Khảo sát toàn bộ học sinh lớp 12: Hà Nội chuẩn bị ra sao?

TPO - Từ ngày 20-22/3, học sinh lớp 12 trên toàn thành phố Hà Nội tham gia khảo sát 3 môn thi bắt buộc. Đây là đợt trải nghiệm chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được tổ chức vào 21-24/6 tới. Đến thời điểm này công tác chuẩn bị của nhiều trường đã hoàn tất.

Ông Hà Xuân Nhâm, hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội cho biết  trong đợt khảo sát vào ngày 20, 21, 22 tháng 3 tới, trường đã phổ biến đầy đủ quy chế đến học sinh lớp 12. Chương trình ôn tập cũng theo đúng quy định của sở giới hạn chương trình học đến hết 11/3. Các giáo viên cũng đã dặn dò học sinh những lưu ý với bài thi tổ hợp. 

“Khác với các bài thi trắc nghiệm khác, bài tổ hợp gồm 3 môn thành phần. Các em làm bài trả lời 3 môn thi thành phần trên cùng  một phiếu trả lời nên  các em phải chú ý mã đề phải trùng nhau. Trước khi làm bài, các em phải kiểm tra kỹ rồi mới làm. Giáo viên cũng động viên học sinh về mặt tinh thần, đồng thời, củng cố kiến thức cho học sinh  để các em chủ động với bài thi” – ông Nhâm chia sẻ. Năm nay, Trường THPT Phan Huy Chú có 381 học sinh lớp 12. Trong đó có 104 học sinh chọn bài thi khoa học xã hội.

Ông Hà Xuân Nhâm cũng khẳng định để chuẩn bị cho đợt khảo sát tới công tác chuẩn bị  cơ sở vật chất  của cụm Đống Đa cũng đã xong. Đống Đa là quân duy nhất không phải ghép với quận, huyện khác do có số lượng lớn các trường THPT (trên 10 trường).

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết học sinh của trường đã sẵn sàng cho kỳ khảo sát sắp tới. Bản thân bà là hiệu trưởng, mỗi tuần có 2 tiết đứng lớp bà cũng tranh thủ để dạy học sinh về quy chế,  tư vẫn tâm lý, kỹ năng làm bài cho học sinh của mình.  

“Ví dụ lớp 11, dạy về xu hướng thi mới, chọn ngành như thế nào. Với những cái mới, học sinh thường hoang mang, lo lắng. Nhưng năm nay có thuận lợi, Bộ công bố quy chế sớm. Nếu khó khăn thì cũng cần tìm cách vượt qua. Một sân chơi chung, khó cùng khó, dễ cùng dễ, không có lý gì Hà Nội khó khăn hơn tỉnh khác. Tôi cứ phân tích thế cho học sinh thấy để các em yên tâm. Tự luận hay trắc nghiệm thì bản chất vẫn là phải vững kiến thức cơ bản thì đều làm bài được.  Trong trắc nghiệm cũng có những kỹ năng cơ bản khác thì thầy cô cũng đều dạy học sinh” – bà Nhiếp cho hay

Bà Nguyễn Thị Hồng Hải hiệu trưởng trường THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trưng cũng cho biết học sinh lớp 12 của trường ôn tập theo chỉ đạo của sở. Đợt khảo sát sắp tới, bà Hải khẳng định đây là trải nghiệm tốt với thầy cô và học sinh để làm quen với cách thi của năm nay.

“Điều lo lắng nhất là tâm lý của những học sinh có học lực hơi yếu một chút khi làm bài thi tổ hợp. Bình thường  dạy ở trên lớp, học trò nào học lực yếu, không làm được bài là run. Nên khi vào làm bài thi tổ hợp nếu bài này không làm được sợ các em mất tinh thần không làm được bài tiếp theo” – bà Hải cho hay.  

Đợt khảo sát sắp tới của Hà Nội, Sở GD&ĐT tổ chức như thi THPT Quốc gia. Toàn thành phố có 16 cụm thi. Công tác coi thi, chấm thi giống với kỳ thi THPT Quốc gia 2017 để học sinh, giáo viên, các trường và phụ huynh nắm được chất lượng đào tạo.

Được biết, nội dung khảo sát nằm trong chương trình học lớp 12 đến ngày 11/3 và phương thức tổ chức thi như thi THPT quốc gia. Giáo viên, học sinh cũng đã chuẩn bị kỹ cho đợt khảo sát này.

Mỗi học sinh dự kiểm tra 4 bài, trong đó có 3 bài kiểm tra bắt buộc (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) và một bài kiểm tra tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân). 

Riêng học viên học chương trình GDTX cấp THPT dự thi 3 bài, trong đó có 2 bài bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và một bài tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý).

Môn Ngữ văn kiểm tra theo hình thức tự luận, các bài kiểm tra còn lại kiểm tra theo hình thức TNKQ.

Trước đó, trao đổi với Tiền Phong, ông Chử Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đợt khảo sát tới, Hà Nội sẽ chia thành 16 cụm thi gồm các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn quận, huyện, thị xã. Việc tổ chức coi, chấm khảo sát đảm bảo nghiêm túc, theo đúng quy chế kỳ thi THPT quốc gia. Lãnh đạo thanh tra tại các hội đồng thi là giáo viên, cán bộ quản lý của trường bạn. Sau khi có kết quả các cụm thi gửi về, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức chấm thẩm định xem các trường chấm như thế nào.

“Kết quả khảo sát sẽ có phân tích đánh giá số liệu gửi về các nhà trường. Từ đó, so sánh các trường trong cụm, so sánh các lớp với nhau trong trường để thêm kênh thông tin giúp các nhà trường, cha mẹ học sinh, đặc biệt các thầy cô giáo giảng dạy thấy được chất lượng đào tạo của mình” - ông Dũng cho hay.

MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.