Khi “phượt” trở thành món hàng

Leo Phanxipăng hiện là một trong những cung “kinh điển” và có những người kêu gọi thành lập đoàn leo núi chỉ hòng trục lợi.
Leo Phanxipăng hiện là một trong những cung “kinh điển” và có những người kêu gọi thành lập đoàn leo núi chỉ hòng trục lợi.
Trước đây, thành viên của các nhóm “phượt” đa phần đều là người quen. Còn hiện nay, “phượt” đã trở thành trào lưu, có không ít những nhóm phượt “chắp vá” ra đời, chỉ đi với nhau một cung nào đó rồi… giải tán.

Nhiều người mang danh là “leader đoàn” đã lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm của các “new bie” (người mới) để ăn chặn tiền hoặc bán tour, nhằm thu lợi nhuận.

Lập đoàn “phượt” rồi… bán

Phương Thế Sơn (năm thứ tư, trường ĐH Luật Hà Nội) cho biết, gần Tết Dương lịch năm ngoái, khi thấy một thành viên trên diễn đàn phuot.vn tổ chức leo Phanxipăng, Sơn hào hứng nhập đoàn. Sau khi kêu gọi được khoảng 20 thành viên trên diễn đàn, nhóm leo Phanxipăng tiến hành offline tại một quán cà phê.

“Buổi offline đầu tiên, chỉ có 10 thành viên đến được. Anh trưởng đoàn (người đăng bài trên diễn đàn) nói rằng, anh ấy đã leo Phanxipăng rất nhiều lần và cung lần này, anh ấy sẽ dẫn mọi người “đi đến nơi về đến chốn”.

Anh ấy còn kể rất nhiều câu chuyện thú vị về các chuyến leo Phanxipăng của bản thân, giải đáp một số thắc mắc, lo sợ của mọi người, khiến ai nấy đều rất hào hứng với chuyến đi sắp tới”, Sơn kể.

Lần offline thứ hai, các thành viên đóng gần 1,7 triệu đồng/người cho trưởng đoàn, đồng thời, được phổ biến một số kinh nghiệm leo Phanxipăng, các đồ dùng thiết yếu cần chuẩn bị. Trưởng đoàn cũng dặn các thành viên phải rèn thể lực, tuy nhiên, không hề có buổi tập trung nào để kiểm tra thể lực riêng của từng thành viên.

Đúng ngày hẹn, cả đoàn di chuyển bằng ô tô đến Sa Pa (Lào Cai). Bất ngờ ở chỗ, anh trưởng đoàn từng hứa hẹn sẽ đưa mọi người “đi đến nơi về đến chốn” không nhập đoàn leo núi mà “giao phó” gần 20 thành viên đoàn cho một công ty du lịch.

Do bị đặt vào tình thế đã rồi nên các thành viên đành phải chấp nhận cuộc leo núi mà không có “kẻ cầm đầu”. Sơn cho biết, vì thiếu “leader” nên cả đoàn không có sự gắn kết, mạnh ai nấy đi, chả mấy chốc mà 20 người đã chia thành nhiều tốp nhỏ, người khỏe đi đầu, người yếu thì tụt xuống phía dưới, may mà mỗi tốp đều có “porter” (người được thuê để dẫn đường và cõng hành lý cho khách) nên không bị lạc.

Nhóm của Sơn gồm 4 người, lên đến điểm dừng chân 2.800 m lúc 5h chiều, các bạn khác sức khỏe yếu thì lên muộn hơn. Sơn kể: “Trước hành trình, anh trưởng đoàn bảo rằng, khi dừng chân ở 2.800 m, cả đoàn sẽ có một bữa cơm tối nóng sốt, đầy đủ thức ăn để có sức sáng sớm hôm sau chinh phục đỉnh 3.200 m.

Thế nhưng thực tế, bữa tối của chúng mình chỉ có đĩa thịt luộc, su su luộc, cơm canh đều nguội ngắt. Một ngày leo đã quá mệt mỏi và đói, song vì cơm canh như vậy nên hầu như mọi người cũng chẳng ăn uống được bao nhiêu”.

Rắc rối tiếp tục nảy sinh vào ngày hôm sau, khi cả đoàn đã cùng chinh phục được đỉnh Phanxipăng thì trên đoạn đường từ 3.000 m xuống 2.800 m, có một thành viên bị tụt huyết áp. Số lượng porter ít, lại mang vác rất nhiều đồ nên không thể giúp ích gì được, nên những người có sức khỏe nhất của đoàn phải luân phiên nhau cõng bạn kia.

Trong hành trình xuống núi còn lại, cả đoàn tiếp tục bị chia tốp. Theo kế hoạch, xe ô tô đợi mọi người ở Trạm Tôn và sẽ di chuyển trở về Hà Nội lúc 6h tối. Nhưng vì sức khỏe không đồng đều nên người xuống trước, người xuống sau, chừng 6h30 mới tập trung đủ tất cả các thành viên. Lúc đó, xe ô tô đã khởi hành. Vì sự cố này, các thành viên được “đền bù” bằng cách trưởng đoàn gửi lại tiền xe, rồi mọi người tự mua vé tàu hoặc đi ô tô khác về Hà Nội.

Đoàn của Sơn leo cung đường dễ nhất Trạm Tôn - Trạm Tôn, các đồ dùng cá nhân thành viên đều phải tự mua, chất lượng bữa ăn không ra gì nên so với mặt bằng chung, mức phí 1,7 triệu đồng/người cho hành trình 2 ngày này là đắt đỏ và vị trưởng đoàn lập cung chắc chắn cũng “cá kiếm” được ít nhiều.

Khi “phượt” trở thành món hàng ảnh 1

Những con đường miền núi rất khó đi, nếu đoàn “phượt” chỉ là “chắp vá”, không có tính kết nối thì sẽ rất dễ gặp nguy hiểm.

Đam mê hay hám lợi ?

Còn Phương Giang (22 tuổi, cựu sinh viên khoa Báo chí, Học viện Báo chí – Tuyên truyền) vốn có sở thích đi đó đây nên cũng tham gia vào một số diễn đàn, “group” của những người chuyên đi du lịch bụi. Giang bị làm phiền khi một người bạn trong nhóm cứ suốt ngày rủ Giang tham gia đoàn leo Phanxipăng, do anh ta tổ chức.

“Một người bình thường, chắc một năm leo Phan một lần, nhiều lắm thì cũng đôi, ba lần. Đằng này, anh ta cứ suốt ngày lên “group” kêu gọi thành viên, thành lập đoàn leo mới, đến nỗi một năm, anh ta leo những 13 lần. Mình nghĩ, đó là điều bất thường, việc leo núi này không phải là do đam mê mà do anh ta kiếm được tiền từ những chuyến đi ấy”, Giang nói.

Giang tâm sự thêm: “Leo Phanxipăng hiện được coi là một cung kinh điển, vì không quá khó đi và ai cũng muốn một lần được chinh phục đỉnh núi 3.200 m.

Thế nhưng, mình thấy nhiều người lập ra cung này với mục đích thu lợi nhuận là chính. Mình từng biết admin của một nhóm “phượt” siêu lớn, rất hay lập cung leo Phan, mỗi lần lập đoàn leo, admin đăng tin trên “group”, đủ 20 – 30 người tham gia thì chốt.

Tính ra, mỗi vụ như thế, nếu admin bán tour cho công ty du lịch nào đó thì cũng được trích phần trăm “hoa hồng”, còn nếu trực tiếp dẫn đoàn đi, biết cách bòn rút tiền từ các khoản mua sắm đồ dùng chung thì chí ít cũng dôi ra được 1 – 2 triệu đồng đút túi, coi như khoản tiền kiếm thêm trong dịp cuối tuần”.

Đội giá các khoản chi để bòn rút

Thông thường, mỗi nhóm “phượt” đều có một “leader” và một thủ quỹ để công khai, minh bạch tài chính. Nhưng với nhiều nhóm “phượt”, “leader” và thủ quỹ móc nối với nhau (hoặc là mối quen thân từ trước) cố tình bỏ qua việc công khai các khoản chi tiêu, hoặc lợi dụng sự dễ tính, “ngô nghê” của các “newbie” để khai khống giá các mặt hàng, chi phí dọc đường, hòng thủ lợi.

Nguyễn Huyền (năm thứ ba, trường ĐH Thương mại) chia sẻ: “Lần đầu mình đi “phượt” là cung Y Tý (Lào Cai), trong 3 ngày. Trước khi đi, “leader” và thủ quỹ liệt kê các khoản dự trù chi tiêu và ước tính khoảng 1,5 triệu đồng/người.

Mới đến ngày thứ hai, thủ quỹ đã đưa ra tờ giấy chằng chịt các khoản chi tiêu và nói rằng, số tiền quỹ đã gần hết, không thể cầm cự đến hết ngày thứ ba, đề nghị mỗi người đóng thêm 200.000 đồng.

Một số anh chị trong đoàn đã từng đi “phượt” nhiều lần, nhìn vào tờ giấy ghi chép và có thắc mắc về tiền ăn, tiền nhà nghỉ đắt hơn mức bình thường nhưng vì không có bằng chứng việc thủ quỹ đã ghi “đội giá” tiền nên đành “ngậm đắng nuốt cay”.

Điều mình nhận thấy rõ nhất là vì vụ lùm xùm tiền bạc đó nên chuyến đi trở nên căng thẳng, nhiều anh chị tỏ rõ sự bức tức vì cho rằng, các khoản chi tiêu kia có gian lận”.

Theo Hồng Giang

Theo Sinh Viên Việt Nam
MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.