Sáng 14/11, trình bày báo cáo của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay, trong năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tăng về số lượng đơn thư, số vụ việc thuộc thẩm quyền so với năm 2017. Cụ thể, tổng số đơn khiếu nại, tố cáo tăng 11,8%; tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước tăng 4,7%.
Về nguyên nhân, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, do công tác quản lý nhà nước và việc thực thi pháp luật của cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước có thiếu sót, vi phạm.
Trong lĩnh vực đất đai, công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế, yếu kém. Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không đúng trình tự, thủ tục, không tạo sự đồng thuận với người dân trước khi thực hiện.
“Còn có tình trạng lạm dụng quy định nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất chưa thỏa đáng, thiếu công khai, minh bạch, công bằng…”, ông Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình khiếu nại, tố cáo, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội lưu ý phát sinh một số khiếu nại phức tạp trong các lĩnh vực kinh tế, dân sự mà không phải là khiếu nại các cơ quan hành chính nhà nước, như khiếu nại mức thu phí tại các Trạm BOT đường bộ; khiếu nại việc không bàn giao nhà, không làm thủ tục cấp sổ đỏ của chủ đầu tư nhà chung cư hoặc chậm tiến độ thi công so với hợp đồng đã ký kết, chậm giải ngân hoặc ngừng giải ngân nguồn vốn đã được ngân hàng ký cam kết…
“Đây là những vấn đề thực tế cuộc sống đặt ra, là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện đông người, đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, có hướng giải quyết, xử lý hài hòa quyền lợi của người dân, của nhà đầu tư và của Nhà nước để bảo đảm ổn định xã hội”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh
Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông Định cho rằng, nếu ở những nơi nào người đứng đầu quan tâm, thường xuyên thực hiện tốt công tác tiếp công dân định kỳ, gắn kết công tác tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời tổ chức đối thoại với người dân thì ở đó tình hình khiếu nại, tố cáo cơ bản được giải quyết tốt.
Từ đó, Uỷ ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; kịp thời xử lý nghiêm cán bộ, công chức có sai phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.