80 năm ngày mất Vũ Trọng Phụng:

Khi nhà văn 'nghèo kiết xác' mất đúng ngày Doanh nhân

Cảnh buôn bán Hà Nội thời Pháp thuộc ảnh: TL
Cảnh buôn bán Hà Nội thời Pháp thuộc ảnh: TL
TP - Thiên tài văn chương Việt Nam Vũ Trọng Phụng mất ngày 13/10/1939 khi tuổi đời mới tròn 27. Tất nhiên việc này chẳng mấy liên quan gì đến Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 được ra đời sau đó tròn 65 năm (năm 2004). Trừ một điều, đó là ông nhà văn nghèo bậc nhất Việt Nam này vốn xa lạ với giới giàu có, nhưng lại nhà giải phẫu tâm lý hàng đầu về sức mạnh đồng tiền, về cuộc sống của giới tư sản, thượng lưu... 

Vũ Trọng Phụng (1912-1939) là một nhà văn “sống trong sự bần bạc chết trong sự bần bạc”, như lời điếu văn thống thiết của thi sĩ Lưu Trọng Lư. Suốt đời ông phải nằm bò ra (theo nghĩa đen) để viết. Viết tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, phóng sự, bình luận, dịch thuật, tiểu phẩm… cho từng số nhật trình. Viết xong, báo chưa ráo mực đã hết nhuận bút. Lại bò ra viết. Để nuôi bà nội, nuôi mẹ, sau này là vợ, con. Để chết vì bệnh lao, chủ yếu do lao lực khi còn quá trẻ. Lúc gần chết, chỉ biết than một câu với bạn bè, rằng giá như mỗi ngày tôi có miếng thịt như thế này để ăn thì đâu đến nông nỗi!

Cay nghiệt, nhạo báng giới thượng lưu, nhà giàu qua từng câu từng chữ, những tưởng là do hoàn cảnh nhà văn quá nghèo đói, bần hàn nên mới sinh ra thái độ ấy. Nhưng không. Luôn không có đồng bạc dắt lưng, nhưng Vũ Trọng Phụng lại sẵn sàng từ chối những cơ hội kiếm được nhiều tiền.

Nhà văn cùng thời Vũ Bằng kể, có lần Vũ Trọng Phụng được anh em doanh nhân Hồng Khê là chủ nhà xuất bản Lê Cường, cũng là chủ của “Hà Nội báo” - ngỏ ý mời về giữ chức cố vấn, trả lương cao. Vũ Trọng Phụng liền từ tốn đáp lại: “Viết sách viết báo không phải là đi làm công. Người có báo nhờ người viết báo để cho họ bán được lấy tiền, chớ không phải sống nhờ chủ báo. Vậy tôi viết báo giúp ông bà chớ không phải tôi đi làm với ông bà. Mà đã giúp ông bà làm báo thì tôi phải viết. Tôi không muốn giữ một chức cố vấn “tếu” để ông bà chi cho một số tiền hàng tháng, mà chính tôi không làm gì...”. Ở đây Vũ Trọng Phụng không phải ghét tiền, mà ghét thái độ và cách kiếm tiền của kẻ có tiền. Anh em nhà “doanh nhân” này vốn là những “ông vua thuốc lậu”, chuyên ngoài bán thuốc “tim la” cao đơn hoàn tán lậu. Còn tờ báo của họ thì chuyên câu khách bằng những chuyện giật gân, khiêu dâm đánh vào thị hiếu của đám thanh niên.

Đúng như người bạn thân là nhà văn Lan Khai nhận ra, rằng sự “cay nghiệt” của Vũ Trọng Phụng tương phản với “thái độ bề ngoài của một người rất yêu đời, rất muốn tìm những cái tốt đẹp tử tế của cuộc đời, và đã ngây thơ đợi những cái tốt đẹp và tử tế ấy cho đến chết”.

Năm 1931, khi mới 19 tuổi, trong vở kịch đầu tay “Không một tiếng vang”, Vũ Trọng Phụng đã nhận ra: “Bây giờ ấy à? Chỉ có đồng tiền là Giời là Phật, chỉ có đồng tiền là đáng kính thờ vì nó sai khiến được mọi người, ai ai cũng phải kính thờ nó mới sống được. Lương tâm à? Còn thua đồng tiền. Luật pháp à? Chưa bằng đồng tiền. Giời Phật à? Còn kém đồng tiền. Chỉ có đồng tiền là ai cũng phải kính thờ, chỉ nhờ cách xoay tiền là đáng cho người ta tụng niệm…”. Hay như trong “Số đỏ” “Thời buổi tối tân này, Phật mà không biết tiến hóa theo văn minh thì cũng chết nhăn răng ra”.

Giai đoạn 1929-1933 kinh tế thế giới khủng hoảng trầm trọng. Tại Việt Nam đối lập với tầng lớp cần lao nghèo kiệt quệ là giới tư sản thừa cơ làm giàu nhờ đầu cơ, tích trữ bán giá cắt cổ, cho vay nặng lãi, bóc lột lao động, rồi đua nhau ăn chơi xa xỉ, trác táng. Thời gian ngắn giữ chân thư ký cho nhà Goda, một hãng buôn lớn ở Hà Nội có lẽ là cơ hội gần nhất để Vũ Trọng Phụng tiếp cận với giới doanh gia. Trong tiểu thuyết “Giông tố” (1936), qua cái nhìn của nhân vật Nghị Hách, nhà văn 24 tuổi đã “điểm huyệt”: “Bọn người mà bề ngoài đủ tỏ ra vẻ doanh nghiệp, vẻ sắc sảo…, trong bọn ấy có anh coi đời như canh bạc lớn làm từ thiện là để quảng cáo cho mình…, từng chủ tọa những cuộc ban giải văn chương mà chưa hề đọc hết một cuốn tiểu thuyết. Lại có anh vừa cổ động cho hội Phật giáo vừa xây hàng dẫy nhà săm…”.

Điển hình là Nghị Hách - Tạ Đình Hách, một “phú gia địch quốc” xuất thân từ thợ nề nhờ những mưu mô tàn độc trở thành là nhà đại tư bản, đại công nghiệp, có mỏ than, nhiều đồn điền, bất động sản, sau mua được cái ghế Bắc kỳ nghị viện dân biểu. Tàn độc, hoang dâm bạo chúa, nhưng y vẫn được ca tụng là một nhà triệu phú bình dân, nhiều công đức với dân nghèo, với quốc gia, là “một bậc doanh nghiệp hiển hách ít có mà lòng nhân từ bác ái thì lại đáng treo gương cho dân bảo hộ soi chung”. “Tôi thương xót đồng bào tôi quá. Đẻ ra là bình dân, tôi xin giữ lòng trung thành với bình dân cho đến chết”, lời Nghị Hách tại lễ nhận khao sau khi được nhận Huy chương của chính phủ Nam triều.

Khi nhà văn 'nghèo kiết xác' mất đúng ngày Doanh nhân ảnh 1  Chân dung nhà văn Vũ Trọng Phụng qua nét vẽ của họa sĩ Sỹ Ngọc 

Liên tưởng tới nhân vật Xuân Tóc đỏ trong tiểu thuyết Số đỏ (1936). Từ thằng bé mồ côi trèo me trèo sấu thuê, thổi loa quảng cáo thuốc lậu, thuốc ho bà lang trọc, chạy cờ hiệu rạp hát, nhặt bóng sân quần (vợt), trong nháy mắt Xuân Tóc đỏ tót lên thành nhà quán quân quần vợt, “đốc tờ Xuân”, “nhà yêu nước cứu quốc”, được mời làm “cố vấn” cho một tờ báo, vào Hội khai trí tiến đức, nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh, trở thành “vĩ nhân của xã hội” ngang nhiên lên mặt dạy dỗ đám “quần chúng nông nổi”. Vũ mô tả: “Xuân Tóc đỏ đã chinh phục quần chúng như một nhà chính trị đại tài của Tây phương. Mấy nghìn người bị gọi là mi, không những đã chẳng tức giận chút nào, lại còn vô cùng cảm phục, cho rằng người ta “phải thế nào” người ta mới dám ngôn luận tự do như thế!”.

Theo GS Nguyễn Đăng Mạnh: “Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê hệt như những cuốn phim thời sự. Đương thời ít có cuốn tiểu thuyết nào lại gần với không khí chính trị của thời đại đến như thế”. 

Tuy nhiên, một điều thú vị đặc biệt ở Vũ Trọng Phụng, đó là ông là một trong những nhà văn từ rất sớm đã biết chú trọng đến khâu “tiếp thị” - một trong những kỹ năng của giới doanh nhân. Như lời kể của người bạn thân nhà văn Nguyễn Triệu Luật: “Có một lần Phụng bảo tôi: Thế kỷ này là thế kỷ quảng cáo, ai vô tâm việc ấy là bị loại, dẫu rằng có tài, có học. Công việc của tôi bây giờ là quảng cáo cho cái tên tôi để sau này nhờ cái tên ấy làm một việc gì có ích” (Tao Đàn số 1 bộ mới, tháng 12/1939).

Dẫu chỉ là tiếp thị văn chương một cách đường đường chính chính để làm những điều tốt đẹp, nhưng văn hào họ Vũ đã tiên phong trong trong việc tôn trọng và nắm bắt quy luật của thị trường chữ nghĩa.      

Khi nhà văn 'nghèo kiết xác' mất đúng ngày Doanh nhân ảnh 2 Tác giả "Cạm bẫy người" qua nét vẽ của Côn Sinh  ảnh: TL

Những “con buôn chính trị” Xuân Tóc đỏ, Nghị Hách mang tính điển hình thời đại. Dùng kim tiền mua bán chức tước, tạo ra những thứ địa vị “ảo” nhưng cũng khiến nhiều người khiếp vía. Bóng dáng của những “doanh nhân” Vũ nhôm, Út trọc thời nay. 

Nguyễn Tuân nhận xét: “Sự trâng tráo của xã hội lấy của đè người ấy lại còn lên tới mức mặt dày mày dạn vô liêm sỉ cao độ mà chỉ có ngòi bút Vũ Trọng Phụng mới phân tích nổi và tổng hợp được hết”.

MỚI - NÓNG