9X 'phượt văn hóa' bằng Facebook

Các bạn trẻ trong hành trình tìm hiểu điêu khắc dân gian cùng nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế - Ảnh: tư lieu
Các bạn trẻ trong hành trình tìm hiểu điêu khắc dân gian cùng nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế - Ảnh: tư lieu
“Lâu nay người ta cứ nói bọn trẻ chỉ ưa những thứ văn hóa bên ngoài. Nhận thức đó là không đúng”, GS Ngô Đức Thịnh cho biết khi ông tham gia buổi nói chuyện với hàng trăm bạn trẻ 9X trong dự án Tôi xê dịch.

“Lâu nay người ta cứ nói bọn trẻ chỉ ưa những thứ văn hóa bên ngoài. Nhận thức đó là không đúng”, GS Ngô Đức Thịnh cho biết khi ông tham gia buổi nói chuyện với hàng trăm bạn trẻ 9X trong dự án Tôi xê dịch.

“Sớm mai thu trong veo và mát lành, những vị khách trẻ tuổi và nhất là trẻ lòng của Tôi xê dịch cùng lên đường cho một ngày Gió: Điêu khắc dân gian - Những nét rồng tiên”, lời mở đầu của bài thu hoạch sau chuyến đi tới đình làng Thổ Hà (Bắc Giang) và chùa Phật Tích (Bắc Ninh) - hai di sản mang dấu tích của thời gian và những giá trị về kiến trúc, mỹ thuật cổ - được đăng trên trang Facebook Tôi xê dịch khiến cho người viết tò mò: Họ là ai?

Em hy vọng sẽ làm được công việc là “vỡ đất”, để sau đó sẽ có thêm nhiều hơn các nhóm thực hiện các dự án như Tôi xê dịch, để truyền cảm hứng, dẫn dắt cộng đồng, các bạn trẻ. Chỉ như vậy việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa mới đi được đường dài

Sinh viên Nguyễn Thị Thu Hà

Sau một cú click chuột, người viết đã biết được câu trả lời. Những bạn trẻ 9X và người “thủ lĩnh” - cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Thị Thu Hà (sinh viên Trường ĐH Ngoại thương) - đã xây dựng dự án này với những tour du lịch trải nghiệm văn hóa dân gian dành cho những người trẻ như họ.

“Không phải chúng em không quan tâm về văn hóa, lịch sử đất nước mình. Mà khi chúng em muốn tìm hiểu cũng chẳng biết hỏi ai”, Hà nói. Và Tôi xê dịch được tạo dựng như một cầu nối đưa các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, nghệ nhân, những kho tư liệu sống, đến với những người trẻ.

Hai chuỗi hoạt động chính là Wind Days - tour du lịch khám phá và Việc làng - diễn đàn mở xoay quanh các vấn xã hội đang được quan tâm. “Chương trình đầu tiên là buổi nói chuyện về mỹ thuật diễn ra tại một quán trà đá chỉ có dăm bảy bạn đến”, Hà nhớ lại. Dù vậy Hà và các bạn vẫn kiên trì. Sau 2 năm, hàng ngàn bạn trẻ đã tham gia các chương trình của Tôi xê dịch.

Họ đã làm điều đến ngay các chuyên gia tổ chức sự kiện văn hóa cũng phải nể: Những chuyến đi trải nghiệm làm tranh dân gian ở làng tranh Đông Hồ với nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, tìm hiểu nghệ thuật ca trù cùng TS Nguyễn Đức Mậu, nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Văn Khuê, đào nương Nguyễn Thu Thảo, nghệ thuật chèo cùng “vua chèo” Trần Đình Ngôn, NSƯT Thanh Ngoan, đạo Mẫu và hầu đồng cùng GS Ngô Đức Thịnh, nghệ thuật điêu khắc dân gian với nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế...

“Chúng em đã tranh cãi gay gắt có phải bài ca trù Hồng hồng tuyết tuyết nói về mối tình loạn luân giữa một ông già và một đứa trẻ, chỉ sau khi được trò chuyện với các chuyên gia, chúng em mới biết được ý nghĩa sâu xa sau đó. Chúng em còn được nghe chèo ở sân đình, được hát đế, được biết các cụ ngày xưa nghe hát chèo như thế nào”, cứ thế Hà nói về những điều mà dự án đã lôi cuốn cô và nhiều người trẻ khác. Đến giờ, những người tham gia không chỉ có những bạn trẻ mà có cả những người lớn tuổi.

Hàng ngàn bạn trẻ đã dùng “công cụ” của xã hội hiện đại là Facebook để kết nối, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử. Tôi xê dịch không phải là dự án duy nhất. Trang Facebook Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương đã thu hút tới hàng nghìn lượt theo dõi chỉ sau vài tháng dự án ra mắt.

Nguyễn Thị Ngọc Ánh, sinh viên Trường ĐH Hà Nội, trưởng nhóm National Chèo Ographics, cho biết nhóm tự tổ chức đêm nhạc gây quỹ lấy kinh phí thực hiện, tự quảng bá thu hút các bạn trẻ tham gia các khóa học hát chèo, trải nghiệm ở làng chèo… “Điều duy nhất chúng em muốn là truyền cảm hứng về nghệ thuật truyền thống tới những người cùng thế hệ với mình”, Ánh nói.

“Soi” lại kiểu bảo tồn nhà nước

Không ít những dự án bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử - mà một trong những mục đích là hướng đến cộng đồng, giới trẻ đã được nhà nước rót tiền.

“Cách thức nhà nước làm đâu có hiệu quả”, GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng VN, nói. Điều đó thể hiện rõ ở việc người dân luôn “đói” kiến thức về văn hóa, lịch sử.

“Khi đất nước giao thoa văn hóa, chúng em lại càng thấy hoang mang. Bản thân em thấy mình có những khoảng trống”, cô sinh viên 9X Nguyễn Thị Thu Hà nói.

Không phải là hàng tỉ, hàng chục tỉ, hay hàng trăm tỉ đồng như nhiều dự án bảo tồn văn hóa khác; chỉ là vài triệu đồng, những nhóm nhỏ như Tôi xê dịch đã giúp các bạn trẻ được trải nghiệm văn hóa.

“Khám phá chính bản thân qua việc khám phá văn hóa dân tộc mình là nhu cầu của các em. Tự trải nghiệm sẽ giúp văn hóa như thế “thấm” hơn là việc phải tham gia một cách thụ động. Tuy nhiên, hoạt động của các em cần được hỗ trợ từ cộng đồng, giới nghiên cứu…”, GS Thịnh nói.

Còn Hà, vị “thủ lĩnh” của dự án chỉ mong: “Em hy vọng sẽ làm được công việc là “vỡ đất”, để sau đó sẽ có thêm nhiều hơn các nhóm thực hiện các dự án như Tôi xê dịch, để truyền cảm hứng, dẫn dắt cộng đồng, các bạn trẻ. Chỉ như vậy việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa mới đi được đường dài”.

Theo Minh Ngọc

Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.