“Phá băng” định kiến
Anh Nguyễn Hùng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vũ quốc tế Ban Mai (Sơn Tây, Hà Nội), Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung, chia sẻ đây là lần đầu tiên anh được mời giảng dạy ở một trường quân sự. Dạy khiêu vũ trong quân đội, theo anh là cuộc “phá băng” suy nghĩ đã thành định kiến ở nhiều người vốn luôn cho rằng sự nghiêm túc, chính quy của môi trường nhà binh không có chỗ cho các hoạt động giải trí như khiêu vũ. Với các học viên là người lính, anh vất vả hơn trong quá trình “mềm mại hóa” từng chuyển động cơ thể của họ.
Trung tá Hà Quang Hiếu - Trưởng ban Thanh niên Học viện Hậu cần cho biết, khi Ban Thanh niên đề xuất ý tưởng mở lớp khiêu vũ, các thủ trưởng, lãnh đạo học viện đều ủng hộ và tạo mọi điều kiện tốt nhất.
“Xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng của đoàn viên thanh niên Học viện, bên cạnh những hoạt động văn nghệ mang tính truyền thống như hát, đàn thì những điệu nhảy như Hip hop, C-walk, Flashmob… luôn thu hút các bạn trẻ, khiến các buổi sinh hoạt Đoàn, sinh hoạt ngoại khóa trở nên hấp dẫn, đa dạng hơn. Tôi nhận thấy các học viên “du nhập” cái mới đều là những người rất tự tin, năng động”, anh Hiếu nói.
Một đôi nhảy đang trình diễn điệu Cha Cha Cha. Ảnh: Nguyễn Minh
Với thời lượng hai buổi một tuần, mỗi buổi vỏn vẹn 2 tiếng đồng hồ từ 7 giờ đến 9 giờ tối, lớp khiêu vũ quy tụ hơn 70 đoàn viên thanh niên. Họ là những gương mặt tiêu biểu được lựa chọn từ các chi đoàn, liên chi đoàn, gánh trên mình “sứ mệnh” phổ biến môn nghệ thuật hấp dẫn này đến đoàn viên thanh niên toàn học viện khi khóa học kết thúc. Có dịp đến học viện, chúng tôi mới cảm nhận sự háo hức, quan tâm của các bạn trẻ nơi đây, bởi rất nhiều học viên trong học viện không thuộc quân số lớp học cũng đến kiến tập trong mỗi buổi học luôn đầy ắp tiếng cười.
Tự tin hơn, năng động hơn
Kết thúc phần trình diễn vũ điệu Cha Cha Cha, Mai Văn Thành (học viên lớp S619D, khoa Tài chính) cúi chào mọi người một cách rất “nhà nghề”. Thành kể lần đầu tiên nhảy trọn vẹn điệu Cha Cha Cha, cậu vui như vừa lập được chiến công.
Chưa bao giờ Thành nghĩ dân nhà binh vốn quen với hành quân, tập điều lệnh như mình có thể thực hiện được các động tác uyển chuyển và mềm mại của vũ quốc tế. Những buổi tập đầu tiên, Thành còn nhiều ngại ngùng, đối lập hoàn toàn với sự tự tin, năng động cậu có được hôm nay. Phải mất một thời gian, bước chân Thành mới hòa nhịp nhịp nhàng trên nền nhạc.
Niềm vui như lập được chiến công của chàng học viên này thực ra là niềm vui chiến thắng chính bản thân. Thành tâm sự: “Tôi mong mỏi nghĩ đến ngày kết thúc khóa học, để phổ biến những điệu vũ này đến đoàn viên trong lớp mình. Chắc chắn các bạn ấy cũng hào hứng đón nhận và trở nên năng động, tự tin như tôi”.
Trở nên tự tin, chủ động và bạo dạn hơn cũng là âm hưởng trong chuyện kể của Trần Đức Thành (lớp S119A, khoa Chỉ huy Tham mưu). Đặc thù của môi trường quân đội là “dương thịnh âm suy”, nhất là hệ quân sự nhà trường không tuyển nữ nên Thành và các bạn nam trong trường thường rụt rè, nhút nhát khi gặp các bạn nữ.
Những buổi đầu học khiêu vũ, Thành không chủ động trong việc chọn bạn nữ nhảy cùng. Vì thế khi vô tình do vị trí xếp hàng được nhảy cùng một bạn nữ hệ dân sự của học viện, cậu lóng ngóng đến mức thường dẫm lên chân bạn nhảy trong lúc tập. Lúc đó, Thành cũng nhát đến mức không dám nói lời xin lỗi trực tiếp mà phải nhờ đến tin nhắn điện thoại. Nhờ cái dẫm chân trong giờ học khiêu vũ, một tình bạn đẹp đã đâm chồi, nảy nở…
“Tôi thấy rõ sự tự tin, năng động cũng như sự hoàn thiện các kỹ năng mềm của học viên khối quân sự khi được tiếp cận với khiêu vũ quốc tế”.
Anh Nguyễn Hùng,
Chủ nhiệm Câu lạc bộ
Vũ quốc tế Ban Mai
Với Nguyễn Thị Diệp (lớp ĐHT605, khoa Tài chính - Ngân hàng), khiêu vũ là môn thể thao nghệ thuật cần đến sự tương tác giữa hai người nên để kết hợp ăn ý với nhau thì các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp hiệu quả... được rèn luyện và phát huy.
Một trong những bạn nhảy của Diệp là trung úy Ngô Toàn Thắng, giảng viên khoa Công tác Đảng - Công tác Chính trị của Học viện. “Trên lớp thầy Thắng là người nghiêm khắc nên chúng mình luôn nghĩ thầy khô khan, khó gần. Nhưng quá trình học nhảy cùng thầy, mình và các bạn mới nhận thấy thầy là người thân thiện, hòa đồng và rất nhiệt tình”, Diệp nhí nhảnh cho biết.