Tài sản rủ nhau tăng giá
Những ngày qua, giá vàng SJC liên tục leo dốc và vượt 82 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn lên hơn 71 triệu đồng/lượng, cao nhất từ trước tới nay. Bất chấp giá vàng tăng phi mã, nhiều người vẫn chen chân trong các hàng vàng. Vàng nhẫn “nóng” tới mức, có cửa hàng phải viết giấy hẹn khách nhận vàng sau 1 tháng. Khách mua vàng nhẫn với số lượng trên 4 lượng, sau gần 1 tháng mới lấy được. Những dòng tiền đầu tư liên tục được rót vào vàng với kỳ vọng giá còn tiếp tục lập đỉnh trong thời gian tới.
Chứng khoán hút dòng tiền, với đều đặn những phiên tỷ USD. Ảnh: Như Ý. |
Cùng với giá vàng lên cơn sốt, ngày 11/3, Bitcoin chính thức vượt mốc 71.000 USD, xác lập mốc cao nhất lịch sử. Đồng Ethereum (ETH) cũng tiến gần trở lại mốc 4.000 USD. Theo New York Times, sự khác biệt lớn giữa cơn “sóng” hiện tại so với thời kỳ bùng nổ hồi 2021 là sự tham gia của các tổ chức tài chính lớn, nhóm “cá mập” này có BlackRock và Fidelity - hai trong số những nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới. Nổi sóng theo Bitcoin, các đồng meme coin thường để giải trí hoặc đầu cơ (lấy cảm hứng từ các yếu tố hài hước) cũng đồng loạt tăng giá. “Những chú chó” trong lĩnh vực tiền mã hóa như Dogecoin (DOGE), Shiba Inu (SHIB) hay “ếch xanh” Pepecoin (PEPE) cùng nhảy vọt. Trong vòng 30 ngày, PEPE tăng giá tới 784%, SHIB tăng 266%, DOGE tăng 115%. Hiện DOGE, SHIB nằm trong nhóm 10 đồng tiền dẫn đầu vốn hóa thị trường.
Với thị trường chứng khoán, VN-Index đóng cửa phiên 11/3, tại mức 1.235 điểm, tăng hơn 9,3% từ đầu năm. Thanh khoản 3 sàn duy trì đều đặn mức tỷ USD (25.000 tỷ đồng). Nếu loại trừ 2 phiên điều chỉnh gần nhất, mức tăng của VN-Index đạt tới 12%, tương đương thành quả của năm 2023. Nhà đầu tư ít nhiều có lợi nhuận khiến giao dịch trên thị trường sôi động. Cổ phiếu lớn (bluechip), đặc biệt là nhóm ngân hàng mang về thành quả khá cho nhà đầu tư. Những câu chuyện thị trường liên tục “nóng” như hệ thống KRX, nâng hạng, giải pháp, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ duy trì sức hấp dẫn, mở ra kỳ vọng nối dài cho chứng khoán trong nước.
Cẩn trọng FOMO
Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Khối nghiên cứu và Phân tích, Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, cho rằng, với các tài sản trên, tiền mã hóa đang có rủi ro cao nhất, nhà đầu tư nếu lỡ nhịp tăng vừa qua, không nên FOMO. Theo ông Phương, bước ngoặt cho tiền mã hóa bắt đầu khi Mỹ cho phép mở quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) Bitcoin giao ngay niêm yết tại Mỹ đầu tiên. Sau khi vấn đề pháp lý được giải quyết, dòng vốn rất lớn đã chảy vào kênh đầu tư này, kéo theo dòng tiền FOMO, đẩy giá Bitcoin lên cao. Cùng với lợi nhuận, rủi ro hiện ở mức cao, và nhà đầu tư không nên rót tiền vào lớp tài sản này.
Giá vàng liên tục xô đổ kỷ lục. Ảnh: Như Ý. |
Theo ông Phương, với những nhà đầu tư có giá trị tài sản (NAV) lớn, sự quan tâm vẫn đang tập trung vào chứng khoán, sau đó tới vàng. Chứng khoán vừa trải qua nhịp tăng mạnh, điều chỉnh xảy ra có thể là cơ hội nhà đầu tư “đứng ngoài” nhập cuộc. “Chứng khoán tăng nhờ kỳ vọng phục hồi, đà tăng có cơ sở khi nhìn vào nền kinh tế năm nay, triển vọng doanh nghiệp. Nhà đầu tư có thể quan tâm đến những nhóm ngành chưa có sóng tăng, còn nhiều cơ hội trên thị trường. Với vàng, sau đà tăng rất mạnh vừa qua, tỷ lệ phân bổ của nhà đầu tư mới lúc này chỉ nên ở mức 10% tổng tài sản, coi đây là tài sản phòng ngừa rủi ro”, ông Phương nhận định.
Ngày gần đây, giá vàng và Bitcoin liên tục xô đổ kỷ lục, thiết lập mốc cao mới. USD trên thị trường tự do đã vượt mức 25.000 đồng/USD, đà tăng từ sau Tết Nguyên đán tới nay tiếp tục nối dài khiến nhà đầu tư loay hoay với việc lựa chọn kênh đầu tư trong bối cảnh chứng khoán vừa trải qua 2 phiên điều chỉnh, nhưng mức tăng từ đầu năm của VN-Index vẫn quanh mức 10%.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng, chứng khoán sẽ là một trong những kênh đầu tư hút dòng tiền trong năm 2024. Thanh khoản các phiên giao dịch đều đặn trên khoảng 20.000 tỷ đồng. Dù thị trường có vừa điều chỉnh mạnh, nhưng ông Minh cho rằng, sau nhịp tăng dài từ đầu năm, diễn biến này không quá tiêu cực, chủ yếu do nhà đầu tư chốt lời. Dòng tiền thời gian tới có thể quan sát, luân chuyển sang các nhóm vốn hóa vừa. Nhà đầu tư “đứng ngoài” trong nhịp tăng vừa qua có thể xem xét giải ngân với tỷ trọng vừa phải.
Với kênh tiết kiệm, theo các chuyên gia, lãi suất tiết kiệm thấp, dưới 5%/năm cũng là yếu tố kích thích dòng tiền tìm kiếm kênh sinh lời mang lợi nhuận cao hơn. Trong khi trái phiếu thanh khoản thấp, lo ngại rủi ro rình rập, nhiều doanh nghiệp vẫn chây ỳ việc trả lãi cho nhà đầu tư, thì cổ phiếu đang trở nên hấp dẫn hơn. Ông Minh lưu ý nhà đầu tư cẩn trọng trong việc sử dụng margin trong giai đoạn hiện nay. “Đòn bẩy chỉ nên sử dụng khi thị trường tăng tốc, bứt phá, duy trì thanh khoản cao”, ông Minh nói.
Ông Hoàng Tùng (chuyên gia tài chính từ Singapore) nhận định, với việc Bitcoin phá đỉnh cũ, thị trường tiền mã hóa đang rất sôi động. Tuy nhiên, đây là thị trường rủi ro nhất thế giới, bởi biên độ dao động lớn hơn tất cả các loại tài sản khác. Việc giao dịch hay nắm giữ dài hạn các đồng tiền mã hóa đều khó. Trong giao dịch, nhà đầu tư phải có lợi thế, năng lực vượt trội trong việc dự đoán giá lên xuống, nếu không, xác suất rất cao sẽ cháy tài khoản, việc giữ được thành quả cũng không dễ dàng.
“Ngoài một số đồng tiền kỹ thuật số lớn như BTC, ETH, toàn bộ các đồng tiền “rác” khác đều có đội lái, nhóm thao túng phía sau. Họ hoạt động đơn lẻ, cũng có thể hợp lực với nhau, chung thuyền với các sáng lập để tạo ra các đồng tiền đó, tạo thanh khoản. Sau mỗi mùa “sốt” giá trôi qua, 99% các đồng tiền “rác” biến mất vĩnh viễn. Vấn nạn phổ biến khác là lừa đảo, dự án ma, lùa gà...”, ông Tùng phân tích và khuyến nghị nhà đầu tư cẩn trọng với những coin “rác”. Nhiều bài học đã xảy ra với Lota, Luna, EOS, NFT, giá thăng hoa rồi rơi về vực thẳm.