Đặt câu hỏi chất vấn, nhiều đại biểu tập trung nêu các vụ việc phức tạp trên một số địa bàn quận, huyện về khiếu nại, tố cáo.
Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung (Gia Lâm) chất vấn, qua báo cáo và tiếp xúc cử tri ở huyện Gia Lâm cho thấy, về tố cáo, vẫn tồn tại 3 kết luận chưa được tổ chức thực hiện dứt điểm. Quá trình tổ chức thực hiện việc giao đất, cấp GCN quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn vướng mắc, UBND huyện đã có nhiều văn bản báo cáo xin ý kiến hướng dẫn, UBND thành phố cũng đã có văn bản tháng 4 giao Thanh tra thành phố chủ trì xử lý dứt điểm, nhưng đến nay chưa được hướng dẫn.
Đại biểu Hồ Vân Nga đặt câu hỏi về trách nhiệm của Thanh tra Thành phố. Theo đó, qua giám sát, HĐND thành phố nhận thấy có nhiều vụ việc liên quan đến khiếu nại tố cáo tồn đọng mà chưa rõ trách nhiệm thuộc về cấp nào, còn sự đưa đẩy về trách nhiệm giữa các cơ quan.
Ví dụ vụ việc ông Hoàng Văn Hiểu ở phường Cổ Nhuế 2- quận Bắc Từ Liêm là vụ việc khiếu nại tồn tại kéo dài. Qua báo cáo thì quận Bắc Từ Liêm báo cáo đã xử lý xong. Tuy nhiên, Thanh tra thành phố vẫn nói thuộc thẩm quyền của quận.
“Vậy trách nhiệm thuộc về cơ quan nào và có biện pháp nào để giải quyết rõ trách nhiệm giữa các ngành các cấp ngành của Thành phố?”, bà Nga đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến các vụ việc cụ thể tại huyện Gia Lâm, Chánh Thanh tra thành phố Nguyễn An Huy nhấn mạnh trách nhiệm giải quyết các vụ việc này là của huyện Gia Lâm.
Tuy nhiên, Chủ tịch huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, sau khi huyện giải quyết, người dân không đồng tình và đã khiếu nại lên thành phố, rồi thành phố ra kết luận, và UBND thành phố thực hiện kết luận đã ra quyết định ra thu hồi đất, nhưng sau đó những người này lại có khiếu nại về quyết định thu hồi.
Sau khi có ý kiến kết luận của thành phố thì lại hủy quyết định của UBND huyện. UBND huyện từ đó không biết trình tự tổ chức thực hiện thế nào. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận xét: "Qua trả lời của các sở, huyện Gia Lâm cho thấy rõ ràng quy tình giải quyết vẫn vòng vèo, từ huyện lên ngành, từ ngành lại xuống huyện… thì còn kéo dài đến bao giờ?".
Trả lời về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng cho biết, khiếu nại, tố cáo là lĩnh vực khó, phức tạp. Tuy vậy, thành phố đã đạt được nhiều kết quả trong năm qua với sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, Ban chỉ đạo, các cấp, các ngành một cách cương quyết, thậm chí thay thế, xử lý cán bộ.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, sau khi có kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực thi còn nhiều khó khăn. Ví dụ như ở Phú Xuyên, có vụ việc đã rõ ràng đúng sai, phải thu hồi đất. Tuy nhiên, huyện đã cấp sổ đỏ cho người dân rồi. Có một số hộ đã bán đi rồi. “Có sai phạm thì cương quyết xử lý, xử lý cả cán bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan, nhưng thực hiện trên thực địa là cả một vấn đề”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng nói về thực trạng giải quyết khiếu nại còn đùn đẩy nhau. Ông Hùng lấy ví dụ như ở Gia Lâm. Do buông lỏng quản lý, người dân xây dựng, nảy sinh khiếu nại, tố cáo. Cơ quan chức năng vào cuộc, đã làm rõ đúng sai, phải thu hồi, nhưng huyện lại ban hành văn bản không đúng thủ tục pháp luật nên người dân không chịu.
Ông Hùng cũng nêu quan điểm, chỉ cần 1 vụ việc không tập trung giải quyết thì sẽ biến thành điểm nóng, bức xúc. Một số đối tượng, người dân căng biểu ngữ, khẩu hiệu trước cửa các cơ quan công quyền là không tránh khỏi, nhưng phải hạn chế càng sớm càng tốt. “Trong thời gian tới, chúng tôi yêu cầu giám đốc các sở, ngành tập trung giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo. Giải quyết theo tiêu chí yên dân chứ không phải xong việc”, ông Hùng nói thêm.