> Câu hỏi khó cho GS Ngô Bảo Châu
> GS. Ngô Bảo Châu: Sự nghiệp đến từ 'mót lượm' hằng ngày
GS Ngô Bảo Châu (ảnh trái, bên phải) lắng nghe lời chia sẻ của bạn Phạm Thị Hương. Ảnh: Mi Ly . |
GS Ngô Bảo Châu đến trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu ở Lạc Trung, Hà Nội để tặng 180 CD sách nói Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình do công ty Nhã Nam tài trợ. Trường Nguyễn Đình Chiểu hiện có khoảng 160 học sinh khiếm thị.
GS Châu bắt đầu quan tâm đến độc giả khiếm thị từ năm 2012, khi anh cùng đồng tác giả Nguyễn Phương Văn ra mắt sách Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình tại Hà Nội. Khi đó, ở hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp, một sinh viên khiếm thị đã đứng dậy nêu câu hỏi: "Làm sao chúng tôi đọc được sách của giáo sư?".
Câu hỏi đó khiến GS cảm động và suy nghĩ nhiều. Hoạt động tặng sách nói sau này của anh đều xuất phát từ đó.
Trong buổi tặng sách ở trường Nguyễn Đình Chiểu, sinh viên khiếm thị nói trên cũng có mặt. Đó là bạn Phạm Thị Hương, cựu học sinh của trường, đã tốt nghiệp và vừa trở lại trường làm giáo viên.
Đây là lần thứ hai GS Châu gặp gỡ học sinh khiếm thị, lần thứ nhất là vào đầu năm nay ở TP.HCM, nhưng anh vẫn thừa nhận "không hiểu gì nhiều về cuộc sống của người khiếm thị". GS rất ngập ngừng khi hỏi một học sinh sáng mắt rằng: "Chơi với các bạn khiếm thị có gì khác so với các bạn khác?".
Tất nhiên GS không có ý phân biệt, nhưng nếu nhìn vào cô gái Phạm Thị Hương xinh xắn, tự tin đứng dậy phát biểu trước đông người, giọng không hề run rẩy và ý rất mạch lạc, thì sẽ thấy không cần phải nghĩ đến sự khác nhau.
Hương nói: "Chúng em vẫn tự làm được nhiều việc trong cuộc sống hàng ngày, vẫn chơi bài, cờ vua, nhảy dây được với các bạn sáng mắt… Chúng em còn rất nhạy cảm với văn hóa, nghệ thuật".
Thực ra, điều ý nghĩa nhất mà cộng đồng có thể làm cho những người khuyết tật là đối xử với họ như những người bình thường. Trong phim tài liệu Cuộc đời sau trang sách của đạo diễn Phan Huyền Thư, có cảnh quay Nguyễn Sơn Lâm, một nạn nhân chất độc da cam, chống nạng trèo lên ghế xe khách cao gần ngang mặt một cách dễ dàng và thành thạo. Cảnh phim khiến người xem không khỏi bất ngờ và thán phục. Khi đó, sự giúp đỡ hay ánh mắt thương cảm của cộng đồng là không cần thiết.
Bạn Phạm Thị Hương chia sẻ với GS Châu: "Nghệ sĩ piano khiếm thị người Nhật Nobuyuki Tsujii (vừa đến Việt Nam biểu diễn), chưa bao giờ thấy khiếm thị là một khiếm khuyết mà là động lực để vươn lên. Đó cũng là tinh thần của những người khiếm thị".
Theo Mi Ly
Thể thao & Văn hóa