Khi nào thì cần truyền dịch vào cơ thể?

Bệnh nhân trước khi truyền đường cần xét nghiệm máu và được bác sĩ theo sõi sát. Ảnh: N.Phương
Bệnh nhân trước khi truyền đường cần xét nghiệm máu và được bác sĩ theo sõi sát. Ảnh: N.Phương
Có khoảng 20 loại dịch truyền, người bệnh phải xét nghiệm để biết cần truyền loại dịch nào và liều lượng bao nhiêu theo nhu cầu cơ thể.

Dịch truyền là loại dung dịch hòa tan chứa nhiều chất khác nhau, có thể tiêm châm hoặc truyền trực tiếp vào tĩnh mạch người bệnh. Phần lớn dung môi sử dụng là nước cất, ngoài ra có thể dùng một số loại dung môi khác để hòa tan dược chất.

Hiện có khoảng trên 20 loại dịch truyền được chia thành 3 nhóm cơ bản. Nhóm cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể gồm glucose các loại 5%, 10%, 20%, 30% và các dung dịch chứa chất đạm, chất béo, vitamin. Nhóm cung cấp nước và các chất điện giải, dùng trong trường hợp mất nước, mất máu (dung dịch lactate ringer, natri clorua 0,9%, bicarbonate natri 1,4%...). Nhóm đặc biệt huyết tương tươi, dung dịch chứa albumin, dung dịch dextran, haes-steril, gelofusin hay dung dịch cao phân tử... dùng trong các trường hợp cần bù nhanh chất albumin hoặc lượng dịch tuần hoàn trong cơ thể.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, để quyết định bệnh nhân có cần truyền dịch hay không và truyền liều lượng bao nhiêu, cần xét nghiệm máu và khám tim, phổi, đo mạch... Nếu một trong các chỉ số này thấp hơn chỉ số bình thường cho phép thì bác sĩ mới chỉ định truyền dịch phù hợp để bù đắp. Trong quá trình truyền dịch, bác sĩ phải theo dõi sát bệnh nhân để giám sát diễn biến truyền và mức độ tiến triển bệnh.

Nếu dịch truyền nhiều hơn tình trạng bệnh cần thì sẽ gây phù phổi, suy tim cho bệnh nhân. Bổ sung không đúng các chất cần truyền cũng gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Ví dụ người bệnh bị mất điện giải mà truyền đường sẽ làm bệnh nặng hơn; hoặc truyền đường trong khi cơ thể thiếu natri sẽ làm máu loãng gây phù não, thừa natri mà truyền muối quá nhiều sẽ làm teo não... Trẻ nhỏ sốt do viêm phổi hay mệt vì bệnh tim là hai trường hợp phải hạn chế truyền dịch. Nếu lạm dụng truyền dịch sẽ khiến tim quá tải không chịu được dịch truyền gây ra các tai biến. Người già, thận yếu, truyền dịch không đúng còn có thể gây phù não, tai biến trên não.

"Truyền dịch là đưa vào cơ thể một lượng nước, các chất điện giải, chất dinh dưỡng nên có thể gây rối loạn về chuyển hóa, dẫn đến hiện tượng phù ở tim, thận", phó giáo sư Dũng cho biết. Kỹ thuật truyền dịch khá đơn giản nhưng nếu thực hiện không đúng thì cũng dễ xảy ra tai biến sốc phản vệ do tốc độ truyền quá nhanh, cơ địa bệnh nhân dị ứng với thành phần trong dịch truyền. Thậm chí, truyền dịch có thể làm lây nhiễm bệnh mạn tính như viêm gan, HIV.

Khi nào nên truyền dịch vào cơ thể

Theo phó giáo sư Dũng, chỉ nên truyền dịch khi sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, hoặc bệnh nhân bị tiêu chảy, tụt huyết áp... không thể ăn uống được. Trước khi truyền dịch bệnh nhân cần phải qua quá trình xét nghiệm cần thiết. Những bệnh nhẹ thì không nên truyền dịch.

Nếu cơ thể bị mất nước mà vẫn ăn uống được thì truyền dịch không tốt so với bù nước qua đường uống. Mọi người có thể bù nước bằng cách thông thường, chẳng hạn truyền một chai glucose 5% tương đương với uống gần một thìa cà phê đường. Truyền một chai dung dịch muối 9% thực chất chỉ như uống một bát canh nhạt.

Một số người khỏe mạnh lại tự ý truyền dịch hoa quả để bồi bổ sức khỏe càng phải thận trọng. Nước hoa quả là dung dịch chứa các vitamin tổng hợp có thể cải thiện sức đề kháng, giúp ăn ngon. Tuy nhiên dịch truyền này chỉ dành cho người yếu sức, mất cân bằng hoặc thiếu vitamin trầm trọng, ăn uống kém. Người khỏe truyền dịch hoa quả có thể dẫn đến lười ăn vì dung mao ruột thoái hóa; thậm chí phù tim, thận vì đột ngột đưa vào cơ thể lượng dinh dưỡng và lượng nước quá lớn.

Lưu ý khi truyền dịch

- Bệnh nhân không tự ý đến cơ sở y tế, quầy dược hoặc mời y bác sĩ về nhà truyền dịch khi chưa được khám, xét nghiệm và kết luận từ bác sĩ.

- Trong quá trình truyền nên cho dịch chảy chậm, bác sĩ phải thường xuyên theo dõi sát bệnh nhân.

- Khi cơ thể gầy yếu, chán ăn, cần xem lại chế độ ăn, nghỉ, làm việc, tập luyện cho thích hợp. Trong trường hợp còn ăn uống được, thay vì truyền dịch thì nên bổ sung bằng các thực phẩm thịt, cá, trứng, sữa... Cách này tốt và an toàn hơn truyền dịch.

- Tại các cơ sở y tế phải có thuốc cấp cứu chống choáng, sốc, để nếu không may tai biến xảy ra có thể cứu chữa bệnh nhân kịp thời.

- Khi đang truyền dịch, cơ thể có biểu hiện bất thường như rét run, khó thở, phù chỗ tiêm... phải báo ngay nhân viên y tế để kịp thời xử trí, tránh những hậu quả nguy hiểm hơn.

- Truyền dịch phải được tiến hành ở những cơ sở y tế có đủ điều kiện và khả năng xử trí tai biến trong khi truyền, hạn chế thực hiện tại nhà, trên đường, trên phương tiện giao thông.

- Hiện phòng khám chỉ được thực hiện khám chữa bệnh theo các danh mục kỹ thuật đã được Sở Y tế cấp phép. Việc phòng khám truyền dịch cho bệnh nhân, nếu không trong phạm vi được cấp phép, là vi phạm.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.