Khi vụ nổ không ở phim trường

Khi vụ nổ không ở phim trường
TP - Ngày 25-2-2013, sau một ngày vụ nổ xảy ra ở nhà chuyên gia khói lửa Lê Minh Phương tại quận 3, TPHCM đã cướp đi 10 sinh mạng, mùi khói thuốc nổ vẫn còn nồng nặc.

> Ông Phương khói lửa từng làm nổ phim trường
> Vụ nổ 10 người chết: Nỗi đau tột cùng

Thứ đạo cụ khói lửa của ngành điện ảnh có sức công phá khủng khiếp, đúng như bản chất của các loại vũ khí quân dụng. Thậm chí người ta nói rằng “với tài nghệ pha chế của mình, có thể chủ nhân còn tạo ra được những vũ khí có sức nổ lớn hơn sức tưởng tượng”.

Ba căn nhà đổ nát hơn mọi phim trường mà các diễn viên đã từng nhìn thấy. Chị Kim Phượng, chuyên viên hóa trang nói: “Anh Phương là chuyên gia số một ở Sài Gòn về cháy nổ và từng tạo ra những phim trường cháy nổ quy mô nhất. Nhưng không cảnh nổ nào lại tang thương như cảnh hôm nay”.

Hai ngày liền hàng ngàn người dân khắp nơi đổ tới xem hiện trường vụ nổ. Chị Trà sống ở căn hộ cạnh đó, một nhân chứng thoát chết nhờ trèo lên ban công nhà kế bên, nhưng trong nhà cũng có 2 người thiệt mạng, nghẹn lời kể: “Người ta đang bới trong đống đổ nát, đưa đi nhiều vũ khí và có lẽ là cả chất nổ còn sót lại đấy”. Chị nói thêm: “Ông Phương này không có nhà, ông thuê vài ngôi nhà chỉ để chứa chất nổ và vũ khí đạo cụ”.

Chị Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch hội Điện ảnh TPHCM cho phóng viên biết: “Điện ảnh chuyên nghiệp nhưng lĩnh vực khói lửa lại không chuyên nghiệp. Khi phim sắp được dựng, dựa trên ý đồ của đạo diễn và họa sĩ, cảnh cháy nổ được vẽ ra và các đoàn làm phim đi thuê người thực hiện.

Tuy là chuyên gia được mời làm nhiều phim, nhưng theo tôi được biết thì anh Phương cũng chưa qua trường lớp đào tạo về sử dụng chất nổ trong điện ảnh, trong khi đó thì trường điện ảnh cũng không có chuyên ngành này!”.

Phim Việt Nam có mảng lớn là đề tài chiến tranh. Bom rơi đạn nổ rất nhiều trong phim trường, nhưng mọi sự lại được giao hết cho những người tự mày mò chế tác như anh Phương.

Anh Tỵ, em trai của anh Phương bùi ngùi: “Bố chúng tôi làm nghề vận tải ở chợ Đà Lạt, mẹ buôn bán trong chợ. Anh Phương trước năm 1975 có đi lính một thời gian ngắn. Sau hòa bình anh làm tài xế chạy xe Đà Lạt - Sài Gòn. Rồi đột nhiên anh đi theo các đoàn làm phim”.

Diễn viên Nguyễn Cường từng làm chủ nhiệm phim Bảy sắc cầu vồng do anh Minh Phương đạo diễn kể: “Thời gian gần đây, anh Phương vừa làm đạo diễn, vừa phụ trách đầu tư, sản xuất… đủ cả, chưa kể anh vẫn phụ trách luôn về khói nổ. Đoàn làm phim đi quay ngoại cảnh, anh lái một xe riêng… chở vũ khí và thuốc nổ”.

Theo diễn viên Nguyễn Cường: “Anh Phương rất cẩn thận trong việc sử dụng chất nổ và vũ khí. Thông thường, đến hiện trường, sắp đến cảnh quay anh mới lấy thuốc nổ ra pha chế, cài đặt. Đến cảnh diễn viên cần vũ khí, tự tay anh lấy súng ra đưa, cảnh vừa quay xong anh liền đến thu hồi vũ khí cất kỹ”.

Chị Kim Phượng, chuyên viên trang điểm từng theo anh Phương làm nhiều phim. Chị nói rằng dù cẩn thận đến mấy, cũng có khi sự cố xảy ra. Trong một bộ phim có cảnh nhân vật đặt mìn vào lọ hoa để hại nhau. Phim bấm máy, mìn nổ.

