TRƯỢT TỨC TƯỞI
Anh em hoàng tử xiếc Giang Quốc Cơ - Giang Quốc Nghiệp hài hước lên tiếng rằng bỗng một ngày đẹp trời được xuất hiện khắp các mặt báo, mạng xã hội khi đó mới hay mình trượt viên chức. Trong đợt xét đặc cách viên chức của TPHCM vừa qua, có 40 trường hợp “trượt vỏ chuối” do thiếu bằng cấp chuyên môn, hoặc chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn. Ngoài anh em Cơ-Nghiệp, giới nghệ sĩ bức xúc vì có nhiều tên tuổi khác như NSƯT Trọng Phúc, NSƯT Tú Sương.
Anh xem Cơ - Nghiệp tham gia Đoàn xiếc TPHCM gần 20 năm nay, sau này khi đoàn xiếc sáp nhập với đoàn rối trở thành Đoàn Nghệ thuật Phương Nam, hai anh em tiếp tục gắn bó. Sinh ra trong gia đình truyền thống xiếc và võ thuật, từ nhỏ Cơ - Nghiệp được bố cho tiếp xúc với xiếc, rồi sau đó vào đoàn xiếc khổ luyện. “Ngần ấy năm anh em tôi cứ tập luyện không ngừng để chinh phục những sự gồ ghề, gian nan của nghiệp xiếc và thỏa mãn đam mê”, hai nghệ sĩ chia sẻ.
Người được mệnh danh là “viên ngọc bích của sân khấu cải lương tuồng cổ Việt Nam”, NSƯT Tú Sương cũng nằm trong diện không đủ tiêu chuẩn xét viên chức. Chị là con nhà nòi chính hiệu: Con gái của đôi vợ chồng nghệ sĩ tuồng cổ Trường Sơn-Thanh Loan, là hậu duệ 5 đời của nghệ nhân hát bội Vĩnh Xuân, nhiều đời cha ông khác theo nghệ thuật truyền thống, là nghệ sĩ gạo cội nổi tiếng. Nghệ sĩ sinh năm 1977 đang đầu quân cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, được khán giả yêu mến, giới nghệ sĩ đánh giá cao và có nhiều đóng góp cho cải lương. Nhưng soi theo quy chế viên chức, chị vẫn bị gạt ra.
“Tôi nghĩ nhiều gia đình có điều kiện lo cho con học hành đến nơi đến chốn, còn khó khăn như gia đình tôi làm sao cha mẹ có thể cho con học hành đầy đủ. Cha mẹ tôi ngày xưa dồn hết sức lo cho đoàn, lo cho nghệ sĩ và cải lương. Nhiều nghệ sĩ cả đời cống hiến tới chết cũng chưa được xét danh hiệu, nhiều bậc tiền bối yêu nghề hết tâm lực cũng không được ghi nhận. Nhà nước đòi hỏi bằng cấp đầy đủ có lí, nhưng thử hỏi Nhà nước có lo hết cho nghệ sĩ cống hiến hết mình vì nghệ thuật không?”, Tú Sương nói.
Giới nghệ sĩ còn được phen “hú vía” vì văn bản của Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM gửi cho các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở GD&ĐT các tỉnh thành và các cơ sở đào tạo về việc gia hạn đăng ký các lớp chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng I, II, III, IV. Một số hội văn học nghệ thuật phía Nam cũng nhận được văn bản này khiến nhiều họa sĩ ngỡ ngàng, thậm chí phẫn nộ vì làm sao có thể phân cấp họa sĩ theo hạng. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, phân tích, đây là sự nhầm lẫn. “Việc phân hạng này chỉ áp dụng với trường đào tạo nghệ thuật, đánh giá giảng viên theo bậc lương chứ không thể áp dụng cho họa sĩ. Họ phần lớn là họa sĩ tự do, không làm cho Nhà nước nên không thể phân loại”, ông Đoàn nói.
KHÔNG HÀNH CHÍNH HÓA NGHỆ THUẬT
Một giảng viên Trường Cán bộ Quản lý Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) kể, từng đứng lớp giảng cho một số nghệ sĩ hoàn thiện hồ sơ nâng ngạch lương. Nghệ sĩ ngồi hiền khô cả ngày không nói năng gì, khi được mời phát biểu xua tay xin thôi và nói cảm giác như bị “tra tấn” vì phải “tiêu hóa” những kiến thức không phục vụ cho chuyên môn của họ.
“Chúng tôi nói chuyện với nhau đều lắc đầu, không hiểu nghệ sĩ cần học để làm gì”, nghệ sĩ T.A-một gương mặt quen thuộc, tài năng được ghi nhận ở nhiều giải thưởng sân khấu và điện ảnh nói. Những nghệ sĩ này vốn được đào tạo trong các đợt tuyển diễn viên nhà hát, nay muốn nâng ngạch lương phải hoàn thành một loạt chứng chỉ, bằng cấp. Những giấy tờ này thực chất không có tác dụng giúp tác phẩm tốt lên, giúp họ trở thành nghệ sĩ lớn.
NSƯT Tú Sương thẳng thắn: Nhiều quy định về bằng cấp, chứng chỉ vô lí và không chính đáng. “Dù có là nhân viên nhà nước hay không cũng không làm thay đổi niềm say mê, sự cống hiến của chúng tôi dành cho nghệ thuật, chỉ có điều buồn vì thấy khá phũ phàng. Có những người sẵn sàng bỏ tiền ra để có bằng cấp, nhưng tôi không muốn làm điều đó. Tôi chỉ mong được làm nghề, trả ơn tổ nghiệp, tri ân khán giả, tận tâm dạy các em để mong có truyền nhân và đóng góp cho cải lương Việt Nam”, Tú Sương nói. Anh em Quốc Cơ-Quốc Nghiệp chung nỗi niềm, nói rằng dù có ra sao họ vẫn gắn bó với cái nôi nuôi dưỡng nghề nghiệp và đam mê xiếc hơn chục năm qua.
Một đạo diễn bày tỏ quan điểm trung dung hơn, cho rằng nghệ sĩ ở trong hệ thống ăn lương Nhà nước cần tuân thủ quy định, dù đúng là đồng lương chưa phản ánh hết sự cống hiến và tài năng của họ. “Nếu họ không chấp nhận những quy định về bằng cấp, họ có quyền từ chối”, đạo diễn này nói.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, không nên áp dụng cứng nhắc quy định viên chức đối với nghệ sĩ. “Nhiều nghệ sĩ không qua đào tạo bài bản theo hệ thống trung cấp hay đại học, nhưng họ có tài năng bẩm sinh còn ăn đứt người được đào tạo đầy đủ nhưng tài năng vừa vừa. Trong mọi chính sách, quy định cần chi tiết và xê dịch nhất định đối với ngành nghề đặc thù, bằng không người thực sự có tài bị loại bỏ chỉ vì đòi hỏi bằng cấp, chứng chỉ”, ông nói.