Câu lạc bộ thể thao của cô Yến tổ chức cúng rằm tháng Bảy theo phong tục truyền thống. Mâm lễ có con gà ta ngậm bông hoa hồng với xôi, hoa quả. Nhiều bác lớn tuổi trong câu lạc bộ ngồi quây quần chờ thụ lộc sau lễ. Bất ngờ khi hương khói vừa thắp lên nghi ngút thì “cô hồn” xuất hiện. Một tên lực lưỡng to cao từ ngoài đường phóng vào câu lạc bộ cướp ngay con gà cúng và phi ra, nhảy lên xe đồng bọn đang chờ rồi chúng biến mất trước sự sững sờ của các cô bác.
Tục cướp đồ cúng cô hồn rằm tháng Bảy không biết có từ bao giờ nhưng ngày càng trở nên khó kiểm soát. Năm nay, nhiều nơi lực lượng công an và dân phòng phải xuất hiện, kiểm soát và buộc đám “cô hồn sống” phải xếp hàng để nhận tiền, đồ cúng từ gia chủ, tránh lộn xộn trên địa bàn.
Nỗi ám ảnh về đội quân cô hồn lên đỉnh điểm khi tại quận Gò Vấp, hai đội quân cô hồn đi cướp lễ đụng độ nhau, mang theo mã tấu sáng loáng làm náo loạn đường phố. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra. Thực tế cũng đã có những băng nhóm được lập ra để cướp đồ cúng cô hồn đi bán.
Trong kinh điển Phật Giáo và các tài liệu nghiên cứu văn hóa dân gian người ta đều chỉ thấy nói tới việc cúng cô hồn (những linh hồn vô thừa nhận), lễ xá tội vong nhân (tha thứ cho các linh hồn tội lỗi), hay cúng quỷ đói để chúng tránh làm hại người, chứ không thấy ai nói phải đi “cúng” cho đội quân “cô hồn sống” đi cướp lễ. Thế nhưng giờ đây, cứ giữa tháng Bảy thì phố phường lại xuất hiện những đám ngổ ngáo, thậm chí gia chủ vừa bày mâm cỗ chưa kịp thắp hương thì chúng đã xông vào bê đi mất.
Cụ già 83 tuổi neo đơn khó khăn phải tìm chốn nương tựa là mái chùa ở quận 8, TPHCM trong “tháng cô hồn”. Ảnh: T.N.A |
Trên internet còn có những bài viết hướng dẫn cách cướp mâm lễ cúng cô hồn như thế nào! Chẳng hạn: “Nếu người khác đã lấy rồi thì không nên cướp hay giành giật lại. Nếu đồ của mình mà một người khác giật hay cướp thì cũng không nên giành lại”.
Cách đây mấy năm, tại Sóc Trăng, đội quân cô hồn đã đâm trọng thương gia chủ vì ngăn cản chúng cướp mâm lễ.
Chị Mỹ, một nhân viên của cửa hàng bán xe hơi nói: “Hầu hết đơn hàng bán xe trong tháng Bảy đều bị hủy, hoặc không thể thực hiện được. Khách hàng đều nói trong tháng cô hồn thì không mua, không bán gì hết, đặc biệt là với ô tô!”.
Một số nhân viên môi giới nhà đất cũng chia sẻ: “Tháng cô hồn, giao dịch bất động sản giảm quá nửa. Người mua kẻ bán đều chỉ dừng ở mức tham khảo, để chờ tháng Tám (âm lịch) mới quyết định chuyện bán mua!”.
Tháng cô hồn là quãng tháng 8 dương lịch, là cao điểm du lịch hè, nhưng rất nhiều trang web bài viết đưa ra lời khuyên các việc cần kiêng cữ trong tháng cô hồn, trong đó có việc “không nên bơi lội”. Chưa kể hàng loạt việc “cần tránh” trong tháng cô hồn như: “Không nên ký những hợp đồng làm ăn lớn, hay làm những việc lớn như cưới hỏi, chuyển nhà, xây nhà, cất nóc, đào móng, v.v”.
Quan niệm về “cô hồn” và tháng “cô hồn” ngày càng khiến người ta ái ngại.
Anh Kim, một doanh nhân người Hàn Quốc nói: “Theo tôi được biết thì tại Trung Quốc và một số nước khác, cúng cô hồn chỉ diễn ra vào một ngày Rằm tháng Bảy, nhưng tại Việt Nam thì tháng cô hồn kéo dài tới 30 ngày, khiến mọi công việc buôn bán đình trệ hết. Sản phẩm người nông dân nuôi trồng, công nhân vất vả sản xuất ra mà 30 ngày không tiêu thụ được gì thì họ sống làm sao?”.
Hoạt động văn hóa tín ngưỡng là giúp cho con người có cuộc sống tốt đẹp hơn và “tháng cô hồn” cũng cần được nhìn nhận và ứng xử khác đi.
Thay vì sự sợ hãi việc “mở cửa âm phủ ma quỷ đầy đường” thì tháng Bảy cần phải trở thành một tháng tràn ngập sự yêu thương, chia sẻ, nhân văn với mùa Vu Lan báo hiếu. Sử ghi vua Lý Thần Tông đã bỏ yến tiệc của bách quan văn võ vào dịp Rằm tháng Bảy để thiết lễ Đại trai đàn, cầu siêu cho phụ hoàng là vua Lý Nhân Tông.