Khó gắn chip giám sát nguồn phóng xạ

Gắn thiết bị giám sát nguồn phóng xạ tại Công ty TNHH APAVE Châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Tuấn Kiệt
Gắn thiết bị giám sát nguồn phóng xạ tại Công ty TNHH APAVE Châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Tuấn Kiệt
TP - Ngay sau khi xảy ra sự cố mất nguồn phóng xạ tại Nhà máy thép Pomina 3 tại Vũng Tàu ngày 1/4, TPHCM đã quyết định dùng ngân sách TP, gắn thiết bị giám sát cho toàn bộ 200 nguồn phóng xạ của các đơn vị đóng trên địa bàn.

Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế không hề dễ dàng. Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở Khoa học Công nghệ (KHCN) cho biết, toàn TPHCM có 83 đơn vị được Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Bộ KHCN cấp phép, sử dụng hơn 200 thiết bị chứa nguồn phóng xạ, trong đó 124 nguồn phóng xạ di động, thường  xuyên được di chuyển trong quá trình sử dụng. Trong đó chỉ có 37 nguồn được sử dụng trong thành phố, 87 nguồn được các đơn vị mang đi sử dụng tại nhiều địa phương, có khi ở tận Quảng Bình, Hà Tĩnh.

Gắn thiết bị giám sát cho các nguồn phóng xạ này rất khó, thậm chí không thể thực hiện được. Do vậy TPHCM ưu tiên gắn trước 37 nguồn phóng xạ di động đang hiện diện trên địa bàn.

Đơn vị được UBND TPHCM và Sở KHCN “chỉ định thầu” là Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TPHCM. Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm ICDREC cho biết, về mặt kỹ thuật, giải “bài toán” của Sở KHCN TPHCM không khó.

Hiện tại ICDREC đã sản xuất được 200 bộ thiết bị giám sát phóng xạ cùng phần mềm quản lý, điều hành hệ thống, đủ để gắn cho toàn bộ nguồn phóng xạ trên địa bàn. Đến nay Trung tâm ICDREC đã gắn được 15 bộ thiết bị giám sát phóng xạ, còn 22 bộ nữa sẽ tiếp tục thực hiện, dự kiến tháng 8 gắn xong toàn bộ.

Công ty TNHH APAVE Châu Á - Thái Bình Dương, từng mất trộm nguồn phóng xạ vào tháng 9/2014 nhưng sau đó đã được tìm thấy, là đơn vị gắn 2 thiết bị chứa nguồn phóng xạ đầu tiên vào ngày 7/4, đến nay thiết bị giám sát hoạt động tốt. Tiếp đó các nguồn phóng xạ của các công ty TNHH TMDV Trung Tín Á châu, Cty TNHH TMDV kỹ thuật Việt, Cty Cổ phần kiểm định xây dựng Sài Gòn, Cty TNHH Vilam Engineering VN, Đại học GTVT, Đại học Bách khoa TPHCM... cũng được gắn thiết bị giám sát. Hiện Sở KHCN đang tiến hành các thủ tục cần thiết để gắn thiết bị giám sát cho 18 nguồn phóng xạ ở Trung tâm hạt nhân TPHCM.

Trôi nổi trong dân

Hiện vẫn tiềm ẩn nỗi lo thất lạc nguồn phóng xạ khi có tới 87 thiết bị phóng xạ di động được vận chuyển, sử dụng tại nhiều nơi… trong những điều kiện không được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định. Chưa kể hàng trăm nguồn phóng xạ khác gây không ít rủi ro cho người dân, như trường hợp mất nguồn phóng xạ ở Nhà máy thép Pomina 3, đến nay vẫn không tìm thấy nguồn phóng xạ bị mất.

Một chuyên gia cho biết, người dân vẫn có thể gặp nguy hiểm do nguồn phóng xạ di động được các đơn vị đăng ký, sử dụng ở các địa phương khác đem vào TPHCM. Hiện cả nước chỉ duy nhất TPHCM chủ động lắp đặt thiết bị giám sát nguồn phóng xạ, các tỉnh còn lại đang ngóng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân  xây dựng hệ thống quản lý, giám sát tập trung nguồn phóng xạ cả nước. Việc này được xới ra bàn từ cuối năm 2014, sau khi xảy ra vụ mất trộm nguồn phóng xạ tại Công ty TNHH APAVE Châu Á - Thái Bình Dương, nhưng sau 2 năm mọi việc vẫn chưa có gì thay đổi.

Ông Ngô Đức Hoàng cho biết, mỗi thiết bị giám sát nguồn phóng xạ có giá từ 5-10 triệu đồng, tùy theo “cấu hình” có chức năng đo liều phóng xạ hay không. Tổng cộng 200 bộ giám sát, kèm máy chủ, phần mềm hệ thống bản đồ, công lắp đặt tại TPHCM…trị giá khoảng 1,9 tỷ.
MỚI - NÓNG