Những nghệ sỹ trẻ đa năng
Mới nhất, ca sỹ, diễn viên, biên kịch Jun Phạm đã tung ra thị trường sách cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi mang tên “Xứ sở miên man”. Đây đã là cuốn sách thứ 5 của Jun Phạm và là cuốn tiểu thuyết thứ 2 của anh.
Ngay từ khi cầm bút viết sách, Jun Phạm đã “chơi” ngay tiểu thuyết. Đó là cuốn sách “Nếu như không thể nói nếu như”, xoay quanh chuyện tình buồn của Cỏ May và Quân, mang lại cho người đọc xúc cảm trong trẻo: “… Nhưng chẳng ai nói trước được điều gì. Vậy nên, nếu như không thể nói “Nếu như” thì ta hãy học cách chấp nhận và bước tiếp”.
Cây bút trẻ Jun Phạm và tiểu thuyết vừa ra mắt |
Văn chương của chàng ca sỹ sinh năm 1989 được nhiều độc giả đánh giá sạch sẽ, chỉn chu và mềm mại. Cuốn tiểu thuyết thứ 2, “Xứ sở miên man”, được khơi nguồn từ “đơn đặt hàng” kịch bản phim của Ngô Thanh Vân. Nhưng dự án dang dở, những tháng ngày giãn cách vì dịch bệnh Jun Phạm biến nó thành tiểu thuyết. “Xứ sở miên man” hoàn thành sau 2 năm, tác giả liên tục sửa chữa để hướng tới một tác phẩm ưng ý. Jun Phạm chia sẻ với phóng viên Tiền Phong: “Nói thật bây giờ cầm quyển sách trên tay đọc lại tôi vẫn cứ muốn sửa tiếp”. Lần này, “đứa con tinh thần” của anh dành cho trẻ nhỏ nhưng người lớn vẫn có thể đọc để “chữa lành những tổn thương tinh thần”. Không phải lần đầu tiên Jun Phạm hướng về trẻ em khi sáng tạo nghệ thuật: “Tôi yêu thích trẻ nhỏ. Những sản phẩm kịch bản trước đó đã được làm phim của tôi cũng đều là truyện cổ tích hoặc liên quan đến chất liệu kỳ ảo”, anh nói. (Jun Phạm là cựu thành viên nhóm nhạc 365, với bản hit một thời “Bống bống bang bang” được trẻ nhỏ yêu thích).
Diễn viên hài, tác giả sách Minh Dự |
Đến nay Jun Phạm đã ra 5 đầu sách nên tự tin “hiểu được phần nào thị trường sách nước nhà”. Anh thừa nhận công việc viết lách không thể kiếm ra nhiều tiền như những công việc khác. Ca sỹ, diễn viên, gắn bó 10 năm với văn chương chỉ vì đó là sở thích lớn nhất: “Viết sách giúp tôi giải trí hơn là làm việc”. Jun không thích gọi anh là nhà văn, chỉ thích được gọi là cây bút trẻ.
Chưa nhiều đầu sách bằng ca sỹ, diễn viên, biên kịch Jun Phạm song nhắc đến nghệ sỹ tham gia thị trường sách không thể không nhắc tới Minh Dự. Nam diễn viên hài sinh năm 1995 đã ra mắt 2 cuốn sách “Hay chúng mình đừng hứa hẹn gì nhau” và “Mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng”. Minh Dự khá có duyên với thị trường sách khi những “đứa con tinh thần” của anh đều bán chạy. Cuốn sách đầu tiên “Hay chúng mình đừng hứa hẹn gì nhau” trong tuần đầu tiên đã hết veo 3.000 bản, tiếp tục in nối bản thêm 3.000 cuốn. Còn “Mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng” đã được đặt trước 10.000 bản trên sàn thương mại điện tử. Minh Dự vốn là cử nhân ngành Văn học, Trường Đại học Văn Hiến, TPHCM. Cũng như Jun Phạm, Minh Dự có lẽ không định trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Anh bất ngờ khi tác phẩm của mình được đông đảo độc giả đón nhận. Nam diễn viên hài từng chia sẻ, viết tản văn hay làm thơ với Minh Dự là hình thức giãi bày tâm tư. Đọc sách của Minh Dự, độc giả gặp con người bên trong của diễn viên hài 9x. Thơ của Minh Dự không đặc sắc về hình thức, câu chữ nhưng vẫn được nhiều độc giả trẻ yêu thích vì sự giản dị, dễ thương: “Có những người lòng dạ rất bao dung/Trích một phần thanh xuân dùng để thương người lạ/Nhận về số không cũng đâu thèm mặc cả/Tự mở cửa tim mình rồi thong thả nhớ nhung…”.
Trách nhiệm đặt lên vai người đọc
Phóng viên đặt câu hỏi với một số nhà văn tên tuổi: “Hiện tượng ca sỹ, diễn viên cầm bút, là tín hiệu tích cực hay tiêu cực với thị trường sách Việt?”. Các nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp ủng hộ nhiệt tình các cây bút không chuyên đến từ làng giải trí. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ: “Theo tôi, phải xem đây là hiện tượng đáng mừng. Ai cũng có thể viết sách được”. Theo ông, sách của ca sỹ, diễn viên thường ăn khách, bởi: “Các ca sỹ hay người nổi tiếng, bản thân họ đã là một “thương hiệu”. Độc giả tìm đọc sách của họ trước hết vì tò mò”.
Việc xuất bản sách hiện nay cũng dễ thở hơn xưa rất nhiều, nên kích thích các cây bút không chuyên tham gia xuất bản sách: “Xưa khó xuất bản sách lắm. Ngay như tôi, hồi ấy cũng là trường hợp đặc biệt nhưng có in được ngay đâu. Tập thơ đầu của tôi cũng là in chung, với 12 tác giả”, Trần Đăng Khoa nói. Nhà thơ cũng cho rằng, ca sỹ, diễn viên có nhiều thuận lợi khi tham gia thị trường sách: “Sách xuất bản bây giờ không còn bao cấp nữa. Sách phải bán được người ta mới in. Nói thẳng người ta chú trọng kinh doanh. Bây giờ một số người cứ nói, không còn ai đọc sách. Thật là vô lý. Không đọc sách người ta in làm gì mà trên trời dưới sách?”.
Nhà văn Mạc Can vốn là diễn viên xiếc |
Một nhà văn, xin được giấu tên, cũng vui vẻ chào đón các “ngôi sao” làng giải trí tham gia thị trường sách: “Đây là xu hướng chung của thế giới. Điều đó chứng tỏ mặt bằng dân trí đã tốt hơn xưa. Chứ ngày xưa đừng nói viết sách, chỉ viết một cái đơn kiện cũng phải tìm người viết thuê”. Theo ông, hiện nay nhiều “ngôi sao” giải trí tham gia vào địa hạt văn chương là điều dễ hiểu, bởi: “Ai cũng có quyền thể hiện mình nhưng không phải ai cũng dám thể hiện. Các “ngôi sao” lại không ngại điều này”. Song sự tham gia của “sao” giải trí vào thị trường sách cũng góp phần làm dịch chuyển một số quan niệm: “Bây giờ sách không còn là thước đo của chuẩn mực, những gì được viết trong sách chưa chắc đã đúng. Thay vì sách định hướng cho người đọc thì bây giờ người đọc cần phải thật sự thông minh mới không lạc trong thị trường hỗn độn”, nhà văn giấu tên bình luận. Cũng như nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn này cho rằng, không nên lấy sự bán chạy làm thước đo chất lượng sách: “Các “ngôi sao” giải trí bán được sách dựa vào tên của họ trong lĩnh vực giải trí, chứ chưa chắc sách của họ đặc biệt về nội dung”. Ông nhấn mạnh: “Thế nên người đọc hôm nay khá vất vả”.
Mặt khác, theo nhà văn giấu tên, không nên miệt thị sách bán chạy: “Viết vui vui, giản dị, nhẹ nhàng có khi lại được độc giả nhớ lâu. Chứ nhiều cuốn sách đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam có mấy ai đọc đâu? Có khi người trong giới còn lười đọc, nói gì bán ra ngoài. Càng ngày giá trị giải trí của văn học càng được đề cao”. Ông cũng đánh giá cao các “ngôi sao” cầm bút ở khả năng nắm bắt thị hiếu độc giả: “Tên sách của Minh Dự bắt tai đấy chứ? Ưu điểm của ca sỹ, diễn viên khi viết sách là biết đặt mình vào vị trí độc giả. Họ thuộc thế giới sô-bít mà”.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh thích thú khi thấy ngày càng nhiều “sao” giải trí cầm bút: “Quá hay. Có phải anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mới được viết văn đâu? Có một thời người ta cứ nghĩ nhà văn tức là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Bây giờ nhà văn không nhất thiết phải vào Hội. Họ là nhà văn tự do”. Nhưng Trung Trung Đỉnh chỉ đặt hi vọng cao ở các “ngôi sao” giải trí trong thể loại tự truyện hoặc hồi ký: “Cánh ca sỹ, diễn viên mà viết tự truyện thì sinh động lắm. Đùa đâu!”.
Song ngay cả thể loại tự truyện, hồi ký nếu nghệ sỹ không ý thức được giới hạn, cũng lãnh đủ “gạch đá” từ dư luận. Hồi ký Thương Tín hay tự truyện “Lê Vân- Yêu và Sống”, không chỉ làm tổn thương những nhân vật được họ đưa vào sách, còn làm đau chính họ. Còn thể loại tiểu thuyết, một nghệ sỹ tự tin thử nghiệm thể loại này trước Jun Phạm chính là ca sỹ có vòng 1 nóng bỏng Lê Kiều Như, với “Sợi xích”. Cho dù, đến lúc này một số nhà văn chuyên nghiệp vẫn đánh giá, “Sợi xích” có đầu có đuôi, cũng chẳng đến nỗi nào, song vẫn là nốt trầm trong quãng thời gian hoạt động nghệ thuật của Lê Kiều Như vì gặp phản ứng từ một bộ phận dư luận khiến sách bị “tuýt còi”. Hơn 10 năm trôi qua kể từ “Sợi xích”, Lê Kiều Như vẫn chưa sinh nở thêm cuốn tiểu thuyết nào.
Không dễ đi đường dài
Trong làng văn Việt Nam, đã có những nghệ sỹ tham gia vào thị trường sách và tạo tiếng vang. Họ trở thành những nhà văn, nhà thơ có chỗ đứng vững chắc trên văn đàn. Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam điểm danh hai tên tuổi: “Nhà thơ Xuân Quỳnh vốn là một diễn viên múa. Còn Mạc Can là diễn viên điện ảnh kiêm nhà ảo thuật. Với tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao”, ông đã trở thành nhà văn xuất sắc”.
Liệu những “sao” giải trí với tuổi đời phơi phới hiện nay có trở thành những tên tuổi ghi dấu ấn trên văn đàn như cố thi sĩ Xuân Quỳnh hay nhà văn Mạc Can? Ý kiến của nhà phê bình Ngô Thảo: “Từ năng khiếu bẩm sinh viết được 1-2 cuốn sách trở thành nhà văn có ý thức không dễ. Vì in sách ở ta không phải một nghề nuôi sống được nhà văn, trừ một vài tên tuổi đếm trên đầu ngón tay như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư…”. Theo nhà văn Ngô Thảo, “sao” giải trí ở ta cũng chỉ đang xem văn chương như một sân chơi, chưa có ý định đi đường dài: “Các bạn trẻ thích thử khả năng của mình trên nhiều phương diện, trong đó viết sách là một cách. Họ tham gia vào thị trường sách cũng nhẹ nhàng, ít áp lực bởi sẵn có lượng khán giả hâm mộ rồi”.