Bình hoa vỡ, mỗi nơi văng một mảnh. “Phía nhà sản xuất có một nhân viên mới, tò mò muốn xem cảnh quay, đã bị một mảnh sành cắm vào giữa khuôn mặt” - chị Phượng nói.

Vụ đó, anh Phương bị đạo diễn phê bình. Đêm về, anh gọi chị Phượng, bảo: “Làm nổ không giống thật lại bảo không hiệu quả. Làm hiệu quả, lại bị phê bình. Mìn nổ dĩ nhiên bình phải vỡ, miểng bay đi đâu làm sao kiểm soát hết được”. Anh than thở: “Tôi cố gắng nhiều, không được ghi nhận, chỉ bị phê bình trách móc”.

 Sinh nghề tử nghiệp, tai nạn là điều khó lường, 20 năm cẩn trọng nhưng một phút đen đủi tai nạn cướp đi sinh mạng cả gia đình và nhiều người khác nữa, đó là bài học đắt giá”.  

Chị Kim Phượng nói: “Tôi thấy thương anh Phương. Anh thuộc vào những người đứng phía sau ánh hào quang của điện ảnh. Xem phim người ta chỉ biết đến diễn viên chính, biết đến đạo diễn, mấy ai nhớ tới người làm khói lửa. Giờ người ta biết đến anh Phương thì anh đã thành người thiên cổ, kẻ khen thì ít người chê thì nhiều.

Chê anh bất cẩn, để chất nổ trong nhà, nhưng anh có nhà đâu. Làm điện ảnh hơn 20 năm, không mua nổi ngôi nhà, đến lúc chết 6 quan tài phải quàn ở chùa như thế này. Buồn lắm!”.

Anh Lê Minh Phương được đánh giá là một trong hai chuyên gia về chất nổ của TPHCM. Không những thế anh còn tham gia làm nhiều phim truyện với các đạo diễn ngoài Hà Nội.

Diễn viên Nguyễn Cường nói: “Sinh nghề tử nghiệp, tai nạn là điều khó lường, 20 năm cẩn trọng nhưng một phút đen đủi tai nạn cướp đi sinh mạng cả gia đình và nhiều người khác nữa, đó là bài học đắt giá”.

Tại hiện trường, khối thuốc nổ không khoan xuống đất mà nổ bung lên trời. Nơi để chất nổ không phải tầng trệt của ngôi nhà mà là khoảng sân trước nhà được cải tạo làm kho.

Người nhà các nạn nhân cho biết vụ nổ lớn, nhưng các nạn nhân thiệt mạng do sức ép của vụ nổ đã làm sập các bức tường. Khu chung cư cũ này vốn được xây dựng từ trước năm 1975.

Chuyên gia kinh nghiệm Lê Minh Phương đã không thể tiên liệu hết. Khu nhà cũ kỹ xuống cấp từ lâu, hiện phía trước vẫn còn treo biển bán nhà đã từ mấy năm.

Chị Kim Phượng nói: “Dù tính toán tiên liệu đến đâu thì một cá nhân như chuyên gia Phương cũng không thể làm chủ hoàn toàn được khối thuốc nổ khổng lồ. Việc anh cực chẳng đã, sống chung với thuốc nổ là nguyên nhân khiến anh, gia đình và nhiều người hàng xóm khác mất đi sinh mạng”.

Đoàn cán bộ phóng viên báo Tiền Phong đã sang chùa Vĩnh Nghiêm để phúng viếng gia đình chuyên gia khói lửa Lê Minh Phương. Đông đảo đồng nghiệp và người hâm mộ điện ảnh ngậm ngùi khi thấy 6 chiếc quan tài cũng quàn trong nhà sinh đường đều là của gia đình anh Phương.

Sự cố lịch sử cháy nổ tại gia đình “Phương khói lửa” đã trở thành tai nạn làm tổn thất nhiều nhân mạng nhất trong lịch sử ngành điện ảnh Việt Nam. Theo diễn viên Nguyễn Cường: “Tất cả mọi người phải nhìn lại vấn đề khói lửa trong điện ảnh”.

Tận cùng nỗi đau

Vụ nổ xảy ra ở khoảng sân trước nhưng gây chấn động quá lớn. Ảnh: T.N.A
Vụ nổ xảy ra ở khoảng sân trước nhưng gây chấn động quá lớn. Ảnh: T.N.A .

Đêm 24-2, đúng rằm tháng Giêng, 5 chiếc xe tang lặng lẽ dừng bước trước vãng sanh đường chùa Vĩnh Nghiêm, đối diện hiện trường vụ nổ.

Đến trưa 25-2, quan tài bà Lương Thị Tuyết, em gái ông Lê Minh Phương cũng được mang đến, đặt cạnh 5 chiếc quan tài còn lại. Trọn một gia đình đang nằm ở đây.

Những nạn nhân của hai gia đình hàng xóm ông Phương, một gia đình đưa về Bến Tre an táng, một gia đình đang quàn tại bệnh viện An Bình.

Bà Lê Thị Ngân, mẹ ông Lê Minh Phương dường như không đứng vững khi chiếc quan tài của con gái mình được mang đến. Con gái bà và vợ chồng con trai cùng 3 đứa cháu ra đi quá đau xót khiến bà liên tục ngất xỉu trong cái nắng đổ lửa giữa trưa Sài Gòn.

Quê ở Vỹ Dạ, Huế, bà Ngân lên Đà Lạt lập nghiệp từ năm 1961. Trong 10 người con, ông Lê Minh Phương là con cả. “Trước kia, ở Đà Lạt, nó làm tài xế. Tính tình hiền lành, thương người lắm. Ai ngờ giờ đây bà khóc cháu, mẹ tiễn con”, bà Ngân nức nở.

Sau đêm xảy ra vụ nổ, cả nhà đều thiệt mạng, chỉ có người thư ký của ông Phương biết tin, báo cho gia đình. Nhận được tin báo, bà Ngân cùng họ hàng vội vã bắt xe đò xuống TPHCM.

Dòng người đến viếng không khỏi lặng đi khi đứng trước chiếc quan tài của bé Lê Nam Phương (8 tuổi). Gương mặt bầu bĩnh, đáng yêu đang xòe chiếc ô làm điệu trên bức di ảnh khiến mọi người không ai cầm được nước mắt.

Trọn gia đình ông Phương, quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: L.N
Trọn gia đình ông Phương, quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: L.N.

Trong đêm xảy ra vụ nổ, con gái bà Sang cũng may mắn thoát chết. “Con gái tôi được ông Phương nhận vào làm trong đoàn phim. Bình thường đi làm về ngủ cùng tôi. Đêm hôm đó, nó ngủ lại ở nhà bạn nên thoát nạn”, bà Sang kể.

Theo một người thân trong gia đình ông Phương, trước đó ông Phương từng đền mấy trăm triệu vì một vụ nổ ngoài ý muốn tại một phim trường ở Bình Dương, gây sập mấy căn nhà bên cạnh.

“Ngày hôm đó nó đang làm phim ở Vũng Tàu. Buổi chiều về nhà tính lấy ít đồ nghề rồi đi luôn. Loay hoay thế nào đến khuya...”, bà Ngân, mẹ ông Phương nói.

Trở lại cuộc sống thường nhật sau những ngày Tết sum vầy với người thân ở Bến Tre, không ai ngờ đó là cuộc đoàn tụ cuối cùng của hai mẹ con bà Nguyễn Thanh Minh, 51 tuổi và con gái Phạm Ngọc Thùy, 26 tuổi, ngụ ở ngôi nhà số 384/7A.

Căn nhà 384/7A mấy năm nay là nơi trú ngụ của đại gia đình bà Lưu Thị Rép, mẹ của bà Nguyễn Thị Minh. Kể từ ngày chồng mất, 10 năm nay bà Minh lên Sài Gòn, bán quán cà phê với mẹ và em gái ở căn nhà này để kiếm tiền nuôi hai con gái là Thùy và Mỵ ở Bến Tre ăn học.

Năm 2011, một cơn bệnh đã khiến cho chân của bà Minh đi lại khó khăn. Phải chạy chữa thuốc thang nhiều, tiền bán cà phê không được bao nhiêu nên gần một năm nay bà Minh lấy thêm vé số về bán.

Những ngày giáp Tết, chúng tôi ra quán của bà để nhâm nhi cà phê và tám chuyện cuối năm, bà Minh bảo 27 âm lịch sẽ nghỉ bán để về quê Bến Tre ăn tết với hai cô con gái.

Mùng 5 Tết bà trở lại Sài Gòn cùng cô con gái đầu của mình là chị Phạm Ngọc Thùy để bán cà phê trở lại. Không ngờ mới bán được mấy ngày thì tai nạn xảy ra.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG