Ngày 15/11, bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc - thông tin liên quan đến việc kho bãi sầu riêng “mọc” tràn lan. Trong đó có việc, chính quyền cơ sở chỉ kiểm tra kho nhỏ, bỏ kho lớn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho hay, địa phương có diện tích sầu riêng lớn (đứng đầu các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh) nên nhu cầu xây dựng kho bãi phục vụ sơ chế, bảo quản, đóng gói sau thu hoạch rất lớn. Thời gian qua, chính quyền cũng quan tâm đến việc kiểm tra tính pháp lý của các kho bãi này, tuy nhiên do thời gian gấp nên chưa kiểm tra hết chứ không có chuyện “kiểm tra kho nhỏ, bỏ qua kho lớn”.
Một kho bãi sầu riêng tại huyện Krông Pắc. |
Phía huyện Krông Pắc cương quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm liên quan đến xây dựng kho bãi chứa sầu riêng. Những kho nào vi phạm, đã bị xử phạt hành chính mà không khắc phục được thì huyện sẽ yêu cầu tháo dỡ. Sau khi kiểm tra xong các kho, UBND huyện sẽ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự trong lĩnh vực xây dựng trên.
Theo bà Trinh, do nhu cầu kho bãi rất lớn nên huyện Krông Pắc đang quy hoạch cụm công nghiệp. Hiện vấn đề quy hoạch, kêu gọi nhà đầu tư đã xong, sắp tới sẽ được triển khai để đưa kho bãi tập trung về 1 chỗ, tránh ảnh hưởng đến giao thông, khu dân cư.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra chiều 15/11, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBND huyện Krông Pắc xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng kho bãi sầu riêng. Những kho nào không phù hợp với quy hoạch và xây dựng thì xử lý.
Trước đó, báo Tiền Phong có bài “Kho bãi ‘mọc’ tràn lan ở thủ phủ sầu riêng: Có dấu hiệu bao che vi phạm phạm”. Nội dung phản ánh Kết luận kiểm tra của Sở Xây dựng Đắk Lắk về công tác quản lý trật tự xây dựng đối với các công trình xây dựng thuộc thẩm quyền kiểm tra, xử lý của UBND huyện Krông Pắc.
Theo báo cáo nhanh của huyện Krông Pắc, có 632 công trình kho bãi thuộc 6 xã; còn lại 10 xã không có báo cáo danh sách chi tiết. Đoàn kiểm tra chọn ngẫu nhiên 32 công trình mà UBND huyện cung cấp để kiểm tra thì phát hiện hầu hết các công trình có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực xây dựng và đất đai (31/32 công trình, chiếm tỷ lệ 96,88%).
Các cơ quan chức năng của huyện này chỉ lập hồ sơ xử lý các công trình vi phạm do các doanh nghiệp tư nhân và người dân làm chủ đầu tư; còn các công trình có quy mô lớn do các công ty TNHH một thành viên; công ty cổ phần thực hiện xây dựng lại không kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định.
Mặt khác, số liệu báo cáo chi tiết các công trình của UBND các xã, thị trấn cung cấp cho UBND huyện để báo cáo cho Đoàn thanh tra còn chưa đầy đủ, chưa chính xác và chưa chi tiết; nhiều xã thậm chí không thực hiện cung cấp số liệu báo cáo để đoàn có cơ sở lựa chọn công trình xây dựng để thực hiện kiểm tra, có dấu hiệu che giấu, bao che cho các công trình vi phạm…