Khi nông dân làm lá chắn

Khi nông dân làm lá chắn
TP - Tại buổi họp báo cung ứng đường và điều hành nhập khẩu đường do Bộ Công Thương tổ chức cuối tuần qua, không chỉ báo chí mà cả cơ quan chức năng cũng sửng sốt khi Chủ tịch Hiệp hội Mía Đường Việt Nam Nguyễn Thành Long đề xuất được bảo hộ ngành đường bằng cách giữ giá bán đường trong nước ở mức 18.000 đồng/kg trở lên, để khuyến khích người nông dân không bỏ trồng mía.

> Đường ế, tại ai?

Không chỉ dừng ở đó, Hiệp hội còn đề nghị Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp được cấp hạn ngạch nhập khẩu (quota) đường tạm dừng nhập khẩu và đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ lãi suất để tạm trữ 200.000 tấn đường cung ứng cho cuối năm 2011. Lý do đưa ra là lượng đường tồn kho của các nhà máy trong nước đang ở mức khá lớn và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do “thủ phạm” của tình trạng này là đường ngoại đang ép đường nội.

Trao đổi với phóng viên, ông Long cho rằng, nếu mỗi người tiêu dùng chịu thiệt một chút, mua đắt hơn khoảng 4.000 đồng/kg (thay vì bán với giá 15.000 đồng thì bán với giá 19.000 đồng/kg) như hiện nay, thì có thể thúc đẩy ngành đường phát triển.

Trước đề xuất ngược đời của đại diện Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đưa ra những dẫn chứng cho thấy không hề có chuyện người nông dân bị ảnh hưởng của việc đường nhập khẩu.

Thực tế cho thấy, lượng đường bán ra của các nhà máy so với cùng kỳ từ đầu năm đến nay tăng rất mạnh, các nhà máy và nông dân đều có lãi. Khó khăn chủ yếu của các nhà máy đường hiện nay là do giá đường thế giới đang giảm, các nhà máy phải vay vốn với lãi suất cao, không chịu nổi sức ép tồn kho. Giá bán đường trong nước cao hơn đường nhập lậu khá nhiều.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là từ trước đến nay các nhà máy đường không hề chia sẻ lợi nhuận với dân. Điển hình như năm 2010 khi giá đường lên cơn “sốt” tới 27.000 đồng/kg, các nhà máy đường vẫn cố tình giữ giá.

Câu chuyện giá đường tăng cao vô lý nóng đến mức Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM phải gọi điện xin Bộ Công Thương cấp tốc tìm nguồn cung cấp chuyển vào 10.000 tấn đường do người dân phải xếp hàng dài mà không mua được.

Nông dân trồng mía luôn bị doanh nghiệp mía đường ép giá, thì chẳng thấy ai đứng ra bảo vệ, thế mà nay, vì lợi nhuận của doanh nghiệp mía đường, Hiệp hội Mía đường sẵn sàng lấy nông dân làm “lá chắn”!?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG