Kinh doanh qua mạng xã hội phải đóng thuế:

Khó thực thi sao vẫn ban hành?

Bộ Công Thương không quản lý nổi kinh doanh trên Facebook.
Bộ Công Thương không quản lý nổi kinh doanh trên Facebook.
TP - Những quy định của Bộ Công Thương về quản lý bán hàng qua mạng được đánh giá khó khả thi. Đặc biệt, việc không có biện pháp thuế bán hàng qua mạng Facebook thể hiện sự bất lực. Cơ quan quản lý cũng thừa nhận khó thực thi quy định mới ban hành.

Dễ làm, khó bỏ

Theo Thông tư 47 của Bộ Công Thương, từ ngày 20/1/2015, các mạng xã hội cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ; cho phép người tham gia lập các trang điện tử nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ hoặc chuyên mục mua bán phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT). Theo đó, chủ sở hữu mạng xã hội và người kinh doanh trên mạng xã hội sẽ phải kê khai thông tin về hàng hóa, giá cả các loại mặt hàng, và nộp thuế theo quy định hiện hành về thuế và quản lý thuế.

Chị Nguyễn Thị Hiền, chủ một “cửa hàng bánh” trên mạng xã hội chia sẻ, việc kinh doanh hai năm trở lại đây chứng minh tính ưu việt rõ rệt so với các mô hình kinh doanh cũ. Thông qua sự chia sẻ trên các mạng xã hội của đồng nghiệp trong cơ quan cùng người thân trong gia đình, “cửa hàng ảo, bán hàng thật” trên mạng của chị được nhiều người biết đến. “Kinh doanh trên mạng xã hội chi phí rất thấp. Quy định mới, theo tôi, rất khó khả thi. Đặc biệt, quy định mới nhằm vào những người đang kinh doanh tại các mạng xã hội có địa chỉ hoạt động trong nước. Trong khi những người kinh doanh bán hàng trên Facebook lại không chịu sự quản lý này”, chị Hiền đánh giá.

Chị Ngọc Yến, chủ một gian hàng kinh doanh các loại đặc sản Tây Bắc chia sẻ, phần lớn những người đang kinh doanh bán hàng trên mạng xã hội đều là dân công sở làm thêm và trong số đó có không ít người bán đồ tự làm. Họ tự chế biến các sản phẩm bánh trái, món ăn rồi bán cho bạn bè và những người có nhu cầu. Về phía người bán chỉ là công việc làm thêm, không ổn định lâu dài. Nếu chỉ quản lý theo kiểu bắt họ kê khai hay đóng thuế là không hợp lý. Bởi những người này không bán cố định mặt hàng cụ thể hàng ngày.

“Với quy định hiện nay, không quản lý kinh doanh bán hàng qua Facebook sẽ là lỗ hổng rất lớn. Lượng hàng hóa bán qua những người sử dụng Facebook hiện rất lớn. Như với cá nhân tôi, chỉ riêng phần bán hàng qua Facebook mỗi tháng cũng giúp cửa hàng có doanh thu không dưới 60 triệu đồng”, chị Yến chia sẻ.

Một số người bán hàng trên các mạng xã hội cũng cho rằng, quy định mới của Bộ Công Thương áp dụng với những trang chuyên cung cấp dịch vụ về gian hàng có thể khả thi; còn với người buôn bán lẻ khó kiểm soát họ bán hàng cho ai, giao hàng vào thời điểm nào.

Nhờ người dân “chỉ điểm” giúp?

Theo bà Lại Việt Anh, Cục phó Cục TMĐT và Công nghệ Thông tin (Bộ Công Thương), quy định được đưa ra bởi trào lưu kinh doanh trên các mạng xã hội nở rộ với quy mô thị trường ngày càng lớn. Báo cáo năm 2013 cho thấy, khoảng 73% người sử dụng Internet tại Việt Nam có truy cập vào các diễn đàn, mạng xã hội. 45% người sử dụng Internet có tham gia mua sắm qua mạng xã hội. Ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng thông qua mạng xã hội nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả tiếp cận khách hàng mục tiêu.

Để quản lý, bà Việt Anh cho biết, Phòng Quản lý hoạt động TMĐT (thuộc Cục TMĐT và Công nghệ Thông tin) sẽ quản lý, rà soát nhằm phát hiện ra các thương nhân, doanh nghiệp kinh doanh trên mạng xã hội như sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng không đăng ký. Khi phát hiện, Cục sẽ gửi thông báo cho chủ sở hữu mạng xã hội về việc phải đăng ký; nếu sau 30 ngày, không thực hiện nghĩa vụ sẽ bị phạt từ 40 - 60 triệu đồng tính từ thời điểm thông tư có hiệu lực (từ ngày 20/1/2015). “Việc rà soát mạng xã hội kinh doanh như sàn giao dịch TMĐT ngoài dựa vào nhân lực của Cục còn nhờ vào phản ánh của người dân. Đây là công cụ rất hiệu quả, năm 2014 có đến hơn 1.000 lượt phản ánh, phát hiện của người dân. Cả người dân và cơ quan chức năng cùng vào cuộc, chắc chắn sẽ không bỏ sót”, bà Việt Anh nói.

Về việc nộp thuế, theo bà Việt Anh, đã kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước. Đó là quyền và nghĩa vụ của bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào. Thông tư số 47 không quy định cụ thể về việc nộp thuế của người bán hàng trên mạng xã hội, nhưng Nghị định số 52 đã quy định điều này. “Với những mạng xã hội không có trụ sở tại Việt Nam, như Facebook có đuôi miền quốc tế .com (hiện chưa có đại diện tại Việt Nam) sẽ nằm ngoài đối tượng áp dụng của Nghị định 52 và Thông tư 47. Điều này cũng đồng nghĩa, các cá nhân, tổ chức đang sử dụng Facebook kinh doanh, quảng bá thương hiệu, bán hàng sẽ không phải đăng ký tới Bộ Công Thương theo hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử”, đại diện Cục TMĐT và Công nghệ Thông tin cho biết.

Một số mạng xã hội có lượng người sử dụng lớn nhất tại Việt Nam hiện nay: Facebook, google plus; Tinhte.vn (cộng đồng công nghệ); webtretho.com; lamchame.com; 5giay.vn (cộng đồng mua bán rao vặt); muare.vn (mua bán rao vặt); enbac.com (mua bán rao vặt); vn-zoom (công nghệ thông tin); chodientu.vn (cộng đồng mua bán)…

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG