Khi về hỏi liễu chương đài…

Khi về hỏi liễu chương đài…
TP - Vợ chồng ông Trương Đình Ngộ, bà Huyền Tôn Nữ Camille, Việt kiều Thụy Sĩ, về Huế mua khu đất rộng phía trước Võ Miếu, bên bờ sông Hương, xây dựng một phòng hoà nhạc cổ điển với cái tên Bến Xuân rất thơ và đầy chất nhạc Văn Cao.

Bến Xuân là một không gian nhà - vườn cổ của Huế, ăn nhập với cụm kiến trúc chùa Thiên Mụ, Văn Thánh, Văn Miếu. Đọc bài Ngắm lại những cây liễu ở kinh thành Huế trong thơ Cao Bá Quát của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, đăng trên tạp chí Nghiên cứu Huế số 7, ông Ngộ liền gọi điện thoại nhờ Trung tâm Công viên cây xanh Huế cung ứng 40 cây liễu rủ để trồng ở Bến Xuân.

Trong buổi ra mắt Nghiên cứu Huế số 8, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chia sẻ: Cao Bá Quát viết rất nhiều về hoa mai, và liễu cũng xuất hiện với tần suất lớn trong thơ của ông. Cao Bá Quát thấy liễu ở nhiều nơi trong kinh thành, như ở ngự liễu kiều bên cạnh Ngọ Môn (Ngũ Phụng lâu tiền ngự liễu kiều); liễu rũ ở đầu cầu Gia Hội, ở bến sông phố cổ Bao Vinh (Gia Hội kiều đầu liễu dục miên/Bao Vinh ngoại đội thuỷ như yên); ở Bắc Trường đình, ở cầu Đốc Sơ phía ngoài cửa An Hoà: Đốc Sơ kiều bắc tống tương quy/Giang liễu hàng biên yến yến phiBắc Trường đình ngoại liễu sơ điều/Phi quá Hương Giang đệ kỷ kiều.

Cổ thi Trung Quốc miêu tả cảnh tiễn biệt người thân đi xa có tập tục bẻ liễu tặng nhau. Khi tả cảnh Kim Trọng và Thúy Kiều chia ly cụ Nguyễn Du có buông một câu: Khi về hỏi liễu chương đài/Cành dương đã bẻ cho người chuyên tay. Kinh thành Huế ngày xưa có Bắc Trường đình ở ngoài cửa An Hòa và Nam Trường đình ở bên bia cầu An Cựu. Đây là những trạm dừng chân trước khi vào và ra khỏi kinh thành. Là nước có nền văn hóa Hán hóa, nên ở đó được trồng nhiều liễu như ta thấy trong thơ Cao Bá Quát.

Huế là kinh đô, nhân tài khắp đất nước hội tụ về. Có lẽ đó là lý do thuở ấy Huế được trồng nhiều liễu ở khắp kinh thành. Liễu nhắc nhở người đi xa nhớ về quê hương bản quán. Ngày nay liễu không còn trên đường phố Huế, chỉ có một ít trong các công viên, vườn chùa, nhà vườn, biệt thự cổ. Nhưng chủ yếu là liễu tràm, không phải là liễu rủ. Ông Nguyễn Khoa Điềm đề nghị phục hồi lại những hàng cây trong dáng hình lịch sử của kinh đô xưa.

Nhân chuyện về cây liễu rủ trong thơ Chu Thần Cao Bá Quát, các nhà nghiên cứu Huế đề xuất phục hồi lại di tích Bắc Trường đình ở cửa ngõ phía bắc thành phố. Đó là một việc nên làm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG