Nghi vấn Mỹ giúp IS chạy trốn
“Giữa lúc các hoạt động của quân đội chính phủ thu lại kết quả tốt ở tỉnh miền đông Syria, một số chỉ huy cấp cao của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với sự hỗ trợ từ lực lượng đặc biệt Mỹ đã sơ tán nhanh chóng khỏi Deir ez-Zor, đến những khu vực an toàn hơn để suy tính những hướng đi mới”, Sputnik dẫn nguồn tin giấu tên.
Theo nguồn tin, vụ sơ tán đầu tiên xảy ra vào ngày 26/8, “một trực thăng của Không lực Mỹ” đã sơ tán hai tướng IS, người gốc châu Âu, cùng các thành viên trong gia đình họ từ khu vực phía tây bắc Deir ez-Zor vào ban đêm.
Hai ngày sau đó, các trực thăng Mỹ tiếp tục đưa 20 chỉ huy IS và các chiến binh thân cận từ khu vực phía đông nam thành phố Deir ez-Zor đến phía bắc Syria, nguồn tin nói thêm.
“Những chiến binh mất đi sự lãnh đạo thường có xu hướng rơi vào tình trạng vô tổ chức, rời khỏi vị trí, tham gia vào các đơn vị khác của nhóm khủng bố hoặc bỏ trốn. Điều này góp phần vào thành công cuối cùng của chiến dịch giải phóng miền đông Syria của quân chính phủ”, nguồn tin bình luận.
Sputnik sau đó đã liên lạc với phòng báo chí của Lực lượng tác chiến hỗn hợp thuộc chiến dịch Operation Inherent Resolve (Nhổ tận gốc) – Liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu - để xác nhận thông tin. Tuy nhiên, phía liên quân đã bác bỏ thông tin.
Tổng thống Trump nên lên tiếng
Dù Mỹ đã phủ nhận, nghi vấn Mỹ giúp đỡ các chỉ huy cấp cao của IS bỏ trốn vẫn không được dập tắt.
Franz Klintsevich, Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng Thượng viện Nga, mới đây viết trên Facebook cá nhân khẳng định cáo buộc trên: “Mặc dù lực lượng quân sự do Mỹ đứng đầu tự xưng là liên minh chống khủng bố đã cố gắng bác bỏ cáo buộc về việc sơ tán hơn 20 chỉ huy trận địa khỏi Deir ez-Zor, từ tất cả những kinh nghiệm lâu năm về các hành động của Mỹ, kể cả ở Afghanistan, đủ để thuyết phục chúng tôi rằng lời buộc tội đúng sự thật gần 100%”.
Theo ông Klintsevich, với tư cách là người tham gia chiến tranh 1979-1989 ở Afghanistan, Liên Xô cũ tin rằng Mỹ “động tay” hỗ trợ quân nổi dậy Hồi giáo Mujahideen vào thời điểm đó.
Ông này còn tố, chiến binh IS ở Raqqa, Syria, đã được mở đường “thoát hiểm” thay vì “bị quân đồng minh Mỹ bao vây”.
Ông Klintsevich quả quyết, vì Deir ez-Zor khá biệt lập, Mỹ chỉ có thể sơ tán những tướng lĩnh cao cấp, thay vì toàn bộ chiến binh bên trong thành phố.
Cũng đồng quan điểm với thượng nghị sĩ Nga, Igor Korotchenko, Chủ tịch Hội đồng Công luận thuộc Bộ Quốc phòng Nga - Tổng Biên tập tạp chí Natsionalnaya Oborona, cho rằng nguồn tin giấu tên của Sputnik là đáng tin cậy.
Tuy nhiên, ông Korotchenko nhấn mạnh, không cần bất kỳ sự giải thích nào từ Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hay Lầu Năm Góc, mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phải lên tiếng về vấn đề này.
“Đó phải là Tổng thống Trump. Ông ta phải bình luận về vấn đề này một cách rõ ràng: Một là, ông đã ủy quyền để sơ tán các chỉ huy cấp cao của IS và ông ta phải chịu trách nhiệm chính trị cho quyết định này; hoặc là các dịch vụ đặc biệt của Mỹ đã hành động mà không được sự chấp thuận từ ông ta”, vị chuyên gia nói.
Ông Korotchenko nói thêm, nếu ông Trump bị “vượt quyền”, chủ nhân Nhà Trắng nên yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng mở cuộc điều tra phù hợp và đưa tất cả những người liên quan ra ánh sáng công lý về tội hỗ trợ khủng bố quốc tế.
Ở diễn biến khác, hôm 5/9, quân đội Syria, với sự hỗ trợ của Không quân Nga, đã phá vỡ thành công vòng vây hãm của IS tại Deir ez-Zor kéo dài suốt 3 năm.