> Công bố 4 ngành nhiều tham nhũng
Luật sư Phạm Thanh Sơn cho rằng, tỷ lệ án tham nhũng được đưa ra xét xử chỉ ở mức rất nhỏ. |
Trước phiên xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm (ngày 12/12), luật sư Phạm Thanh Sơn - Trưởng văn phòng luật sư Nam Hà Nội) nhận định, án tham nhũng gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan nhà nước, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với những cán bộ nhà nước.
Chính vì vậy, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã dành riêng một chương để điều chỉnh các tội phạm tham nhũng.
Ông Sơn dẫn chứng, việc cơ quan tố tụng vừa tuyên 2 án tử hình đối với các bị cáo trong vụ án Cty Cho thuê tài chính II - Agrribank cho thấy thái độ nghiêm khắc của Nhà nước đối với án tham nhũng.
Tuy nhiên, đây là trường hợp “hiếm khi xảy ra”, bởi thực tiễn xét xử cho thấy, hành vi tham nhũng không dễ phát hiện vì hầu hết các đối tượng là những người có chức, quyền.
“Có thể ví von án tham nhũng cũng như các loại án hành chính, nôm na được hiểu dạng án “con kiến đi kiện củ khoai”, do vậy, tỷ lệ án tham nhũng được đưa ra xét xử chỉ ở mức rất nhỏ” - luật sư Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, bên cạnh đó, các quy định của pháp luật trong việc phân cấp kiểm tra, giám sát phòng chống tham nhũng chưa thật sự rõ ràng. Có thực tiễn, người xử lý (có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử) còn ở cương vị thấp hơn người đang vào diện “nghi can” tham nhũng.
Do vậy, để tăng cường xử lý nghiêm loại án này, nhất thiết phải có một chế tài nghiêm khắc, cũng như đường hướng xử lý thật sự rõ ràng, nhất là chế độ phân cấp thẩm quyền.
“Có như vậy, mới tạo được hành lang pháp lý, sự yên tâm cho những người thụ lý các vụ án tham nhũng” - ông Sơn nói.