Tuyến Cát Linh - Hà Ðông có về đích trước Tết?
Là một trong những dự án được khởi công đầu tiên (10/2011), theo kế hoạch sau 48 tháng thi công dự án metro Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành trong tháng 6/2015. Tuy nhiên đến nay, đã 6 lần lùi tiến độ và chậm 3 năm 6 tháng, nhưng dự án metro Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể hoàn thành.
Theo tiến độ mới nhất vừa được Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT (chủ đầu tư) đưa ra, hiện dự án đang trong giai đoạn vận hành chạy kỹ thuật các đoàn tàu. Thời gian chạy kỹ thuật sẽ diễn ra từ 3 đến 6 tháng (bắt đầu từ ngày 20/9/2018 - PV). “Trong thời gian này, nếu việc vận hành thử nghiệm các đoàn tàu đảm bảo đủ điều kiện, dự án sẽ được đưa vào vận hành thương mại trước Tết âm lịch Kỷ Hợi 2019”, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT nói.
Thông tin về kết quả sau hơn 3 tháng vận hành thử nghiệm, chiều 11/12, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT cho rằng, các thông số kỹ thuật vận hành thử nghiệm các đoàn tàu thời gian qua vẫn đảm bảo được kế hoạch đề ra. Thực tế việc vận hành không tải cũng như có tải (có người ngồi) trên các đoàn tàu dài từ 4 đến 6 toa với vận tốc thiết kế tối đa lên 80km/h vẫn đảm bảo an toàn. Về kế hoạch vận hành tàu Cát Linh - Hà Đông trước Tết Kỷ Hợi năm nay, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt thông tin, cả Ban và Tổng thầu đang cố gắng để đạt được mục tiêu theo kế hoạch.
Cùng với dự án metro Cát Linh- Hà Đông, trong quy hoạch chung và quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 nêu rõ, thành phố Hà Nội thực hiện thêm 7 dự án metro khác, trong đó có các dự án như: Ngọc Hồi - Yên Viên (tuyến số 1), Nội Bài - Bờ Hồ - Thượng Đình (tuyến số 2), Nhổn- ga Hà Nội (tuyến Metro số 3), Mê Linh - Hoàng Mai (tuyến số 4)… Với tuyến Metro số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội, đây là tuyến được thành phố Hà Nội khởi công sớm nhất (tháng 10/2010) và có thời gian hoàn thành năm 2014, tuy nhiên đến nay mốc thời gian trên đã qua 4 năm nhưng công trình vẫn đang ngổn ngang.
Thông tin về tiến độ dự án, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết, hiện công trình mới thi công được hơn 50% khối lượng công việc. Cụ thể, gói thầu thi công được nhiều nhất là gói CP1 (xây đoạn tuyến trên cao) hơn 80%; gói CP5 (các công trình kiến trúc đề-pô): khoảng 50%… Khẳng định về thời gian hoàn thành dự án tại thời điểm này, ông Nguyễn Cao Minh, trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, đơn vị đang cố gắng để vận hành đoạn đi nổi từ Nhổn về Công viên Thủ Lệ vào năm 2020, với đoạn đi ngầm đến ga Hà Nội sẽ hoàn thành vào năm 2022.
Tại dự án metro Nội Bài - Bờ Hồ - Thượng Đình, đến nay sau gần 10 năm được Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội lập phương án triển khai, tuy nhiên do thiết kế nhà ga C9 cạnh hồ Hoàn Kiếm đang có nhiều ý kiến trái chiều về quy hoạch nên đến nay dự án vẫn chưa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt triển khai. Với các dự án còn lại theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn nằm trên giấy.
Liên tục đội vốn, giảm hiệu quả đầu tư
Cùng với chậm tiến độ nhiều năm, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, tất cả các dự án metro Hà Nội đã triển khai đều bị đội giá mức kỷ lục. Theo Quyết định đầu tư ban đầu của Bộ GTVT, dự án metro Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư là 552 triệu USD, tuy nhiên đến nay dự án đã tăng lên 891,9 triệu USD, đội giá thêm 339,1 triệu USD (tương đương 7.000 tỷ đồng, tăng gần 40%). Tương tự, ban đầu dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt có tổng mức đầu tư 783 triệu Euro (chủ yếu vốn vay ODA của Chính phủ Pháp).
Tuy nhiên đến nay dự án đã bị đội vốn từ 783 triệu Euro lên 1.176 triệu Euro, tăng thêm 393 triệu Euro (tương đương 14.502 tỷ đồng - 33,3%). Với dự án metro Nội Bài - Bờ Hồ - Thượng Đình, tuy chưa triển khai, tuy nhiên tất cả các thông số tính toán cũng như dự toán được thực hiện dự án từ năm 2009, do vậy đến nay nếu được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt thi công, tổng mức dự toán thực hiện dự án cũng sẽ có thay đổi lớn.
Chưa hết, các chuyên gia giao thông còn cho rằng, ngoài chậm tiến độ, đội giá cao, các dự án metro tại Hà Nội hiện nay còn làm giảm hiệu quả đầu tư.
TS Nguyễn Văn Hiền, trường ÐH GTVT còn cho rằng, dự án chậm hoàn thành so với tiến độ ban đầu từ 3 đến 5 năm cũng làm tình hình giao thông và lưu lượng trên đường hoàn toàn thay đổi. “Từ thực trạng này khiến các dự án metro được đầu tư với chi phí rất cao nhưng do được tính toán, thiết kế so với thời điểm đi vào hoạt động cả 10 năm, khiến không chỉ giao thông mà công nghệ, kỹ thuật cũng trở nên lạc hậu”, ông Hiền nhấn mạnh.