Kho báu của nghĩa quân Lam Sơn?

Kho báu của nghĩa quân Lam Sơn?
Những ngày ở mảnh đất linh thiêng Ngọc Phụng (Thanh Hoá), chúng tôi đã được nghe, chứng kiến nhiều câu chuyện tưởng chừng hư mà thực.

Nhiều người còn rỉ tai chúng tôi rằng, nơi đây còn là nơi chứa đựng kho báu của nghĩa quân Lam Sơn năm xưa. Bằng chứng là người dân nơi đây đã nhặt được cả yến vàng lá...

Ông Lâm chỉ cho chúng tôi xem vị trí đã đào lên được cả yến vàng
Ông Lâm chỉ cho chúng tôi xem vị trí đã đào lên được cả yến vàng. Ảnh: Bee.net.vn

Gánh vàng về vườn mía

Đất và người nơi đây vốn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, nhưng chuyện những năm trước, người dân nơi đã nhặt được cả yến vàng lá không phải là chuyện đồn thổi nữa mà là chuyện từng xảy ra.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, phó chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng xác nhận: Xã chúng tôi có một con đập xây lên để trữ nước phục vụ sản xuất cho bà con trong xã.

Năm 1972, con đập đó bị vỡ, tỉnh đã điều động máy xúc máy ủi để về đắp đập, làm đê sớm khắc phục sự cố đó. Những chiếc máy xúc, máy ủi làm việc suốt ngày đêm không nghỉ. Khi múc đất lên để đắp đập, nhiều người dân phát hiện thấy có than và vôi lẫn trong đất nên ra lấy về để chăm bón cho cây trồng.

TS sử học Phạm Văn Tuấn (trưởng ban Ban Quản lý Di tích lịch sử tỉnh Thanh Hóa):

"Chúng tôi không được tận mắt chứng kiến những báu vật mà người dân đã nhặt được. Nhưng nếu như được nhìn thấy chiếc dây đai bằng vàng, quả cau, lá trầu thì chúng tôi có thể xác định niên đại và được sử dụng ở thời nào.

Những báu vật mà người dân nhặt được có thể từng thuộc sở hữu của hoàng hậu, công chúa, thái phi hoặc của một dòng họ vua chúa, quan quân trong triều của thời kỳ lịch sử nhất định.

Tục lệ tùy táng các đồ vật khi có người chết được thịnh hành nhất ở thời nhà Lê Sơ, Lê Trịnh".

Ông Lâm nhớ lại, thời điểm đó, gia đình nhà ông Trịnh Đình Phi (thôn Phụng Dưỡng, Ngọc Phụng) lấy nhiều than củi và vôi về nhà mình nhất.

Gia đình ông Phi lúc đó trồng ba sào cây mía đỏ nhưng bị mối và kiến phá hoại nên thấy nhiều than củi và vôi, ông liền huy động cả vợ và ba đứa con ra gánh đất về để đổ vào các vạt mía nhà mình. Gia đình ông gánh từ sáng sớm đến tận trưa mới nghỉ.

Thời tiết năm đó cũng vào mùa hè nắng nóng, buổi trưa khi mọi người ăn cơm nghỉ ngơi xong thì tình cờ nhìn thấy ở vạt mía nhà mình có vật lạ phát sáng.

Mọi người ùa ra xem thử thấy nó rất óng ánh, nhưng lúc đó không ai biết đó là vàng hay vật gì. Bới đất lên thì nhìn thấy những miếng vàng lá lóng lánh.

Lúc đó, ông Lâm cũng mới khoảng 12 tuổi nên cũng chưa biết vàng là gì cả. Ông đã nhìn thấy có người nhặt được cả một chiếc đai thắt lưng toàn bằng vàng. Một lá trầu, một quả cau bằng vàng.

Ông Lâm nhớ rằng, lúc đó có bà Lê Thị Nhì trong xóm, khi nhặt lá vàng lên còn không biết đó có phải là vàng không nữa nên khi người khác xin bà đã cho họ. Sau này, bà mới biết họ bán lá vàng đó đi được hơn trăm triệu đồng.

Sau thông tin kho báu dưới lòng đất được múc lên bờ, nhiều người dân trong vùng đã đổ dồn về khu vườn nhà ông Phi để đào bới những khối đất lên với hy vọng sẽ tìm được những lá vàng. Họ lục tung đám đất khiến những thửa mía nhà ông Phi tan hoang. Sau đó thì công an huyện đã vào cuộc và bao vây khu vực mà mọi người đã nhặt được vàng. Không biết họ đã kiểm tra và thu được bao nhiêu vàng nữa.

Khu lăng mộ của vua chúa?

Khi những vật quý giá được đào lên nhiều cụ cao niên trong làng nhận định đây khả năng là mộ của vua chúa xưa kia. Ngôi mộ được khai quật có thể là của một chúa là nữ giới, bởi trong đó có dây đai bằng vàng, có lá trầu, quả cau vốn là những đồ vật gắn liền với đời sống của họ. Khi họ mất đi thường là chôn theo với những đồ vật đó.

Rất nhiều chữ Nho cổ ở các đền nhưng chưa ai biết nó có từ đời nào?
Rất nhiều chữ Nho cổ ở các đền nhưng chưa ai biết nó có từ đời nào?

Giải thích về những vật báu được tìm thấy, ông Lâm nói rằng, cũng không loại trừ khả năng nghĩa quân Lam Sơn xưa kia, khi đã đập tan được bọn quan tham, trọc phú ở các vùng nên đã thu về nhiều của cải, vàng bạc châu báu. Họ đã chôn cất những đồ đạc có giá trị xuống lòng đất. Những thứ mà người dân đã nhặt được chỉ là một phần nhỏ trong kho báu của nghĩa quân Lam Sơn thôi. Có thể kho báu còn nhiều hơn thế nữa vẫn ẩn còn trong lòng đất.

Anh Phạm Văn Đồng dẫn chúng tôi đến thăm ngôi đền Mẹ, trước đây được người dân trong vùng đến khấn bái, cầu mong mưa thuận gió hòa, cây cối được mùa. Nhưng giờ ngôi đền này chỉ là một ngôi nhà tan hoang, dột nát.

Anh Đồng nói rằng, cách đây mấy năm về trước, những kẻ xấu đã giả vờ làm những người bị thần kinh đến chùa khấn bái, đêm bọn chúng đã đào bới lấy đi ở ngôi đền này chiếc ấn bằng vàng mang đi.

Theo anh Đồng, bọn chúng đã có bản đồ từ trước nên mới có thể xác định vị trí chôn cất vàng ở đây. Từ đó, ngôi đền này trở nên hoang vắng.

Cho đến nay, nhiều người dân cho rằng, nơi đây có thể vẫn còn nhiều vàng bạc và châu báu. Chỉ tính riêng chiếc hố mà máy xúc đất phát hiện ra vàng và một số vật báu khác, ông Lâm chỉ ước tính tất thảy chỗ đó cũng phải lên đến cả yến vàng lá.

"Hiện nay chưa có sử sách và nghiên cứu lịch sử nào nói về số lượng vàng của người dân nơi đây nhặt được là của nghĩa quân Lam Sơn năm xưa. Theo nhận định trước đây vùng đất Thường Xuân có nhiều người được xem là khai quốc công thần triều Lê. Ở khu vực Ngọc Lặc, Lang Chánh và ở nơi đây sau cuộc chiến thắng lợi thì quan quân đã thu được nhiều chiến lợi phẩm trong đó có vàng bạc và châu báu. Có thể số vàng của người dân nhặt được là của cải của quan quân triều Lê trước đây" - Nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Tấn (nguyên phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa).

Theo Đức Việt
Bee.net.vn

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG