Khó vận chuyển lô máy biến thế chứa hơn 7.000 lít dầu siêu độc

Việc vận chuyển hai container chứa hơn 7.000 lít dầu biến thế nhiễm PCB, thân máy biến thế, gạch và mùn cưa nhiễm PCB ra khỏi cảng Cái Lân sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Nguyễn Hoài
Việc vận chuyển hai container chứa hơn 7.000 lít dầu biến thế nhiễm PCB, thân máy biến thế, gạch và mùn cưa nhiễm PCB ra khỏi cảng Cái Lân sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Nguyễn Hoài
TP - Phương án vận chuyển lô hàng máy biến thế chứa hơn 7.000 lít dầu nhiễm hóa chất siêu độc PCB ra khỏi cảng Cái Lân (cạnh vịnh Hạ Long) được tính đến từ lâu, nhưng rất khó để đưa số hóa chất cực kỳ nguy hại này ra khỏi cảng Cái Lân.

Ông Hoàng Danh Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, cho biết như vậy.

Chưa có kinh nghiệm vận chuyển

Sau nhiều năm không thể xử lý dứt điểm lô hàng máy biến thế chứa hơn 7.000 lít dầu nhiễm PCB được lưu trữ không đảm bảo ngay cạnh vịnh Hạ Long, cuối năm 2011, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức họp giữa các bên liên quan và thống nhất phương án xử lý. 

Theo đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long Vinashin (nay là Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long) phải xây dựng một kho kín, đủ diện tích để lưu trữ và bảo quản lô hàng đúng quy định đồng thời vận chuyển kho hàng từ cảng Cái Lân về kho bãi của công ty tại Hải Phòng. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia sẽ rất khó có thể đưa lô hàng này ra khỏi cảng Cái Lân, vì tính chất phức tạp trong quá trình vận chuyển.

Trên thế giới, Cơ quan vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và đặc biệt của Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp Quốc khu vực châu Âu xếp PCB thuộc nhóm hàng hóa nguy hiểm và đặc biệt thuộc nhóm 9 trong vận chuyển. 

Tại Việt Nam, đây cũng là hàng hóa nguy hiểm và đặc biệt trong danh mục hàng hóa nguy hiểm và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. 

Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, việc vận chuyển lô hàng khổng lồ này phải được giao cho một đơn vị có giấy phép vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. 

Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam cũng chưa bao giờ vận chuyển một khối lượng hóa chất độc hại lớn như thế. Hiện nay, Việt Nam cũng chưa ban hành hướng dẫn kỹ thuật với việc vận chuyển và tiêu hủy hóa chất siêu độc PCB. Các hướng dẫn kỹ thuật này mới đang ở giai đoạn dự thảo.

Theo ông Hoàng Danh Sơn, khi thực hiện đóng gói toàn bộ lô hàng gồm thân máy biến thế, hơn 7.000 lít dầu biến thế, 670 viên gạch và bốn bao mùn cưa nhiễm PCB vào hai container, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh phải chọn container có khung rất khỏe. 

Theo ông Sơn, thân máy biến thế, dầu đều là những thiết bị đặc, gọn, có trọng tâm tập trung nên khung của container yếu có thể sẽ gây lật, vỡ và tràn dầu chứa PCB ra ngoài môi trường. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là tính toán trong đầu của những người thực hiện đóng gói chứ không theo một quy chuẩn, tiêu chuẩn nào cả.

Trong khi đó các chuyên gia về PCB khuyến cáo, việc vận chuyển PCB tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như nguy cơ rò rỉ PCB và vật liệu chứa PCB khi bao bì hoặc thùng chứa bị rung, dẫn đến thủng, rách khi vận chuyển.

Nguy cơ tràn đổ xảy ra do quá trình sắp xếp vượt quá chiều cao quy định, không tính đến thay đổi độ lệch trọng tâm dẫn đến nghiêng, đổ. Nguy cơ cháy nổ cũng có thể xảy ra nếu phương tiện vận chuyển có sự cố như hỏa hoạn, chập điện. Các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu xảy ra sự cố rò rì, đổ tràn hay cháy nổ với 7.000 lít dầu chứa hóa chất siêu độc này ra môi trường thì hậu quả không thể tính trước.

Sét đánh, lũ lụt, tố lốc có thể gây tràn PCB

Bên cạnh khó khăn về vấn đề kỹ thuật, việc chuyển lô hàng độc hại này sang Hải Phòng còn phải được sự đồng ý của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng. Liệu Hải Phòng có cho phép đưa vào lô hàng khổng lồ chứa hóa chất siêu độc hay không vẫn chưa rõ. 

Liên quan đến lộ trình đưa PCB ra khỏi bờ vịnh Hạ Long, ông Hoàng Danh Sơn cho biết, việc cho phép vận chuyển chất thải nguy hại ra khỏi cảng Cái Lân, lựa chọn đơn vị vận chuyển, phương án vận chuyển như thế nào đều thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Sở đã gửi công văn đề nghị bộ xem xét, ra văn bản hướng dẫn Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long vận chuyển, xử lý lô hàng nhưng chưa được hồi âm.

Trong khi chưa biết bao giờ khối hóa chất độc hại lớn được di dời ra khỏi bờ vịnh Hạ Long thì theo các chuyên gia, hàng loạt nguy cơ có thể dẫn đến rò rì, cháy nổ, tràn dầu nhiễm PCB ra ngoài môi trường.  

Theo khuyến cáo, khu vực lưu giữ PCB phải đủ cao và dốc để chống ngập lụt, đủ thông thoáng để phòng cháy nổ. Tuy nhiên, hai container chứa PCB được lưu giữ ngay trong sân của cảng Cái Lân, cạnh bờ biển, xung quanh các hoạt động của cảng vẫn diễn ra bình thường nên nguy cơ cháy nổ hiển hiện. 

Ngoài ra, Quảng Ninh là tỉnh ven biển, hằng năm phải hứng chịu nhiều cơn bão đổ bộ nên nguy cơ xảy ra lốc xoáy, sấm sét, lũ lụt ở khu vực lưu giữ PCB là điều khó lường trước. Các yếu tố lũ lụt, lốc xoáy, sấm sét, chập điện đều có thể gây ra sự cố rò rỉ, đổ tràn và cháy nổ với khối hóa chất độc hại khổng lồ này.

PCB phát tán rất xa

Theo các chuyên gia của dự án quản lý PCB tại Việt Nam, tính nguy hại đặc biệt của PCB không chỉ vì độ độc cao mà nằm ở đặc tính phát tán xa và tích tụ trong môi trường và cơ thể sống. 

Khi lan truyền ra môi trường, PCB có thể di chuyển hàng nghìn km từ nơi phát thải theo chu trình tuần hoàn không khí và sự luân chuyển của nước. PCB được tìm thấy trong đất, nước, trầm tích và không khí. Thậm chí PCB còn được tìm thấy trong mô mỡ của động vật và cả con người sống ở Bắc Cực, nơi không có các hoạt động công nghiệp.

Như thế với hơn 7.000 lít dầu biến thế nhiễm PCB ở cảng Cái Lân, nếu gặp sự cố đổ tràn ra môi trường thì khu vực ảnh hưởng và phạm vi bị tác động sẽ không thể lường trước.

MỚI - NÓNG