Khát cháy nhựa sống nơi lằn ranh sinh tử

Khát cháy nhựa sống nơi lằn ranh sinh tử
TP - Có những “chiếc lá xanh” sớm rụng trong đớn đau của người mẹ vạ vật hành lang chăm sóc. Có những người nhà bệnh nhân sống nhờ ghế đá, hành lang bệnh viện kiếm từng đồng bạc lẻ để người thân mình được sống...

> Những phận người bên hành lang bệnh viện
> Ô-sin chăm bệnh nhân: Những mảnh ghép

Người mẹ với kế hoạch dở dang

Ba ngày sau khi gặp bà Nguyễn Thị Hòa (gần 50 tuổi, quê Phú Bình, Thái Nguyên)-người ăn, ngủ tại gốc cây đối diện Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) để chăm con gái 22 tuổi bị hoại tử ruột; người mẹ ấy đã không còn ở đó. Tìm lại, gốc cây giờ đã thuộc sở hữu người khác. Hỏi hết người này tới người khác không ai biết bà đi đâu. Chỉ đến khi lần tới mấy người bán hàng rong trong viện mới hay, một ngày trước con gái bà không qua khỏi bạo bệnh.

Chiếc “lá xanh” đó mới ngoài đôi mươi. Nghe kể, thi thoảng, em ngồi dưới gốc cây để mẹ chải tóc. Nụ cười của một cô gái tuy bệnh tật, nhưng không kém phần tươi tắn. Người mẹ đang lên kế hoạch cưới chồng cho con... Bên ghế đá, bà Hòa kể: Con bé học hết lớp 12 phải nghỉ học đi làm để phụ giúp kinh tế gia đình. Nhiều lần giục lấy chồng, nhưng nó cứ bướng bỉnh không nghe.

Thay vào đó, nó quyết đi làm lấy tiền phụ bố mẹ nuôi hai em ăn học. Hơn 10 tháng trước, cô gái trẻ xin được vào làm công nhân cho một nhà máy điện tử ở Bắc Ninh. Công việc đang dần ổn định bất ngờ một hôm cô bị đau bụng, nôn. Nghĩ mình bị ngộ độc thức ăn, hơn một ngày sau khi ngất đi, cô bạn cùng xóm trọ đưa vào Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh cấp cứu.

Các bác sĩ ở đây chẩn đoán đái tháo đường, nhưng truyền dịch gần hai ngày không có dấu hiệu giảm. “Thấy con lịm dần, tôi xin chuyển viện. Lúc đầu các bác sĩ không cho. Họ còn nói bệnh 10 phần đã chữa còn 3 nên không phải chuyển. Tôi phải khóc lóc, van xin, thiếu nước quỳ lạy, họ mới cho lên đây. Cứ tưởng vẫn còn kịp...”, bà Hòa run run kể.

Rồi các bác sĩ phẫu thuật nhưng chỉ mổ ra xem rồi phải khâu lại, phần ruột của cô đã hoại tử quá nhiều không thể cắt bỏ hết. Sau gần nửa tháng điều trị, cô dần tỉnh lại.

“Bác sĩ đã cho uống sữa. Em nó còn đòi điện thoại để nhắn tin. Cũng không thấy bác sĩ nói gì. Chắc qua được”, người mẹ từng ánh lên niềm hy vọng.

Đó là điểm sáng duy nhất trên khuôn mặt nhầu nhĩ, nhưng chất phác. Người nhà mấy lần khuyên bà Hòa về nghỉ ngơi, để người khác thay phiên chăm, nhưng bà nhất quyết không về bởi không chịu rời xa con. Bà từng hứa với lòng mình, lần này con ra viện sẽ bắt con lấy chồng, không cho đi làm công nhân nữa. Câu chuyện của chúng tôi và bà bị đứt đoạn vì bác sĩ đang gọi vào...nhà xác.

Cuộc sống bên ấm trà dạo

Những ai từng một lần phải ngủ qua đêm dưới gốc cây Bệnh viện Bạch Mai, sẽ bắt gặp bà cụ còng lưng xách theo ấm nước, túi nilon đựng vài thứ lặt vặt đi bán khắp sân. Bà Trịnh Thị Cưu, năm nay đã 65 tuổi, quê ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), bán trà dạo nuôi chồng chạy thận gần chục năm. Đó cũng là khoảng thời gian hai vợ chồng bà để lại con cái, nhà cửa ra Hà Nội “tạm cư”.

Dáng lom khom, chậm chạp của bà quá đỗi quen thuộc với người nhà và bệnh nhân lúc đêm khuya tại hành lang bệnh viện. Sức già chỉ đủ xách ấm trà. Khách nghèo uống nước vì thương người cùng cảnh ngộ, như thể một sự xoắn bện vào nhau giữa những con người khổ sở.

“Mỗi đêm đi bán thế này cũng được khoảng gần 100 ngàn đồng. Mỗi tháng, hai vợ chồng thuê trọ mất 1,5 triệu đồng, tiền ăn khoảng 2 triệu đồng. Chi phí chạy thận tuần ba buổi nhờ vào bảo hiểm, chịu khó dè dặt cũng đắp đổi qua ngày”, vừa nói bà Cưu lần hồi đếm số tiền lẻ nhàu nát.

Đồng cảnh ngộ như bà Cưu, bà Đặng Thị Cần (51 tuổi, quê Kim Động, Hưng Yên) tới Bệnh viện Bạch Mai chăm chồng chạy thận đã hơn 8 năm. Để có tiền ăn ở và trả 500 ngàn đồng viện phí mỗi tháng (phần còn lại có bảo hiểm hộ nghèo chi trả), người phụ nữ này cũng mưu sinh tại sân Bệnh viện Bạch Mai với ấm nước dạo. Hằng đêm, bà bán từ 20 giờ tới 3 giờ sáng hôm sau mới nghỉ.

Đôi khi, khỏe trong người, ông Chung - chồng bà cũng vào viện bán nước cùng vợ. Người phụ nữ dáng người nhỏ nhắn, lúc nào cũng đeo chéo chiếc túi sờn màu, kể: Gần 10 năm chồng chạy thận là chừng ấy thời gian vợ chồng xa quê, bỏ hai đứa con một học lớp 9, một học lớp 5 và nhà cửa cho bà nội trông coi, chăm sóc. “Mỗi tháng hai vợ chồng cũng chỉ về quê thăm con được một ngày, hôm sau phải lên ngay để chồng vào viện chạy máy”, bà Cần nói.

Bệnh viện Bạch Mai cấm bán hàng rong nên không ít lần bà Cưu, bà Cần bị bảo vệ rượt đuổi. Lắm hôm chạy không kịp, bảo vệ đập vỡ ấm. Hôm sau, lại sắm ấm mới để tiếp tục nhọc nhằn mưu sinh. Nói vậy thôi, cánh bảo vệ ở đây cũng không lạ gì những phận người này.

“Không bán nước ở đây, còn biết đi đâu. Đường cùng có lẽ vào chỗ kia kìa”, bà Cưu giọng bùi ngùi. Cái chỗ kia là khoảng tối phía nhà xác của Bệnh viện Bạch Mai. Chúng tôi nghe vậy lại ngước nhìn những gương mặt sạm đen vì bệnh tật, tuổi tác, nhưng ở đó vẫn ánh lên sự lạc quan lạ kỳ.

Bệnh viện, nơi đó có những phận đời, phận người hằng phút, hằng giây chống chọi với cái chết. Bên hành lang bệnh viện, còn có những con người biết vươn lên như cái cây giữa sa mạc; vượt qua khó khăn, để tiếp tục sống

.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.