Khi ca sĩ mở trường dạy hát

Thùy Dung trong vai trò mới Ảnh: N.M.Hà
Thùy Dung trong vai trò mới Ảnh: N.M.Hà
TP - NSND Thanh Hoa chuẩn bị khai giảng lớp “bổ túc văn hóa” cho ca sĩ. Trường của ca sĩ Thùy Dung cũng vận hành 1 năm nay. Nhu cầu bổ túc về nghệ thuật của mọi lứa tuổi ở Hà Nội sắp được đáp ứng?

> Hà Anh miệt mài trong phòng thu chuẩn bị làm ca sĩ

> Uyên Linh Idol đã có mặt tại cuộc thi Miss Việt Nam - Eu 2011

Thùy Dung trong vai trò mới Ảnh: N.M.Hà
Thùy Dung trong vai trò mới. Ảnh: N.M.Hà.
 

Đào tạo tài năng từ A đến Z?

Lớp học mang tên Tinh hoa nghệ thuật Việt (THNTV) của NSND Thanh Hoa kết hợp NSƯT Huyền Thanh bao sân từ nghệ sĩ đang làm nghề cho tới người chưa biết gì.

Tháng 10 mới khai giảng, trường đã chiêu mộ được các giáo viên có cỡ: Giảng viên Hồ Mộ La, NSND Thu Hiền, NSƯT Đức Long, Anh Thơ, Thành Lê - dạy thanh nhạc; về nhạc nhẹ có Thanh Lam, Tùng Dương; NSND Lê Khanh phụ trách môn biểu cảm; MC Thảo Vân, Nguyễn Hữu Chiến Thắng dạy dẫn chương trình, giao tiếp… Đặc biệt, HLV Joe của Sao Mai Điểm hẹn sang ở hẳn Việt Nam để làm cho THNTV.

Liệu chị có đủ tiền trả lương cho giáo viên tên tuổi?

NSND Thanh Hoa: Những người tôi mời đều hiểu tấm lòng của tôi. Mọi người đều nghĩ góp một chút để hoàn thiện hơn phong cách của ca sĩ trẻ. Tất cả nhận lời nhưng chưa ai hỏi thù lao bao nhiêu. Dự án lớn nên mong được sự quan tâm của các nhà tài trợ. Chứ với số tiền thu của các em chắc cũng khó để có thể trả được toàn thầy cỡ lớn. Hơn nữa ở miền Bắc, những em nào đi học ca nhạc thường nghèo. Nếu mình thu học phí cao chắc cũng khó.

Thị trường ca nhạc Hà Nội có phần trầm lắng so với TPHCM, đồng nghĩa với việc không có nhiều chương trình và tụ điểm ca nhạc - đầu ra cho ca sĩ. Chị có sợ do đó mà sẽ không có nhiều người đến trường của chị để học?

Tôi biết chưa chắc đông học sinh. Nhưng chúng tôi còn nhắm đến một đối tượng là các em từng được giải ở các cuộc thi nhưng rồi chẳng biết làm gì, gần như chỉ trông cậy vào các show diễn- cũng rất ít ở Hà Nội. Họ sẽ vào đây để hoàn thiện. Chúng tôi sẽ chắp cánh cho họ bằng các chương trình truyền thông. Làm chương trình ca nhạc tại sân khấu thực nghiệm của trường cho họ biểu diễn, tiếp xúc với khán giả.

Chính phòng trà Aladin của chị cũng phải đóng cửa vô thời hạn. Chị có nghĩ việc mở tụ điểm ca nhạc ở Hà Nội quá khó?

Sau 16 năm hoạt động, Aladin đã thành thương hiệu. Ở bất cứ ngành kinh doanh nào, khi đã có thương hiệu thì người ta gặt hái, nhưng với nghệ thuật thì kể cả Aladin cũng phải đóng cửa. Vì nhu cầu về văn hóa của người Hà Nội chưa cao.

Biết đâu cũng do mình chưa đáp ứng được sở thích của khán giả?

Hiện nhạc trẻ nhảy nhót, ngồi uống rượu xem rồi lắc lư thì vẫn rất đông. Nhưng cái đó ngoài tầm của tôi. Nhạc nhẹ với tôi không phải sở trường. Tôi có thể rất thông thạo đồng quê Việt Nam hoặc trữ tình, không thể làm cái gì mình không hiểu biết nhiều.

Từ giải Nhì đơn ca đến hiệu trưởng trường nhạc họa

Phòng của cô hiệu trưởng Thùy Dung tại tầng 1 cũng là nơi cô dạy piano. Thùy Dung vừa lo điều hành với phụ tá vừa theo sát ngón đàn của học sinh. Trên sân khấu tha thướt điệu đà là thế, nhưng trong vai trò cô giáo, chị không kém nghiêm khắc.

Dịp Thùy Dung kỷ niệm 20 năm đoạt giải Nhì tại cuộc thi Đơn ca nhạc nhẹ chuyên nghiệp toàn quốc cũng là lúc trường nghệ thuật Seedlink (tạm dịch: Ươm mầm) của chị tròn 1 năm tuổi. Trường hiện thu hút khoảng 300 học sinh. Thành quả của năm hoạt động đầu tiên là 2 học sinh được cử đi thi vào khoa Piano và Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia đều đỗ. “Đối với bọn mình thế là cá chép hóa rồng rồi đấy”, Thùy Dung hồ hởi.

“Mục tiêu của chúng tôi đơn giản là đem âm nhạc đến với mọi người, nôm na là xóa mù nhạc”, Thùy Dung cho hay. “Về lâu dài, chúng tôi muốn nâng tầm hiểu biết về âm nhạc cho các cháu ngang với các môn Văn, Toán… trong trường phổ thông. Chúng tôi sẽ là vệ tinh của các trường chuyên nghiệp - phát hiện, chọn lọc mầm non cho Nhạc viện”.

Ca sĩ trực tiếp dạy piano và thanh nhạc. Ông xã (nguyên giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia) dạy kèn. Trường còn dạy cả vẽ, múa hát (cho thiếu nhi), ngoại ngữ, kỹ năng sống. Nhận luyện thi cho các bé tham gia Đồ Rê Mí hoặc thí sinh các cuộc thi hát truyền hình. Một năm 2 lần thuê Nhà hát Lớn để học sinh được trình diễn.

Học sinh lớn nhất của Seedlink ở tuổi 55, vẫn học piano. Cô giáo cho hay: “Phải khơi gợi những điều các bác có thể làm được, dù tuổi đấy là rất cứng rồi. Mục đích phải chơi được Thư gửi Elise, Sóng Danube… Ở lứa tuổi chín chắn này, các bác nam thường đến học vẽ, nữ học nhạc. Chơi piano - hai tay hoạt động độc lập với nhau - chính là một cách thể dục não”.

Tuổi trên dưới 30 lại thường kéo nhau đến học thanh nhạc, mục đích chủ yếu để đi hát karaoke. Nhiều thanh niên đến nhờ giúp đỡ vì cái tội nhút nhát, không dám hát to giữa đám đông. Họ thường học từ 3-6 tháng, giắt lưng mươi bài tủ đủ để sẵn sàng ứng chiến trong các tình huống sinh hoạt tập thể.

Hỏi về công việc của một ca sĩ, Thùy Dung chia sẻ: “Tôi chả lười hát, nhưng im lặng cũng là một cách giữ đẳng cấp. Tôi vẫn diễn cho những chương trình thực sự cần tôi”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.