Khi chính quyền và doanh nghiệp chung tay đa dạng giải pháp quảng bá và tiêu thụ hàng Việt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chiều 30/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Vĩnh Phúc. Theo ông Đỗ Thắng Hải, Vĩnh Phúc đã có nhiều giải pháp để hàng Việt tăng sự hiện diện tại địa phương.

Đa dạng giải pháp quảng bá và tiêu thụ hàng Việt

Báo cáo về tình hình triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Tuấn Khanh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã triển khai nghiêm túc Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đã tác động và nâng cao nhận thức của đông đảo cán bộ, đoàn viên, hội viên, và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Cuộc vận động. Từ đó tạo sự chuyển biến rõ rệt trong hành động, thói quen ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt.

Nhiều tổ chức, địa phương, đơn vị đã có cách làm sáng tạo, chỉ đạo tập trung theo các nghị quyết chuyên đề, tăng cường tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân được nâng nên, củng cố niềm tin người tiêu dùng trong nước, góp phần tích cực vào thực hiện cuộc vận động.

Theo ông Khanh, đến nay Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi vào cuộc sống của mỗi người dân, khi sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất, chất lượng, giá cả phù hợp với người tiêu dùng, hàng nhập ngoại đã được hạn chế, nhân dân mua sắm hàng Việt tăng, thể hiện lòng yêu nước, tính tự tôn dân tộc.

“Cuộc vận động đã tạo được những chuyển biến trong ý thức của người tiêu dùng trong tỉnh, đã nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp; chương trình khuyến mại, hội chợ, triển lãm... đã giúp cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được tiếp cận trực tiếp với sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước sản xuất, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển. Tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh mua sắm hàng Việt trong mua sắm công”, ông Khanh nói.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Vĩnh Phúc có 13.000 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp có hoạt động và đóng thuế là 7.500 – 8.000. Việc triển khai Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn khó khăn do thu nhập bình quân đầu người còn thấp nên người dân còn chưa ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng hóa trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hàng công nghiệp, còn ít sản phẩm nông nghiệp. Sản lượng và mẫu mã sản phẩm chưa hấp dẫn người tiêu dùng.

Để thúc đẩy triển khai Cuộc vận động trong thời gian tới, yếu tố cốt lõi là làm sao để hàng Việt Nam chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam”, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc nêu ý kiến.

Khẳng định cuộc vận động đã thực sự đi vào cuộc sống, song ông Nguyễn Tuấn Khanh cho rằng, cùng với các kết quả tích cực, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng ở một số nơi vẫn tồn tại ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động; phối hợp với các ngành chức năng, các đơn vị, doanh nghiệp có nơi còn chậm, chưa thường xuyên và một số nội dung phối hợp còn hạn chế.

“Một số người dân vẫn còn có thói quen tiêu dùng sính hàng ngoại, có giá rẻ, mẫu mã đẹp do đó ảnh hưởng đến ý nghĩa của cuộc vận động. Thực hiện nhiệm vụ của thành viên Ban chỉ đạo trong công tác kiểm tra, giám sát triển khai Cuộc vận động có lúc chưa được thường xuyên”, ông Khanh nhấn mạnh.

Khi chính quyền và doanh nghiệp chung tay đa dạng giải pháp quảng bá và tiêu thụ hàng Việt ảnh 1

Tỷ lệ hàng Việt ở siêu thị ngày càng gia tăng trong các năm gần đây

Tăng cường mối liên kết để sản xuất tiêu thụ hàng Việt

Chia sẻ bí quyết giúp hàng Việt Nam lan tỏa tốt hơn ở địa phương, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, một trong những điểm đáng ghi nhận của Vĩnh Phúc là tỉnh luôn tạo điều kiện sản xuất kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2021, Vĩnh Phúc vẫn giữ vững vị trí Top 5 địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tốt nhất cả nước, giúp địa phương tăng tính cạnh tranh và thu hút được nhiều doanh nghiệp có thương hiệu mạnh trên toàn cầu.

Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, thời gian qua, ngành Công Thương Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp kết nối doanh nghiệp vào kênh phân phối. Việc vận động sử dụng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh thời gian qua tương đối tốt. Tuy nhiên, sự kết hợp liên ngành giữa Trung ương và địa phương, giữa ngành này và ngành khác còn thấp. Do đó, thời gian tới, cần tăng tính liên kết giữa Trung ương và địa phương. Đồng thời, cần tận dụng thế mạnh của Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ trong xây dựng các mô hình liên kết kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây là giải pháp để liên kết thu mua, tiêu thụ hàng hóa cho người nông dân.

Khẳng định Cuộc vận động đã đi vào cuộc sống, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao sự quyết liệt chỉ đạo và gương mẫu của các cấp ủy, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc trong việc nghiêm túc triển khai Cuộc vận động. Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã ban hành các văn bản, từ Kế hoạch, hướng dẫn cụ thể các địa phương, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở.

Bên cạnh đó, tỉnh đã rà soát, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo cuộc vận động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cấp tỉnh. Thực hiện nghiêm túc việc phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, với việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực, cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc bên cạnh tích cực hưởng ứng Cuộc vận động, cần, chú trọng đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hoá không bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời tiếp tục xây dựng kế hoạch tổng thể tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đặc trưng có thế mạnh trên địa bàn; tăng cường công tác hỗ trợ các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng như cần có chính sách tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có thành tích trong triển khai Cuộc vận động.

MỚI - NÓNG