Sau khi thành phố Tal Afar, Iraq, được giải phóng, hàng trăm phụ nữ, chủ yếu gốc Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Á, Nga và châu Âu, vốn là vợ của các chiến binh IS đã bị giết, bị bắt giữ hoặc chạy trốn, cùng với những đứa trẻ đã được đưa tới một trại tị nạn của quân đội Iraq do Liên Hợp Quốc tài trợ.
Vị trí chính xác của khu trại cũng như nhận dạng của những người tại đây đều được Liên Hợp Quốc giữ bí mật, vì lo ngại bất kỳ thông tin rò rỉ nào cũng sẽ ảnh hưởng đến an ninh của trại và khiến hàng trăm người thân của IS gặp rủi ro.
Phóng viên Murad Gazdiev của RT (Nga) đã thực hiện cuộc phỏng vấn đặc biệt bên trong trại tị nạn bí mật này.
“Tôi muốn về nhà. Tôi ở đây (chỉ Iraq) do bất đắc dĩ. Tôi thực sự rất muốn về nhà… Xin hãy đưa tôi ra khỏi đây”, một góa phụ vừa khóc vừa nói.
Góa phụ giấu mặt kể bằng tiếng Nga, chồng bà chết trong cuộc tấn công kéo dài hàng tháng trời của quân chính phủ vào Mosul hồi đầu năm nay. Bà cũng nhiều lần muốn trốn khỏi quân khủng bố nhưng không thành.
Nhiều phụ nữ phải vượt qua nhiều trở ngại và nguy hiểm để đến vùng đất do IS kiểm soát, nhưng lại không hề biết gì về những hành vi mà các chiến binh gây ra. “Hầu hết phụ nữ ở đây đến với chồng. Chúng tôi không đến đây để đánh nhau hay giết người. Chúng tôi đến đây để sinh sống”, một phụ nữ khác bộc bạch.
Theo người này, khi mẹ của cô đến thăm con gái, phiến quân giữ luôn bà ở lại và không cho trở về. “IS sẽ không để bất cứ ai đi, ngay cả khi họ cần điều trị y tế. Ai muốn sống ở đó cơ chứ”, người phụ nữ nói thêm.
Một phụ nữ đến từ Ukraine cũng ở hoàn cảnh tương tự, chia sẻ: “Tôi đến đây mộ cách tự nguyện, nhưng tôi không muốn ở lại. Tôi muốn trở về quê hương nhưng tôi không thể. Tôi đã chứng kiến cảnh chém giết, chiến tranh. Nó thực sự ám ảnh tôi”.
Trong khi đó, nhiều vợ của chiến binh thể hiện sự hoang mang và sợ hãi về tương lai khi không có những người chồng khủng bố của họ. Thậm chí, một số người còn quyết định chấm dứt con đường đau khổ đang đi.
“Khi chúng tôi đến đây, một trong số chúng tôi đã chết. Khi binh sĩ xả súng, chúng tôi bỏ chạy, nhưng người đó lại trốn dưới một chiếc xe hơi. Chúng tôi biết cô ấy có vấn đề về tim, và tôi thấy cô ấy chết”, một nhân chứng kể lại.
Được biết, Maryam (3 tuổi), con gái của người phụ nữ đã chết, hiện đang sống trong trại. Ngay trước khi chết, người mẹ trăn trối, muốn con gái trở về với ông bà ngoại ở Dagestan, Nga.
Sau nhiều năm sống chung với những kẻ khủng bố, nhiều phụ nữ và trẻ em bị tổn thương nặng nề bởi những nỗi kinh hoàng mà họ phải chứng kiến hàng ngày, RT bình luận.
Hàng chục, hàng trăm trẻ em mồ côi do chiến tranh. Nhiều đứa trẻ được UNICEF chăm sóc, một số lại mắc kẹt trong các trại trẻ mồ côi nghèo nàn, thiếu thốn.
Được biết, RT đã khởi động chiến dịch “Đưa các em về nhà” bằng các đoạn video tại một trại trẻ mồ côi ở Baghdad. Một số đứa trẻ may mắn đã được trở về nhà với sự giúp đỡ của chính quyền Chechen và Dagestani.
Chính quyền Iraq cũng đang làm việc để xác lập danh tính của những phụ nữ trên. Đây là thách thức lớn vì nhiều người thiếu các giấy tờ tùy thân cơ bản.
Bên cạnh đó, cũng có những người không muốn báo tin cho người thân về tình trạng hiện tại của họ.
“Tôi không nghĩ bố mẹ biết tôi ở đây, nhưng tôi nói với con gái mình đừng cho họ biết. Bố mẹ tôi đã già yếu – họ sẽ rất đau lòng khi biết sự thật”, một phụ nữ nói.