kim Hải, Công ty Hâm Nghiệp Bắc Kinh nắm giữ 40%. Sau đó do cần tiền, Kim Nghiệp đã vay tiền rồi gán cổ phiếu cho các đối tác là Hâm Nghiệp, Thấm Hòa. Đến năm 2009, giá than tăng vọt, giá trị khu mỏ từ 224 triệu nhân dân tệ tăng vọt lên hàng chục tỷ nhân dân tệ; tiếc của, Trương Tân Minh đã kiện đòi xóa bỏ các hợp đồng nhượng quyền cổ đông khi trước.
Do khiếp sợ trước uy quyền của Trương Tấn Minh nên tòa địa phương đã xử phần thắng kiện cho y; các bị cáo không phục, kháng cáo lên tòa tối cao. Vụ án năm 2012 do Hề Hiểu Minh ngồi ghế chánh tòa phúc thẩm đã xử phần thắng thuộc về Trương Tân Minh, gây tranh cãi trong giới luật khi đó. Rất nhiều chuyên gia, học giả đã bày tỏ nghi ngờ về tính công minh của phiên tòa, gọi đây là "vụ xử án hoang đường chưa từng có trong lịch sử ngành Tòa án Trung Quốc".
Ngày 4/8/2014, Trương Tân Minh bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương bắt để điều tra, sau đó hàng loạt quan chức tỉnh Sơn Tây bị "ngã ngựa", trong đó có Trần Xuyên Bình, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên và Nhiếp Xuân Ngọc, Tổng thư ký tỉnh ủy Sơn Tây… Phóng viên Vương Chí Văn của báo Tham khảo kinh tế từng tố giác, trong vụ Tống Lâm, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Nhuận mua và sáp nhập Tập đoàn Kim Nghiệp Sơn Tây, hàng tỷ nhân dân tệ của nhà nước đã bị thất tán, trong đó Trương Tân Minh kiếm hàng trăm triệu nhân dân tệ.
Hề Chúng, con trai Hề Hiểu Minh lợi dụng ảnh hưởng của cha đã mở văn phòng luật sư tại Thâm Quyến, nhận xử lý nhiều vụ tranh chấp kinh tế lớn, dùng phương thức ký hợp đồng ủy quyền để nhận những khoản phí ủy quyền lớn; sau đó thông qua sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của Hề Hiểu Minh để can thiệp vào công tác xét xử của tòa án cấp tỉnh, địa khu, thị xã, ra phán quyết bất công. Ngoài ra, Hề Chúng còn thay mặt Hề Hiểu Minh nhận tiền hối lộ. Vợ Hề Hiểu Minh là Ngô Kiến Vĩ là cán bộ trong Công ty Chứng khoán Trung Tín cũng tham gia nhận hối lộ từ những cá nhân "mang ơn" chồng.
Báo điện tử China.com ngày 13/7 dẫn nguồn từ Báo Tài Tân cho biết: Hề Hiểu Minh là người chủ quản mảng xét xử các vụ án kinh tế và dân sự trong Tòa án tối cao, liên quan đến các vụ án tranh chấp hàng tỷ nhân dân tệ. Ông ta thông thạo luật, biết cách dùng các thủ đoạn để xoay chuyển phương hướng, giúp người khác chiếm lợi không chính đáng. Đó là kiểu phạm tội kỹ thuật cao, trí tuệ cao.